Trước thềm cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), Mỹ quyết định rút lại lời mời, không cho phép quân đội Trung Quốc tham gia, bày tỏ bất mãn đối với việc Trung Quốc cố tình quân sự hóa Biển Đông.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương-2016. Ảnh: Naval Today.
Tờ Nhật báo phố Wall Mỹ ngày 23/5 cho hay cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương là sáng kiến của Mỹ, được tổ chức hai năm một lần, năm nay là cuộc tập trận lần thứ 26, dự định tổ chức vào hạ tuần tháng 6/2018.
Cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất thế giới này thường lấy Trân Châu Cảng làm “sân nhà”, thời gian kéo dài vài tuần. Các nước không chỉ tham gia các hoạt động hữu nghị và thể thao, mà tàu chiến các loại sẽ còn tiến hành nhiều hoạt động diễn tập trên biển.
Từ năm 2014 trở đi, quân đội Trung Quốc đã liên tục hai lần được mời tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương. Tháng 1/2018, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc đã nhận được lời mời của Mỹ, đồng thời cử lực lượng tham gia.
Theo tiết lộ của quan chức Mỹ, sau khi thảo luận kéo dài vài tuần ở Lầu Năm Góc, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đưa ra kết luận Trung Quốc không nên tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận này có 27 nước tham gia, triển khai hợp tác quân sự quốc tế. Mỹ mời tham gia là có ý định chính trị, cho thấy Mỹ chấp nhận quân đội quốc gia tham gia tập trận. Quân đội Trung Quốc tham gia RIMPAC, trở thành nước được lợi quan trọng vì có thể tăng cường vai trò ảnh hưởng.
Tương tự, Mỹ rút lời mời cũng có ý nghĩa chính trị. Chẳng hạn, sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014, Mỹ lập tức không cho Nga tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương.
Quan chức Mỹ cho biết quan chức Trung Quốc tại Washington đã nhận được quyết định của Mỹ về việc loại quân đội Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương.
Trước đây, việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan thường gây ảnh hưởng đến quan hệ quân đội hai nước. Quân đội Trung Quốc nhận lời mời tham gia tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2 lần trước là một trong những kết quả thực chất của các nỗ lực cải thiện quan hệ quân đội hai nước của Washington và Bắc Kinh từ cuối năm 2010 trở đi.
Mỹ quyết định rút lời mời có thể làm trầm trọng thêm quan hệ căng thẳng Trung – Mỹ trong thời điểm hai nước tiến hành đàm phán để tránh chiến tranh thương mại.
Một quan chức Thượng viện Mỹ cho biết: “Tôi cho rằng loại quân đội Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương sẽ là một thông điệp chính trị quan trọng”.
Những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh bành trướng ở Biển Đông, triển khai phi pháp nhiều cơ sở quân sự như thiết bị gây nhiễu thông tin ở các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép. Cơ quan tình báo Mỹ gần đây xác nhận, Trung quốc đã triển khai phi pháp tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình chống hạm ở các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Trung Quốc tiếp tục tuyên truyền bất chấp luật pháp quốc tế là họ đang triển khai các “phương tiện phòng thủ lãnh thổ cần thiết” nhằm làm giảm mối lo ngại của cộng đồng quốc tế đối với việc “Trung Quốc tìm cách giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông bằng vũ lực” – Nhật báo phố Wall nhấn mạnh.