Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngDồn sức vào Triều Tiên, Mỹ có thể trả giá trước TQ...

Dồn sức vào Triều Tiên, Mỹ có thể trả giá trước TQ ở Biển Đông

Việc âm thầm quân sự hóa Biển Đông nhân lúc thế giới tập trung vào vấn đề Triều Tiên có thể giúp Bắc Kinh cạnh tranh quyền lực với Washington.

Trong vài tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia ở Nhà Trắng dường như tập trung toàn bộ sự chú ý vào Triều Tiên với mong muốn đạt được một “thỏa thuận thế kỷ”. Cũng trong thời gian đó, Trung Quốc âm thầm gia tăng các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông.

Các nguồn tin tình báo Mỹ hồi đầu tháng cho biết trong tháng 4, Trung Quốc đã triển khai tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tới đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đây là thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh Hàn – Triều diễn ra, thu hút sự chú ý của Mỹ và cả thế giới.

Hôm 18/5, khi các quan chức Nhà Trắng nghiên cứu cách phản ứng với lời đe dọa hủy họp thượng đỉnh của Triều Tiên, quân đội Trung Quốc công bố video một oanh tạc cơ chiến lược H-6K diễn tập hạ cánh trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hai hôm sau, ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy Bắc Kinh đã triển khai thêm hai hệ thống tên lửa phòng không trên hòn đảo này, tương tự mẫu HQ-9 mà Trung Quốc đưa tới đây vào năm 2016.

 Oanh tạc cơ H-6K Trung Quốc diễn tập hạ cánh trái phép ở đảo Phú Lâm.

Bình luận viên Michael Fullilove của Foreign Policy cho rằng những thực tế này chứng tỏ Mỹ đã quá tập trung vào cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà quên mất đối thủ thực sự của mình ở châu Á hiện nay là ai.

Báo cáo Chỉ số Quyền lực châu Á (API) do Viện Lowy công bố gần đây cho thấy Triều Tiên chỉ xếp thứ 17 trong 25 quốc gia và vùng lãnh thổ có sức ảnh hưởng lớn nhất châu Á, khó có thể cạnh tranh được với Mỹ, nước có tiềm lực quân sự hàng đầu và mạng lưới đồng minh rộng khắp khu vực.

Chính sách đối ngoại của chính quyền Trump hiện nay dồn hết sự chú ý vào Triều Tiên, trong khi các báo cáo chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia đều chỉ ra rằng Trung Quốc mới là đối thủ thực sự của Mỹ. Về kinh tế, sức mua tương đương của Trung Quốc được dự đoán sẽ lớn gấp đôi Mỹ vào năm 2030. Về quân sự, hải quân Trung Quốc vào thời điểm đó cũng có thể sở hữu đội tàu chiến lớn gấp đôi hải quân Mỹ, theo một báo cáo tình báo gần đây.

Mỹ có tiềm lực quân sự rất lớn, nhưng lại trải khắp trên toàn cầu, đặc biệt là các cuộc chiến hao người tốn của ở Trung Đông. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ tập trung các nguồn lực quốc phòng vào những khu vực xung quanh, nhất là Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới.

Trong phiên điều trần trước quốc hội gần đây, Đô đốc Philip Davidson, người được bổ nhiệm là tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, thừa nhận hải quân Trung Quốc (PLAN) giờ đã có khả năng kiểm soát Biển Đông trong bất cứ tình huống nào, ngoại trừ một cuộc chiến tranh trực diện với Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay nhiều khả năng sẽ không muốn lao vào một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ. Thay vào đó, họ sẽ lựa chọn một cuộc chơi dài hơi, từng được các chuyên gia xác định là “chiến lược gặm nhấm Biển Đông”, với mục đích đẩy dần ảnh hưởng của Mỹ ra khỏi châu Á, theo Fullilove.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai thêm hai tổ hợp tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ISI.

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai thêm hai tổ hợp tên lửa phòng không đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: ISI.

Báo cáo Chỉ số Quyền lực châu Á cho thấy Bắc Kinh đã thành công trong việc cạnh tranh sức mạnh với Mỹ dưới ngưỡng xung đột. Sáng kiến “Vành đai Con đường” và các dự án khác biến Bắc Kinh thành đối tác thương mại lớn nhất và là nguồn viện trợ, cho vay nước ngoài chủ yếu đối với nhiều quốc gia trong khu vực.

Ứng phó dựa vào đồng minh

Theo bình luận viên John Powers của SMH, chiến lược chủ yếu của Mỹ hiện nay trước các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông vẫn chủ yếu là đối phó bằng các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, hàng không. Đây là cách phản ứng thụ động, luôn chậm hơn một bước so với đối phương và gần như chỉ dựa vào sức mạnh quân sự.

Đây là lý do khiến đại tá hải quân Mỹ về hưu James Fanell, trong báo cáo “Bành trướng Quân sự Toàn cầu của Trung Quốc” trình lên hạ viện Mỹ tuần trước, bày tỏ lo ngại về sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc trên Biển Đông, theo Diplomat.

“Hành động mở rộng đơn phương của Trung Quốc tại các vùng biển quốc tế trong Chuỗi đảo Thứ nhất, hay ‘Các lãnh thổ Xanh’ theo cách gọi của Bắc Kinh, trong 6 năm qua đã làm thay đổi đáng kể thế cân bằng quyền lực chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Fanell đánh giá.

Nhận định giai đoạn 2020-2030 là “thập kỷ đáng quan ngại”, Fanell cho rằng Trung Quốc sẽ tìm cách mở rộng sự hiện diện hải quân ở khắp nơi trên thế giới và kiểm soát các vùng biển chiến lược như Biển Đông. Ông kêu gọi Mỹ tăng cường sức mạnh hải quân của mình với sự hỗ trợ quân sự từ các đồng minh lớn để ngăn “đà trượt dài” của Washington trước Bắc Kinh ở châu Á.

Fullilove cũng cho rằng việc xây dựng một mạng lưới quốc phòng cùng các đồng minh và đối tác trong khu vực là giải pháp tiết kiệm về chi phí nhất cho Mỹ trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Trung Quốc.

Trung Quốc hiện nay chỉ có một đồng minh duy nhất theo hiệp ước là Triều Tiên, những nỗ lực thúc đẩy “quyền lực mềm” khác của Bắc Kinh hầu hết đều không thể biến thành hiệp ước đồng minh vì nước này có tranh chấp với phần lớn quốc gia xung quanh. Trong khi đó, Mỹ đã xây dựng được một mạng lưới đồng minh rộng lớn với sự tham gia của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… cùng ngày càng nhiều đối tác trong khu vực.

Tàu Trung Quốc (khoanh đỏ) bám theo một tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông năm 2016. Ảnh: USNI.

Tàu Trung Quốc (khoanh đỏ) bám theo một tàu chiến Mỹ tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông năm 2016. Ảnh: USNI.

Tuy nhiên, API chỉ ra rằng nỗ lực củng cố mạng lưới đồng minh của Mỹ ở châu Á có thể bị hủy hoại bởi các chính sách của Tổng thống Trump, người công khai thể hiện ác cảm với thương mại tự do và các mối quan hệ đa phương, vốn là hai trụ cột quan trọng cho vị thế của Mỹ ở châu Á.

Việc Trump quyết định rút Mỹ khỏi hiệp định TPP, đe dọa áp thuế các mặt hàng nhập khẩu nhằm thực hiện khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” có thể làm gia tăng căng thẳng với các đối tác, đồng minh trong khu vực. Chính sách đối ngoại đặt vấn đề Triều Tiên lên trên hết của Nhà Trắng cũng khiến nhiều đồng minh hoài nghi về các cam kết an ninh của Washington đối với khu vực.

“Trong 70 năm qua, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở châu Á đã góp phần tạo nên ổn định khu vực”, Fullilove nhận định. “Nhưng giờ đây, khi một thế lực thách thức nổi lên nhanh chóng trong bảng xếp hạng quyền lực châu Á, Tổng thống Mỹ dường như vẫn chưa nhận ra được giá trị của vị thế dẫn đầu ở khu vực này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới