Chuyên gia đánh giá đây là một sự trì hoãn “có thể có giá trị”
Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến dư luận ngỡ ngàng khi thông báo hủy cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.
Tối 24.5 (giờ VN), Nhà Trắng bất ngờ công bố bức thư của Tổng thống Trump gửi lãnh đạo Kim về việc hủy bỏ sự kiện lịch sử đáng lẽ sẽ diễn ra vào ngày 12.6 tại Singapore.
“Tôi đã kỳ vọng gặp ông. Đáng tiếc, dựa trên những tuyên bố thể hiện sự thù địch và giận dữ của ông gần đây, tôi cảm thấy đây không phải là thời điểm thích hợp để có cuộc gặp gỡ theo kế hoạch”, lá thư viết. Chủ nhân Nhà Trắng gọi đây là “cơ hội bị bỏ lỡ” và ông vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ gặp lãnh đạo Kim. “Nếu ông đổi ý về việc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng này, hãy viết thư hoặc gọi điện thoại cho tôi”, Tổng thống Trump nhắn gửi lãnh đạo Kim. Dù vậy, Tổng thống Trump còn cảnh báo: “Ông từng đề cập sức mạnh hạt nhân, nhưng các loại vũ khí hạt nhân của chúng tôi lớn và mạnh mẽ đến nỗi tôi phải cầu Chúa sẽ không phải dùng đến chúng”.
Trong buổi họp báo sau đó tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết ông đã thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và quân đội Mỹ sẵn sàng đối phó trước những hành động “liều lĩnh” từ Triều Tiên. “Quân đội chúng tôi hùng mạnh nhất thế giới. Chúng tôi sẵn sàng đối phó bất kỳ mối đe dọa nào từ Triều Tiên”, CNN dẫn lời nhà lãnh đạo nhấn mạnh. Chủ nhân Nhà Trắng tuyên bố thêm ông sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch gây áp lực tối đa nhằm buộc Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân, đồng thời bày tỏ kỳ vọng lãnh đạo Kim sẽ “làm những điều đúng đắn nhất cho nhân dân Triều Tiên”.
Trong phiên điều trần trước quốc hội cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết: “Chúng tôi đánh giá cuộc gặp thượng đỉnh sẽ không gặt hái thành công. Trong nhiều ngày gần đây, chúng tôi không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ Triều Tiên về công tác chuẩn bị”. Theo CNN, ngay sau khi Tổng thống Trump nhận lời mời của ông Kim hồi tháng 3, đa số các quan chức Mỹ đánh giá khả năng cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra là dưới 50% và họ ngày càng ngờ vực về việc Triều Tiên hứa hẹn sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Trước khi có tuyên bố từ Nhà Trắng, vào sáng 24.5, Triều Tiên vẫn tiếp tục tỏ ra cứng rắn và cảnh báo về “đối đầu trong cuộc chiến hạt nhân”, theo KCNA. Nước này còn chỉ trích dữ dội Phó tổng thống Mỹ Mike Pence vì những phát biểu của ông liên quan đến quan hệ song phương. Reuters dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết việc Triều Tiên lên án ông Pence là yếu tố cuối cùng dẫn đến hủy thượng đỉnh. Vị quan chức này khẳng định Mỹ vẫn mở kênh đối thoại, nhưng Triều Tiên trước tiên phải thay đổi giọng điệu.
Đến khuya qua, Triều Tiên và cả Trung Quốc đều chưa đưa ra phản ứng nào. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thì triệu tập họp khẩn với các cố vấn. Sau đó, ông bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới. Tổng thống Moon và Tổng thư ký LHQ kêu gọi các bên tiếp tục đối thoại hướng đến giải trừ vũ khí hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.
Sự trì hoãn có thể có giá trị
Trả lời Thanh Niên tối qua (24.5) về việc Tổng thống Trump hủy cuộc gặp ngày 12.6 với lãnh đạo Kim Jong-un, tiến sĩ John Hamre, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) – cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là họ chưa chuẩn bị cho cuộc gặp trên. Bình Nhưỡng đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng phía Washington thì chưa chuẩn bị đầy đủ. Tôi cho rằng cuộc gặp rồi cũng sẽ diễn ra và sự trì hoãn có thể có giá trị riêng. Tôi đồ rằng hầu hết các nước ở châu Á đều được trấn an rằng cuộc gặp chỉ bị hoãn thôi”.
Cũng nhận định với Thanh Niên, ông Harry Kazianis, Giám đốc nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm vì lợi ích quốc gia (Mỹ) – Tổng biên tập chuyên san The National Interest, cho rằng: “Giữa Bình Nhưỡng và Washington đang có sự khác biệt để đàm phán giải quyết vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi lãnh đạo Kim muốn đem đến một cam kết thì Tổng thống Trump lại cần một lộ trình cụ thể, đáng tin, có thể kiểm chứng. Vì thế, không lạ khi cuộc gặp ngày 12.6 bị khép lại. Tuy nhiên, mọi thứ chưa phải hoàn toàn kết thúc. Nếu Bình Nhưỡng đưa ra một kế hoạch phi hạt nhân hóa chi tiết như Washington mong muốn thì hội nghị thượng đỉnh lại có thể được tổ chức. Sẽ là rất sai lầm cho Washington nếu ông Trump đến hội nghị thượng đỉnh với ông Kim mà chưa nhận được cam kết chi tiết từ Bình Nhưỡng”.