Sẽ phạm sai lầm nếu không hiểu bàn cờ lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc gặp mặt Tập Cận Bình-Narendra Modi ở Vũ Hán và việc Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa (Biển Đông) đang tranh chấp không phải là một những động thái riêng lẻ mà nằm trong một chiến lược lớn hơn của Trung Quốc về trò chơi lớn mới đang diễn ra tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Rani Mullen, Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu Nam Á, Đại học quốc gia Singapore, Giám đốc Nghiên cứu Hợp tác Phát triển Ấn Độ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Ấn Độ), viết trên báo Indian Express mới đây, đã vạch ra sai lầm của khuynh hướng của các chính trị gia và giới nghiên cứu xem các sự kiện chính trị như những nước đi trong ván cờ ngắn hạn. Điều quan trọng ở đây không phải là những nước cờ đơn lẻ của người chơi mà chính là bàn cờ lớn hơn tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang chiếm ưu thế về mặt chiến lược.
Trung Quốc đầu tư các cảng biển để triển khai hải quân
Chiến lược dài hạn của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương dựa trên Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) có vẻ tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng này là nhằm hỗ trợ cho các lợi ích chiến lược của Trung Quốc triển khai quyền lực cứng ở Ấn Độ Dương khi cần thiết.
Trò chơi của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xoay quanh việc sử dụng cảng biển để có thể đón các tàu quân sự Trung Quốc và có vai trò như lãnh thổ với các đặc khu kinh tế (SEZ) ở Ấn Độ Dương. Myanmar, Sri Lanka và Pakistan minh họa điều này. Tại cảng Kyaukpyu ở bang Rakhine (Myanmar), Trung Quốc chiếm 70% cổ phần cùng với khoản đầu tư 10 tỷ USD xây dựng khu công nghiệp này. Các đường ống kết nối cảng với Trung Quốc cho phép dầu mỏ và khí đốt được vận chuyển thẳng về tỉnh Vân Nam.
Các khoản đầu tư cảng của Trung Quốc tại Hambantota (Sri Lanka), thông qua hình thức vay với lãi suất 6,3%, đã làm tăng nợ của nước này, dẫn đến việc phải bán phần lớn cổ phần tại cảng này cho Trung Quốc và cho phép hải quân nước này thăm cảng. Trung Quốc hiện sở hữu 85% cổ phần tại cảng Hambantota theo hợp đồng cho thuê 99 năm và giành thêm hơn 6.000 ha gần đó để phát triển SEZ. Với dự án Thành phố Cảng Colombo, Trung Quốc thỏa thuận thuê 99 năm khác, đầu tư 15 tỷ USD, để xây dựng 269 ha ngay cạnh thủ đô của Sri Lanka.
Đầu tư của Trung Quốc vào cảng Gwadar (Pakistan) với thỏa thuận thuê 40 năm sau khi công ty PSA của Singapore từ bỏ dự án này năm 2013 cũng là một phần của kế hoạch lớn hơn. Khoản đầu tư 62 tỷ USD vào Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan sẽ kết nối cảng Gwadar, một căn cứ hải quân gần đó và một số SEZ ở Pakistan với tỉnh Tân Cương của Trung Quốc thông qua mạng lưới đường bộ, đường sắt và các dự án năng lượng. Mặc dù có rất ít minh bạch về các thỏa thuận cho vay, các dự án của Trung Quốc luôn thông qua hình thức cho vay chịu lãi và Trung Quốc sẽ bỏ túi hơn 80% lợi nhuận. Hơn nữa, Pakistan đã xây dựng lực lượng đặc nhiệm gồm 1.550 binh sĩ với nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ Hành lang này mà một phần của nó sẽ chạy qua vùng Kashmir đang tranh chấp với Ấn Độ.
Đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và mối liên kết với chiến lược nội địa do Trung Quốc kiểm soát không chỉ liên quan lợi ích kinh tế. Việc gia tăng lực lượng biển từ 20.000 đến 100.000 cán binh nhằm luân phiên trong việc mở rộng sự hiện diện của Trung Quốc tại các cảng từ Biển Đông đến Pakistan và Djibouti cũng nằm trong chiến lược của Trung Quốc.
Các nước lớn khác thiếu nhất quán chiến lược
Câu hỏi lớn là chiến lược, nếu có, của Ấn Độ và các cường quốc Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khác trong bàn cờ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là gì? Cho đến nay, có rất ít bằng chứng về một chiến lược như vậy. Tại hội nghị gần đây ở Sri Lanka nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ cảng thay thế, một phái đoàn cấp cao của Nhật Bản đã tham dự trong khi Ấn Độ hầu như vắng bóng. Liên minh Ấn – Âu ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là một giấc mơ hão huyền khi các nước lớn ở châu Âu như Đức thậm chí không thể nhất trí về một chính sách đối ngoại ở nước ngoài. Và mặc dù chính quyền Trump lên tiếng cứng rắn đối với việc Trung Quốc triển khai tên lửa song lại có cách tiếp cận mang tính đổi chác và không dài hạn đối với chính sách đối ngoại. Hơn nữa, tư duy chiến lược của chính quyền Trump về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được chuyển sang Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi mà cấu trúc mệnh lệnh có thể ngăn cản việc xây dựng một chiến lược toàn diện ở Ấn Độ Dương. Và nỗ lực thể chế hóa các lợi ích chung giữa cường quốc dân chủ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua các khái niệm như Quad (Bộ tứ Mỹ-Ấn Độ-Nhật Bản-Úc) đã bàn thảo nhiều song chưa có kế hoạch cụ thể nào.
Trong khi Ấn Độ và các cường quốc khác ở khu vực chỉ nói mà không làm gì, Trung Quốc tiếp tục đề ra và hiện thực hóa chiến lược để thâm nhập vào hai vùng đại dương này.