Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngNhân tố nội bộ trong chiến lược quân sự của TQ ở...

Nhân tố nội bộ trong chiến lược quân sự của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự để không chế Biển Đông, lấy Biển Đông để phát triển quân sự, và xa hơn làcủng cố quyền lực trong tay Tập Cận Bình.

Không ảnh ngày 11/05/2015 cho thấy Trung Quốc hối hả đào đắp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn, quần đảo Trường Sa.

Một trong các đánh giá thường thấy về chính sách quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương là thiếu chiến lược rõ ràng do thay đổi các chính quyền khác nhau. Mỗi đời Tổng thống Mỹ (hoặc Đảng Cộng hòa hoặc Đảng Dân chủ) thường đưa ra chiến lược riêng, đôi khi thiếu lô-gic và phủ định nhau. Ngược lại, Trung Quốc được cho là luôn có chiến lược, tầm nhìn lâu dài với khu vực và các vấn đề đối ngoại, gồm mở rộng sức mạnh quân sự và kinh tế ra Biển Đông.

Bên cạnh mục tiêu mở rộng kiểm soát không gian ngoại vi là những gì dễ nhận thấy (đánh chiếm nếu có thời cơ), củng cố quyền lực cho Tập Cận Bình và bè cánh của ông là mục tiêu chính trị ẩn giấu bên trong đối với các hoạt động quân sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.

Chính quyền Tập Cận Bình lo ngại về một “mối đe dọa” từ bên ngoài đối với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó Trung Quốc có thể đối mặt với một cuộc xung đột trên Biển Đông. Đây là lý do chính để Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và tăng cường đồn trú trên các thực thể chiếm đóng trái phép này. Ví dụ, ngày 23/3/2018 sau khi tàu chiến USS Mustin của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Vành Khăn để thách thức yêu sách của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Trung Quốc phản ứng rằng sẽ tăng cường nâng cấp năng lực phòng thủ ở tất cả các khu vực. Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn có sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 40 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm ngoài khơi Hải Nam (4-10/4), sau đó 10.000 binh lính cùng với 76 máy bay chiến đấu và 48 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm các loại tập trận với sự quan sát chỉ đạo trực tiếp của Tập Cận Bình (12-18/4). Đồng thời, Trung Quốc lặng lẽ điều động tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9B ra Vành Khăn, Chữ Thập và Xu Bi.

YJ-12B là tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh, tương tự tên lửa Kh-31 của Nga nhưng hình dáng giống GQM-163 Coyote của Mỹ. Tên lửa YJ-12B có tầm bay khoảng 295 hải lý (545 km) với tốc độ từ 2.470-4.940 km/h tùy theo độ cao phóng ra. Tên lửa YJ-12B nặng 2,5 tấn, dài 6,3 mét, trang bị đầu đạn 205 kg, được coi là sát thủ tàu sân bay, có thể được gắn trên các loại máy bay tiêm kích H-6, JH-7B, J-10 và J-11. Nếu trang bị cho máy bay tiêm kích J-11, Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay của nước khác cách nơi xuất phát tới 1.900 km, vượt xa tầm bắn của tên lửa đạn đạo Đông Phong 21 (DF-21D).

Trong khi đó, tên lửa đất đối không HQ-9B tầm trung, tương tự như S-300 của Nga. HQ-9B đặt trong bệ phóng TA580 thẳng đứng sử dụng công nghệ phóng lạnh của Nga, nặng 2 tấn, trang bị đầu đạn 180 kg, có tầm bắn khoảng 160 hải lý (295 km) với tốc độ 5.200 km/h.

Các thiết bị vũ khí này cộng với các tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay của lực lượng hải quân và hải cảnh của Trung Quốc tăng lợi thế sức mạnh của Trung Quốc trên thực địa. Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ khu vực phía Nam Biển Đông, đặt tất cả tàu thuyền và máy bay của các nước trong tầm ngắm khi đi qua khu vực này. Nhờ vậy, Trung Quốc có thể yên tâm “chống chọi” với các “mối đe dọa” từ bên ngoài mà Bắc Kinh đang lo ngại.Chính quyền Tập Cận Bình có thể tô vẽ đây là một “thành tựu ở Biển Đông” như Tập Cận Bình từng nêu tại Đại hội 19.

Nhưng, có một điều vô lý tại Biển Đông là trong số các nước yêu sách, không nước nào có sức mạnh để có thể đối đầu tay đôi với Bắc Kinh về mặt quân sự. Kể cả 4 nước Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei cộng lại, hoặc liên kết với nhau để đối đầu quân sự với Trung Quốc cũng khó có thể thắng được Bắc Kinh. Vì vậy, việc vẽ ra một viễn cảnh đối đầu quân sự với các nước yêu sách ở Đông Nam Á là hoàn toàn ngụy tạo.

Ngoài ra, nguy cơ đối đầu với cường quốc bên ngoài ở Biển Đông cũng chưa đủ sức nặng. Cạnh tranh với các nước lớn ngày một tăng do sức mạnh của Trung Quốc ngày càng mở rộng. Nhưng, trong thời đại ngày nay, các nước lớn có xu hướng tránh đối đầu, xung đột trực tiếp với nhau như thời hai cuộc chiến tranh thế giới, hoặc giằng co như thời Chiến tranh Lạnh. Lý do là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước lớn và Trung Quốc, đặc biệt là về hợp tác kinh tế thương mại, kết nối tương đối chặt chẽ. Mỹ tập trung vào các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs) hơn là đối đầu quân sự với Trung Quốc. Trong khi đó, hai nước đã đạt nhận thức chung về tránh va chạm trên không và trên biển năm 2014. Và hai nước ý thức được rằng cả hai nước xảy ra đối đầu quân sự là cùng thua trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay. Sức mạnh của cả hai bên sẽ bị tổn hại nếu đối đầu quân sự với nhau. Hơn nữa, Mỹ không có lợi ích về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông, nên không sống chết đối đầu một mất một còn với Trung Quốc ở Biển Đông.

Vì vậy, việc chính quyền Tập Cận Bình vẽ ra viễn cảnh đối đầu quân sự để làm cớ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông là hoàn toàn ngụy tạo. Bên cạnh tham vọng lãnh thổ, phát huy sức mạnh biển xa và nâng cao sức mạnh răn đe với các nước bên ngoài, thành công trong việc quân sự hóa Biển Đông sẽ tạo điều kiện để tuyên truyền trong nước, củng cố vai trò lãnh đạo và dẫn dắt của một “hạt nhân lãnh đạo” kiểu Tập Cận Bình.

RELATED ARTICLES

Tin mới