Trang web của quân đội Trung Quốc ngày 18/5 đăng hình ảnh cho thấy một oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh và cất cánh tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Máy bay H-6K của Trung Quốc diễn tập trên Biển Đông (Ảnh: SCMP)
Từ năm 1974 Trung Quốc dùng vũ lực lần lượt chiếm đóng hết quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Thấy Việt Nam chưa đủ sức mạnh chiếm lại Hoàng Sa và sự làm ngơ của Thế giới, Trung Quốc tiếp tục chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tháng 7/2012, Trung Quốc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa”, đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Đến khi Trung Quốc ồ ạt bồi đắp phi pháp 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa thành các đảo nhân tạo, xây dựng đường băng đủ khả năng tiếp nhận những loại máy bay quân sự hạng nặng, xây dựng các căn cứ quân sự thì Thế giới mới ngỡ ngàng và lên tiếng phản đối, gay gắt nhất là các nước Mỹ, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản.
Đầu năm 2018, phớt lờ sự phản đối, lên án của Việt Nam và nhiều nước, Trung Quốc đưa tên lửa ra các đảo họ đã bồi đắp ở Trường Sa. Những ngày vừa qua, Trung Quốc tiếp tục lấn tới, họ điều máy bay ném bom tới Hoàng Sa.
Trang web của quân đội Trung Quốc ngày 18/5 đăng hình ảnh cho thấy một oanh tạc cơ H-6K diễn tập hạ cánh và cất cánh tại đường băng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịch liệt phản đối hành động trên của Trung Quốc. Còn người phát ngôn Lầu Năm góc (Mỹ) gọi bài diễn tập này là “hành động quân sự hóa tiếp diễn của Trung Quốc tại thực thể có tranh chấp” ở Biển Đông.
Đáng lo ngại hơn như ông Richard Heydarian, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) vừa cảnh báo là “Trung Quốc đang tiến dần tới việc tuyên bố lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Đông”. Nếu như thế Trung Quốc có thể yêu cầu mọi máy bay dân sự phải báo cáo lộ trình bay, thiết lập liên lạc hai chiều và chịu sự kiểm soát của họ tại khu vực này.
Điều này trái ngược với việc Mỹ và nhiều nước coi Biển Đông là vùng biển Quốc tế, nơi mà hiện tại tàu thuyền, máy bay các nước đang tự do qua lại theo các quy định của luật pháp Quốc tế.
Hành động của Trung Quốc gần đây là hành động “phản bội” lại cam kết mà Bắc Kinh từng đưa ra về việc không quân sự hóa Biển Đông. Các nước cần liên kết chặn đứng hành động bẩn thỉu của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng và bất ổn ở khu vực.