Đối thoại Shangri – La diễn ra từ 1 – 3.6 sẽ củng cố tầm quan trọng ngày càng lớn của khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đối với an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, cây viết Rory Medcalf nhận định trong bài viết đăng tải trên Policy Forum.
Nhân tố Ấn Độ – Thái Bình Dương
Một số diễn biến trong khu vực gần đây cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của khái niệm “Ấn Độ – Thái Bình Dương” về bảo đảm an ninh và ổn định trong tương lai của khu vực biển bao quanh Đông Nam Á.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đổi tên cam kết chiến lược của Mỹ ở Châu Á theo thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bộ Tư lệnh chiến đấu Mỹ ở Châu Á – Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương – được đổi tên thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (INDOPACOM).
Về cơ bản, động thái này mang tính biểu tượng, nhưng phản ánh nhiều hơn việc cung cấp sự hiện diện chiến lược của Mỹ “từ Hollywood đến Bollywood” và là suy tính sâu xa hơn của Mỹ về cam kết hiện diện liên tục và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc trong khu vực.
Cây viết Rory Medcalf đánh giá, chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ mất thời gian đầy đủ để hình thành nhưng sẽ tồn tại lâu hơn nhiệm kỳ của ông Donald Trump và được lưỡng đảng nuôi dưỡng.
Nhưng Ấn Độ – Thái Bình Dương không chỉ là những gì Mỹ đề cập tới mà xa hơn thế. Tuần này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố Tuyên bố chung về tầm nhìn chung về hợp tác hàng hải Ấn Độ – Thái Bình Dương. Động thái phản ánh sự lựa chọn Ấn Độ – Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại của 2 nền dân chủ lớn nhất Châu Á, đánh dấu bước ngoặt của Châu Á trong việc chấp nhận ý tưởng Ấn Độ – Thái Bình Dương.
“Một cuộc chơi dài hơi đang diễn ra trong khu vực, với các biến thể của khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương đang được đưa ra để tranh luận với chiến lược địa kinh tế lấy Trung Quốc làm trung tâm của sáng kiến “Vành đai và Con đường”… Không có và không nên có 1 học thuyết Ấn Độ – Thái Bình Dương duy nhất, vì đây là 1 khu vực được tạo ra cho đa cực…
Tôi xin mượn lời đồng nghiệp Ấn Độ Nitin Pai… rằng Ấn Độ – Thái Bình Dương sẽ là một nơi có nhiều vành đai và nhiều con đường,”- cây viết Rory Medcalf bình luận.
Tầm nhìn của Ấn Độ về Ấn Độ – Thái Bình Dương
Từ chuyến thăm Châu Á của Tổng thống Donald Trump tháng 11 năm ngoái, mối quan tâm mới về xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương – khu vực biển với Châu Á là trung tâm và nhìn nhận vai trò quan trọng của các tuyến đường biển quốc tế ở đây với nền kinh tế, chính trị khu vực.
Nhiều nhà quan sát trông đợi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói về an ninh ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và vai trò của Ấn Độ trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri La ngày 1.6.
Theo Channel News Asia, 1 trong 3 yếu tố quan trọng trong chuyến thăm của ông Narendra Modi đến Đông Nam Á là bàn về tính khả thi của khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương. Là Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên phát biểu tại Đối thoại kể từ năm 2002, nhiều người hy vọng, ông phác thảo quan điểm của Ấn Độ về hòa bình, an ninh khu vực và những bước đi Ấn Độ định tiến hành để bảo vệ lợi ích chiến lược của mình.
Đồng thời, các chính trị gia, học giả mong muốn được biết cách Ấn Độ nhìn nhận các cấu trúc an ninh khu vực đang mở ra để thúc đẩy đối thoại quy mô lớn hơn và giải quyết những thách thức mới nổi.
Trong tương lai, nhiều chuyên gia cho rằng, Ấn Độ sẽ thúc đẩy 1 chính sách đối ngoại tích cực theo định hướng hành động trong khu vực.
Với việc hình thành “Tham vấn Australia – Ấn Độ – Nhật Bản – Mỹ về Ấn Độ – Thái Bình Dương”, được xem như sự hồi sinh của Đối thoại an ninh tứ giác 4 bên – hay “Quad”, nhiều người trông đợi Thủ tướng Narendra Modi sẽ nói về cách thức nhìn nhận vai trò của Ấn Độ trong Quad và trong 1 Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng lớn hơn cũng như Ấn Độ mong đợi Quad sẽ tham gia như thế nào.