Mỹ bất ngờ điều một trong những chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường tối tân và mạnh nhất của nước này đến Châu Á ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un ở Singpaore vào đầu tháng Sáu tới.
Chiến hạm USS Milius đã đến Nhật Bản ngày hôm qua (22/05) như một phần của nỗ lực tăng cường sức mạnh phòng thủ chống lại bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo nào từ Triều Tiên hay bất kỳ nước nào khác ở Đông Á, phía Mỹ cho hay.
Sự xuất hiện của một trong những tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường mạnh nhất của Mỹ ở Căn cứ Hải quân Yokosuka diễn ra đúng ba tuần trước cuộc gặp gỡ chưa từng có giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên ở Singapore. Theo kế hoạch dự kiến, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử vào tháng tới.
Hành động phô trương sức mạnh có phần lạ lùng và bất thường của Mỹ được cho là một lời nhắc nhở về áp lực quân sự đối với Triều Tiên khi Mỹ quyết tâm tìm cách gây sức ép để Bình Nhưỡng buộc phải từ bỏ chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân.
Hoạt động triển khai tàu USS Milius đến Nhật Bản trước đó đã bị trì hoãn trong gần một năm để Mỹ tiến hành nâng cấp con tàu này bằng cách trang bị cho nó hệ thống chiến đấu cực mạnh Aegis – một hệ thống phòng không giúp tăng khả năng phát hiện và tấn công các mục tiêu tên lửa.
Được trang bị tên lửa có thể bắn hạ các đầu đạn trong vũ trụ, tàu chiến Milius sẽ là một phần trong lực lượng tàu khu trục của Hải quân Mỹ được triển khai ở tuyến phòng thủ đầu tiên nhằm chống lại bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm xa nào từ phía Triều Tiên.
Chiến hạm Milius sẽ gia nhập vào lực lượng hai tàu khác của Hạm đội Số 7. Cả hai con tàu này cũng đều vừa được nâng cấp tương tự. Như vậy, Hải quân Mỹ hiện giờ đang có 13 tàu đóng tại căn cứ Yokosuka, trong đó có tàu sân bay USS Ronald Reagan.
Lực lượng quân sự của Hải quân Mỹ được triển khai theo một thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản nhằm mục đích bảo vệ Nhật Bản khỏi các cuộc tấn công.
“Thứ mà chiến hạm Milius sở hữu hiện tại là hệ thống chiến đấu đã được nâng cấp ở mức tối tân nhất và mạnh nhất. Nó giúp tăng năng lực thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như phòng thủ tên lửa đạn đạo, chiến tranh điện tử, chiến tranh tàu ngầm và chiến tranh trên không”, Chỉ huy con tàu – thuyền trưởng Jennifer Pontius phát biểu ở Yokosuka.
Chiến hạm Milius được đón chào vào một buổi chiều trời đẹp ở Yokosuka – đại bản doanh của Hạm đội Số 7 của Mỹ và sự kiện này diễn ra trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là càng gần đến ngày diễn ra cuộc gặp nói trên thì tình hình lại bắt đầu biến chuyển theo chiều hướng xấu đi. Triều Tiên hồi tuần trước đã bất ngờ đe dọa hủy bỏ cuộc gặp với ông Trump vì tức giận trước việc Seoul và Washington tiếp tục tổ chức cuộc tập trận chung Max Thunder như kế hoạch.
Chưa hết, Bình Nhưỡng còn khiến cho Mỹ hoang mang khi thẳng thừng tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc đối thoại nào Washington thúc ép Triều Tiên đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân – thứ vũ khí mà Bình Nhưỡng khẳng định là họ cần để bảo vệ đất nước chống lại sự gây hấn, xâm lược từ Mỹ.
Đáp lại, ông Trump cũng cứng rắn cảnh báo, nếu không đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thì chính quyền của ông Kim sẽ phải đối mặt với viễn cảnh bị lật đổ.