Wednesday, November 13, 2024
Trang chủBiển nóngBước phát triển đáng lo ngại của TQ ở Biển Đông

Bước phát triển đáng lo ngại của TQ ở Biển Đông

Chuyên gia nhận định các thực thể Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông giờ đây đã hoàn thiện, đặt ra thách thức với an ninh khu vực.

Ảnh chụp từ vệ tinh đá Subi bị Trung Quốc cải tạo trái phép thành đảo nhân tạo ngày 20/3/0218. Ảnh: Reuters.

Thoạt nhìn từ trên cao, “nó” trông giống như một thị trấn nhỏ, sạch sẽ và được quy hoạch rõ ràng, hoàn chỉnh với sân thể thao, những con đường gọn gàng cùng nhiều tòa nhà dân sự lớn. Nhưng thị trấn này lại ngự tại đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép và cải tạo phi pháp thành đảo nhân tạo.

Giới chuyên gia an ninh khu vực nhận định Bắc Kinh có thể sẽ sớm sử dụng nơi đây làm nơi đồn trú đầu tiên cho các binh sĩ tại vùng biển trái tim của Đông Nam Á, theo Reuters.

Các bản đánh giá, phân tích dữ liệu cho thấy đá Subi, cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.200 km, nay hiện diện gần 400 tòa nhà, số lượng công trình tương đối lớn nếu so với các thực thể khác.

Theo những nguồn tin am hiểu tình hình khu vực, đá Subi rất có khả năng là nơi đồn trú tương lai cho hàng trăm lính hải quân Trung Quốc cũng như đóng vai trò như một trung tâm điều hành, trong bối cảnh Bắc Kinh đang ráo riết khẳng định tuyên bố chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông bằng cả hiện diện dân sự lẫn quân sự. Nếu kịch bản trên xảy ra, đây sẽ là một bước phát triển “đáng lo ngại”.

Earthrise Media, một nhóm phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu hình ảnh, ủng hộ truyền thông độc lập, đã tiến hành phân tích những bức ảnh chụp từ vệ tinh của DigitalGlobe kể từ đầu năm 2014 đến nay ở Trường Sa, thời điểm Trung Quốc tăng tốc cải tạo các bãi đá thành đảo nhân tạo trái phép. Những bức ảnh cho thấy trên một số thực thể, xuất hiện sân bóng rổ, thao trường cùng hàng loạt tòa nhà được trang bị cả thiết bị radar. Dan Hammer, người sáng lập Earthrise Media, cho biết đội ngũ của ông chỉ kiểm đếm những cấu trúc cố định và có thể nhận biết được.

“Khi tôi nhìn vào các bức ảnh, tôi thấy một căn cứ trên đất liền cơ bản của quân đội Trung Quốc. Nó thực sự đáng kinh ngạc, đầy đủ tới cả sân bóng rổ”, Collin Koh, nhà phân tích về an ninh tại Singapore, nhận xét.

Koh đánh giá việc triển khai binh lính đến đây sẽ là một bước tiến lớn đối với Trung Quốc, tuy nhiên, Bắc Kinh cần phải đảm bảo an toàn và cung cấp những yêu cầu hậu cần cần thiết cho các binh sĩ. Vì vậy, hiện diện quân sự của Trung Quốc chỉ có thể mở rộng từ từ, khó đột biến.

Các nhà ngoại giao cấp cao phương Tây miêu tả việc đưa binh sĩ hay chiến đấu cơ tới những đảo nhân tạo là cách Trung Quốc kiểm tra quyết tâm của quốc tế trong nỗ lực ngăn chặn Bắc Kinh thống trị tuyến thương mại đường thủy quan trọng trên Biển Đông.

Subi là thực thể lớn nhất trong 7 đá ở Trường Sa mà Trung Quốc cải tạo phi pháp. Cả đá Subi, Chữ Thập và Vành Khăn đều có những công trình kiến trúc tương tự nhau, bao gồm các vị trí bố trí tên lửa, đường băng dài 3 km, các cơ sở lưu trữ mở rộng và một loạt trang thiết bị có khả năng theo dõi vệ tinh, hoạt động quân sự nước ngoài và thông tin liên lạc. Đá Vành Khăn và đá Chứ Thập, mỗi thực thể hiện có gần 190 tòa nhà và công trình do Trung Quốc xây dựng trái phép, theo phân tích từ Earthrise.

Koh cùng các chuyên gia phân tích khác ước lượng các cơ sở trên đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập có thể chứa tới một trung đoàn từ 1.500 đến 2.400 binh sĩ.

Toan tính

Nhà Trắng gần đây đã bày tỏ quan ngại về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi CNBC đưa tin về việc các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không được triển khai tới đá Subi, đá Vành Khăn và đá Chữ Thập.

Tuần trước, Trung Quốc công bố hình ảnh các oanh tạc cơ nước này tiến hành huấn luyện hạ và cất cánh tại một số đảo và đá. Trang web của quân đội Trung Quốc ngày 18/5 còn đăng hình ảnh cho thấy một oanh tạc cơ H-6K diễn tập tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 23/5, Lầu Năm Góc đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn vì hành động quân sự hóa của Bắc Kinh trên các thực thể ở Biển Đông.

Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử trở thành chỉ huy tiếp theo của các lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, hồi tháng trước cho biết các căn cứ mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông đều đã hoàn thành và chỉ chờ triển khai binh sĩ.

Đến nay, các cuộc tuần tra lặp lại của Mỹ gần những thực thể Trung Quốc cải tạo phi pháp cũng như sự gia tăng triển khai hải quân ở khu vực chưa mang đến những tác động đáng kể đối với các kế hoạch mà Bắc Kinh theo đuổi.

“Các quốc gia phương Tây dường như đều nhận thấy rằng họ cần những chiến lược mới nhưng họ lại chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu hợp tác có ý nghĩa nào”, một nhà ngoại giao phương Tây am hiểu vấn đề cho hay. “Hành động triển khai chiến đấu cơ của Trung Quốc, dù chỉ tạm thời, sẽ kiểm tra một cách nghiêm túc sự thiếu vắng phản ứng gắn kết giữa các nước”.

Theo các báo cáo thời gian qua, những tàu đổ bộ cỡ lớn Trung Quốc cũng như các loại tàu khác đã bắt đầu sử dụng các cảng hải quân quy mô ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn.

Các lực lượng Trung Quốc đang dùng các đảo cải tạo phi pháp để kiểm soát cái mà những sĩ quan hải quân nước này gọi là “vùng cảnh báo quân sự”, một khái niệm mơ hồ mà theo giới chức quân sự phương Tây và châu Á, không có cơ sở pháp lý quốc tế.

Những báo cáo tình báo phương Tây chỉ ra rằng các tàu hải quân Trung Quốc và các trạm giám sát Bắc Kinh đặt trái phép trên đá Chữ Thập còn thường xuyên phát tín hiệu cảnh báo tới những tàu và máy bay quân sự nước ngoài đi qua khu vực. Australia mới đây công bố nội dung một thông điệp cảnh báo “mạnh nhưng lịch sự” của Trung Quốc đối với ba tàu hải quân nước này khi chúng di chuyển trên Biển Đông tới Việt Nam.

Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho rằng những tình huống chạm trán kiểu như vậy giữa Trung Quốc và các lực lượng quân sự nước ngoài ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn so với trước đây.

“Động thái đã trở thành quy tắc hơn là ngoại lệ tại một số khu vực quan trọng ở Biển Đông”, một nguồn tin nắm rõ các báo cáo an ninh của phương Tây nói với Reuters.

Tàu và máy bay từ Ấn Độ, Pháp, Nhật Bản, New Zealand hay Malaysia và Philippines cũng nhận được những cảnh báo tương tự, theo các quan chức và chuyên gia phân tích quân sự trong khu vực.

Tuy nhiên, vì “vùng cảnh báo quân sự” mà Trung Quốc đưa ra không có bất cứ cơ sở pháp lý nào, các quan chức hải quân nước ngoài luôn nhấn mạnh rằng họ đang ở trên vùng biển quốc tế và tiếp tục hành trình của mình.

Zhang Baohui, chuyên gia về an ninh Trung Quốc tại Đại học Lingnan, Hong Kong, cho rằng Bắc Kinh sắp tới sẽ thận trọng hơn khi thực hiện những động thái có thể kích động bất ổn, chẳng hạn như đồn trú máy bay chiến đấu trên các thực thể tranh chấp.

“Duy trì hiện diện ở những nơi xa bờ biển Trung Quốc là một công việc khó khăn và tôi nghĩ hành động triển khai binh sĩ hay chiến đấu cơ sẽ vượt ngưỡng chịu đựng của các quốc gia láng giềng”, Zhang nhận xét.

RELATED ARTICLES

Tin mới