Wednesday, November 27, 2024
Trang chủĐiểm tinNga, Trung đồng lòng nhắm vào Iran, tận dụng “chùn bước” EU

Nga, Trung đồng lòng nhắm vào Iran, tận dụng “chùn bước” EU

Sức ép của Mỹ lên Iran có thể đối mặt với nhiều nguy cơ xuất phát từ phía Nga và Trung Quốc, trong khi EU bắt đầu tỏ ra “buông xuôi”?

Tờ Wall Street Journal nhận định, các công ty có sự hậu thuẫn từ Nhà nước của Nga và Trung Quốc, đang không ngừng tìm kiếm lợi nhuận từ việc một loạt các tập đoàn châu Âu phải rời khỏi Iran. Điều này cũng đe doạ tới sự hiệu quả của sức ép kinh tế mà Mỹ đang muốn áp đặt lên Tehran.

Những động thái trên cho thấy, nền kinh tế Iran đã thay đổi kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015. Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã đe doạ về “những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử”, nếu Iran không kiềm chế các hoạt động quân sự của mình tại Trung Đông và dừng thử nghiệm tên lửa tầm xa.

Các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây lo ngại rằng, Bắc Kinh và Moscow sẽ nhân cơ hội để có được một loạt lợi thế “khổng lồ” tại một thị trường Iran rộng lớn đang không ngừng tăng trưởng.

“Điều không có lợi cho cả Mỹ và châu Âu là cuối cùng chỉ có Nga và Trung Quốc có thể kinh doanh ở Iran,” Patrick Pouyanné, Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Pháp Total phát biểu tại Washington.

Nga và Trung Quốc không bỏ lỡ cơ hội?

Trong tháng này, tập đoàn nhà nước Dầu khí và Hoá chất Trung Quốc (Sinopec) đã cử một đoàn đại biểu tới Tehran để hoàn tất hợp đồng trị giá 3 tỷ USD phát triển một mỏ dầu khổng lồ của Iran. Trước đó, Royal Dutch Shell vẫn đang đàm phán thương vụ này cho đến khi tập đoàn đa quốc gia gas và dầu mỏ Anh – Hà Lan cảm thấy những rủi ro liên quan tới trừng phạt, là quá cao. Thoả thuận phát triển mỏ dầu Yadavaran có lẽ là khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Iran trong một thập kỷ trở lại đây.

Trong khi đó, “gã khổng lồ” Dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) – một tập đoàn Nhà nước khác cũng đang đứng trước sự lựa chọn về khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD, trước đó vốn dành cho Total, nhằm phát triển một mỏ khí gas tự nhiên tại Iran. Tuy nhiên, tập đoàn Pháp lại đang cân nhắc việc rời bỏ vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các công ty Trung Quốc còn tham gia cùng các đối tác Iran trong các dự án cải tiến đường sắt, xây dựng tuyến tàu điện ngầm và sản xuất ô tô… Ngoài ra, quần áo, đồ dùng hàng ngày, đồ điện giá rẻ và hạt giống nhập khẩu từ Trung Quốc cũng rất được ưa chuông.

Trong khi đó, Nga có một cái nhìn khá cẩn trọng hơn về Iran trong vai trò một đối tác kinh doanh. Tuy nhiên, các công ty nước này vẫn luôn cố gắng để củng cố quan hệ giữa hai nước. Nga hiện cung cấp những thiết bị khai thác dầu cho các công ty năng lượng của Iran không có khả năng tiếp cận với công nghệ phương Tây.

Năm ngoái, tập đoàn dầu mỏ lớn nhất tại Nga là Rosneft đã đồng ý xem xét một số thoả thuận “chiến lược” trị giá tới 30 tỷ USD tại Iran. Mặc dù vậy, hiện tại, tình trạng của các thoả thuận này vẫn chưa được rõ ràng.

Zarubezhneft, một công ty nhà nước khác của Nga về dầu mỏ, đang là công ty nước ngoài đầu tiên ký kết một loại hợp đồng mới – dành cho các nhà đầu tư chuyên phát triển dầu thô tại Iran. Hồi tháng Ba, Zarubezhneft đã ký hợp đồng có giá trị lên tới 700 triệu USD để phát triển hai mỏ dầu nhỏ tại Iran. Đây cũng chính là những cơ hội các công ty dầu mỏ châu Âu như BP (Anh) và Wintershall (Đức), từng hy vọng đạt được ,nhưng giờ đây gần như chắc chắn sẽ từ bỏ dưới sức ép lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Nguy cơ cho kế hoạch gây sức ép Iran

Những nỗ lực của Nga và Trung Quốc báo hiệu nguy cơ cho kế hoạch gây sức ép lên Iran của chính quyền Mỹ. Nhiều công ty Nga và Trung Quốc không có mối liên kết dày đặc với hệ thống tài chính Mỹ như các công ty châu Âu. Điều này khiến chúng có thể vận hành tại Iran mà không chịu nhiều ảnh hưởng. EU đang hợp tác với Iran để tìm biện pháp giúp các công ty châu Âu tiếp tục hoạt động tại đây, bất chấp các đe doạ trừng phạt của Mỹ.

Kể từ khi Tổng thống Trump chính thức nhậm chức, Iran đã bắt đầu chuyển trọng tâm kinh tế và chính trị về phía Nga và Trung Quốc. Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif sau khi Mỹ tuyên bố rời khỏi thoả thuận hạt nhân 2015.

Tuy nhiên, chính Mỹ đã rũ bỏ những hỗ trợ kinh tế mà Nga và Trung Quốc đang dành cho Iran. Tuần trước, Ngoại trưởng Pompeo nói với các phóng viên rằng, “Nga và Trung Quốc cũng nhìn nhận sự can thiệp của Iran tại Trung Quốc là một mối đe doạ”.

Theo một quan chức Mỹ, ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ lớn tới nỗi, cả các công ty Nga và Trung Quốc cũng không thể làm ngơ. Nếu họ phải chọn giữa hoạt động kinh doanh ở Mỹ và Iran, họ sẽ chọn cái thứ nhất. Washington cũng đã đe doạ sẽ nhằm vào các công ty Trung Quốc có mối liên hệ với Mỹ nếu vi phạm lệnh cấm về Iran.

Một quản lý của CNPC tiết lộ, tập đoàn này đang lo lắng về phản ứng của các ngân hàng Trung Quốc trước việc tăng cường đầu tư vào Iran và mua sắm các thiết bị phục vụ khai thác dầu tại đây. Còn Nga cũng đang khuyến nghị các công ty của mình không tiến hành kinh doanh với Lực lượng Vệ binh Cộng hoà Hồi giáo.

“Bắt tay” cùng Iran, Nga và Trung Quốc tiếp tục gia tăng ghi thêm vào danh sách các bất đồng với Tổng thống Trump trên nhiều lĩnh vực, từ xung đột Ukraine cho tới thuế thép…

Tuy nhiên, việc thiếu cạnh tranh từ châu Âu cũng góp phần gây nên tình trạng trên.

Nga nhìn nhận Iran như một nền tảng mới để mở rộng ngành công nghiệp dầu mỏ của mình tại Trung Đông; đồng thời là một đồng minh tự nhiên (có đôi khi cũng hơi gượng gạo) để đối phó lại phương Tây. Quân đội Nga và Iran đã góp công lớn trong việc duy trì quyền lực cho Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Năm 2016, thương mại song phương tăng gấp đôi lên hơn 2 tỷ USD.

Còn Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Iran. Hơn 1/3 sản lượng dầu mỏ xuất khẩu của Iran là bán cho Trung Quốc, khiến thương mại giữa hai bên đạt mức kỷ lục 37 tỷ USD vào năm ngoái. Bắc Kinh coi Iran là một hành lang thương mại cho sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” của mình.

Theo Roozbeh Aliabadi, một đối tác của công ty Global Growth Advisors, từng tham vấn cho các công ty Trung Quốc và nước ngoài tại Iran, những lệnh trừng phạt của Mỹ lên Cộng hoà Hồi giáo nên được coi là “một món quà lớn lao cho Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới