Thursday, January 16, 2025
Trang chủBiển nóngLầu Năm Góc ‘nắn gân’ TQ ở Biển Đông

Lầu Năm Góc ‘nắn gân’ TQ ở Biển Đông

Trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thắp lên hy vọng cho những người dân tại các nước “thấp cổ bé họng”, đang bị Trung Quốc chèn ép ở Biển Đông.

Sự cứng rắn của Washington dường như đã tiếp thêm “dũng khí” cho các nước nhỏ trong khu vực, Philippines bất ngờ thay đổi giọng điệu, tuyên bố “sẵn sàng chiến tranh” nếu Bắc Kinh vượt lằn ranh đỏ.

Từ Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam mạnh mẽ lên án Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật ở Hoàng Sa.

Loại khỏi RIMPAC

Ngày 30/5, Hải quân Mỹ chính thức thông báo cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC 2018 sẽ bắt đầu từ ngày 27/6 đến ngày 2/8 tới đây, với tổng cộng 26 nước tham gia, trong đó có Việt Nam, nhưng không có Trung Quốc.

Trước đó, ngày 23/5, Hoa Kỳ thông báo đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia RIMPAC. Theo lời phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ, quyết định này là “bước đầu tiên” nhằm phản đối việc Trung Quốc tiếp tục “quân sự hóa” các đảo tranh chấp ở Biển Đông.

“Hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục tiêu cuộc tập trận RIMPAC”, Trung tá Hải quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, nói. Và ông nêu đích danh hai khu vực Hoàng Sa và Trường Sa là hai nơi Trung Quốc đã triển khai vũ khí và thiết bị quân sự như tên lửa chống hạm và phòng không cùng với các thiết bị gây nhiễu điện tử.

RIMPAC là cuộc thao diễn hải quân lớn nhất thế giới và diễn ra 2 năm một lần vào các năm chẵn, với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ mà tổng hành dinh đặt tại Honolulu, Hawaii, đóng vai trò chủ đạo. Đây được xem là cơ hội duy nhất để các quốc gia ven Thái Bình Dương hợp tác, thao dợt chung, cùng hoạt động với nhau để giải quyết các vấn đề khó khăn.

Cuộc tập trận RIMPAC quy tụ tất cả những cường quốc trong vùng, từ Nhật Bản đến Ấn Độ. Trung Quốc đã tham gia hai lần vào năm 2014 và 2016. Thoạt đầu, việc Trung Quốc cùng tập trận với Mỹ và các cường quốc khác rất được hoan nghênh vì đó được xem như là một bước tiến đến hợp tác.

Tuy nhiên, về sau đã có nhiều ý kiến đòi Mỹ chấm dứt việc mời Trung Quốc cùng tập trận do thái độ hung hăng của Bắc Kinh đối với hầu như tất cả các nước khác, từ Nhật Bản, cho đến Mỹ, Úc…

Thái độ thiếu hợp tác của Trung Quốc khi tham gia cuộc tập trân RIMPAC cũng đã đặt ra vấn đề. Theo chuyên gia Freiner, vào năm 2016, Hải Quân Trung Quốc đã tẩy chay Nhật Bản, không cho thủy thủ Nhật Bản lên viếng thăm  tàu của mình, cho dù nguyên tắc cuộc diễn tập là tinh thần hợp tác.

Thậm chí, khi tổ chức tiếp tân trên tàu của mình, Hải quân Trung Quốc cũng không chịu mời các đồng đội Nhật Bản, và chỉ miễn cưỡng mời sau khi bị phía Mỹ công khai chỉ trích.

Áp sát vùng phi pháp

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 27/5 đưa tin các quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ Hải quân Mỹ đã cho tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường Antietam áp sát vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo Cây, Linh Côn, Tri Tôn và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

USS HigginsTàu khu trục USS Higgins (DDG 76) của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)

Trước đó, truyền thông quốc gia Trung Quốc lần đầu tiên đăng tải một đoạn video cho thấy các máy bay ném bom tầm xa H-6K hạ cánh xuống quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, một động thái mà Lầu Năm Góc cho rằng gây căng thẳng khu vực.

Lầu Năm Góc cho biết có bằng chứng đáng tin cậy chứng minh rằng Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, đất đối không và hệ thống gây nhiễu điện tử tới các thực thể ở Trường Sa trên Biển Đông.

Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng, từ cả Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng trong tuyên bố ra tối 27-5 ngang ngược nói rằng hai tàu chiến Mỹ đã đi vào “vùng lãnh hải của Trung Quốc” khi chưa được chính phủ Trung Quốc cho phép.

Cũng trong hôm Chủ nhật 27/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói việc Mỹ có hành động khiêu khích, cho tàu chiến đi vào vùng biển của Trung Quốc là hành động làm “tổn hại tới sự tin cậy lẫn nhau” mang tính chiến lược giữa quân đội hai nước, làm xói mòn hòa bình, an ninh và trật tự ở vùng biển này.

Trong thực tế, các đảo tàu Mỹ áp sát đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Năm 1974, Trung Quốc nhân lúc Việt Nam đang có chiến tranh đã đem quân xâm chiếm và tuyên bố chủ quyền phi pháp với Hoàng Sa từ đó đến nay.

Sẽ “cho nổ tung” đảo nhân tạo Trung Quốc

Như một động thái đáp lại những đe dọa của Trung Quốc, một vị tướng Mỹ đã lên tiếng dọa sẽ phá hủy các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây trái phép tại biển Đông.

Trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 31/5, khi được một phóng viên hỏi về khả năng của Mỹ trong việc “thổi bay” một trong các đảo nhân tạo gây tranh cãi của Trung Quốc, Tướng 3 sao Kenneth McKenzie, Giám đốc Bộ Tổng tham mưu Mỹ trả lời: “Tôi muốn nói với bạn điều này, quân đội Hoa Kỳ đã thực hiện rất nhiều các bài tập đổ bộ chiếm đóng các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương”.

Kenneth McKenzie.Tướng ba sao Kenneth McKenzie. (Ảnh qua Wikipedia)

Ông McKenzie cho biết thêm, quân đội Mỹ đã “chuẩn bị” các phương án để “bảo vệ lợi ích của Mỹ và đồng minh trong khu vực”.

CNN nhận định những phát ngôn nêu trên của Tướng McKenzie rất có sức nặng vì ông là một trong những sĩ quan cao cấp nhất tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Với vai trò giám đốc Bộ Tổng tham mưu, Tướng ba sao McKenzie là phụ tá cao cấp cho Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, Tướng bốn sao Joseph Dunford.

Tướng McKenzie thường xuyên tham gia các cuộc họp quan trọng với cả Tướng Dunford và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tướng McKenzie đã nói rõ rằng quân đội Mỹ đã “chuẩn bị” để “bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh trong khu vực”.

Khẩu chiến giữa Lầu Năm Góc và Bắc Kinh đã tăng nhiệt trong tuần này. Hôm thứ Tư (30/5), Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc là “thách thức lớn và lâu dài nhất của Hoa Kỳ” trong khu vực châu Á.

James MattisBộ trưởng Quốc phòng James Mattis lên án Trung Quốc về Biển Đông (Ảnh: Getty)

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích Trung Quốc không thực hiện theo đúng tuyên bố giữ nguyên hiện trạng Biển Đông. “Chính xác họ đã làm điều đó, vũ khí đã được di chuyển lên các đảo tranh chấp”, ông Mattis nói.

Ông Mattis dự đoán, các hoạt động quân sự trong khu vực sẽ còn diễn biến phức tạp. Ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đối đầu với những gì mà luật pháp quốc tế không thể hiện được hiệu lực, và chúng tôi tiếp tục duy trì các hoạt động quân sự minh bạch ở Thái Bình Dương”.

Mỹ tuyên bố thống trị đại dương

Trước khi tất cả những diễn biến nóng xảy ra gần đây, phát biểu trước lễ tốt nghiệp Học viện Hải quân Mỹ hôm 25-5, Tổng thống Donald Trump nói về sức mạnh quân sự quốc gia và cho rằng Mỹ sẽ “thống trị các đại dương”.

Ông Trump nói:  “Mỹ là lực lượng chiến đấu tốt nhất cho hòa bình, công lý và tự do trong lịch sử thế giới. Chúng ta sẽ đứng lên vì nước Mỹ”. Tổng thống Mỹ nhắc lại việc nước này hiện nay sở hữu số tàu chiến thấp nhất kể từ năm 1917 và hứa sẽ mở rộng hạm đội hiện tại với khoảng 280 tàu lên con số 355.

Ông Trump tuyên bố: “Chúng ta là một nước ven biển có đường bờ biển dài và việc chúng ta phải làm đó là bảo vệ chúng. Chúng ta sẽ luôn thống trị các đại dương”.

Theodore RooseveltNhóm tấn công của tàu sân bay Theodore Roosevelt, Ấn Độ Dương, tháng 3/2018. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Bài phát biểu của ông Trump được phát đi ngày 25-5 tại buổi lễ tốt nghiệp của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland.

Trong số các thông điệp được chuyển đến 1.042 học viên tốt nghiệp, Tổng thống Trump nói nước Mỹ đã bắt đầu “quá trình tái xây dựng vĩ đại của quân đội Mỹ” và cho rằng “chúng ta đang chứng kiến sự trở lại của tinh thần Mỹ và sức mạnh Mỹ”.

Philippines “đổi giọng”

Sự cứng rắn của Washington dường như đã tiếp thêm “dũng khí” cho các nước nhỏ trong khu vực. Trong một diễn biến trái ngược với thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh lâu nay, ngày 28-5 Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Alan Peter Cayetano đã cảnh báo Trung Quốc về “ranh giới đỏ”.

Theo đó, có các hành động mà Manila không chấp nhận ở biển Đông, bao gồm hoạt động xây dựng ở bãi cạn Scarborough trên khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở biển Đông. Ông Cayetano nói việc Trung Quốc đang tìm cách khai thác dầu mỏ và khí đốt từ biển Đông là một trong những hành động mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không chấp nhận.

Quan chức ngoại giao Philippines nhấn mạnh: “Không ai được phép tự ý khai thác tài nguyên thiên nhiên ở đó. Tổng thống (Duterte) tuyên bố rằng, nếu ai khai thác tài nguyên ở Scarborough, ông sẽ tuyên bố chiến tranh”.

Ngoại trưởng Cayetano.Ngoại trưởng Cayetano. (Ảnh: Getty)

Những tuyên bố cứng rắn trên được đưa ra giữa lúc chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bị các nhóm cánh tả chỉ trích vì không nêu cao báo động công khai đối với những hành động sai trái gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, như triển khai tên lửa phòng không ra đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa, cũng như không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA, tại The Hague, Hà Lan) trong vụ kiện về biển Đông của Philippines năm 2016.

Phán quyết này đã vô hiệu hóa các tuyên bố chủ quyền sai trái về cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” mà Trung Quốc tự nhận là lãnh thổ của mình ở biển Đông.

Động thái mới nhất khiến nhiều người ngạc nhiên, vì từ tháng 5/2016, Tổng thống Duterte đã tuyên bố chính sách đối ngoại không hướng nhiều về phía đồng minh thân cận Mỹ mà lại quay ra thân thiện với Bắc Kinh, tìm cách thúc đẩy thương mại, đầu tư và các quỹ cơ sở hạ tầng với nền kinh tế số 2 thế giới.

Bắc Kinh “xuống nước”

Trước thái độ cứng rắn của chính quyền Trump, ngày 31-5 Bộ Quốc phòng Trung Quốc bất ngờ ra tuyên bố nói rằng quân đội nước này hy vọng sẽ tiếp tục có các hoạt động giao lưu với quân đội Mỹ, mặc dù không được mời tới RIMPAC 2018.

“Một mối quan hệ vững chắc và tốt đẹp sẽ nằm trong lợi ích chung của quân đội hai nước. Chúng tôi hy vọng Mỹ, cùng với Trung Quốc, có thể thực hiện các nỗ lực để đạt được sự nhất trí quan trọng, nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và ổn định”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Nhậm Quốc Cường nói.

Ông Cường cho biết hai bên hiện vẫn còn liên lạc để trao đổi về khả năng diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ngày diễn ra chuyến thăm này cho đến nay vẫn chưa được công bố.

Trung QuốcPhát ngôn viên bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường. (Ảnh: Getty)

Tuy nhiên, nếu Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho thấy “thiện chí” bao nhiêu, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày ra tuyên bố chỉ trích Mỹ kịch liệt bấy nhiêu. Các động thái như thể vừa đấm vừa xoa, vừa muốn dằn mặt nhưng cũng vừa không muốn mất hòa khí.

“Việc thổi phồng quân sự hóa ở Biển Đông bởi một số người ở Mỹ thật nực cười, nghe như thể vừa ăn cướp, vừa la làng”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phản ứng với các tuyên bố của Bộ trưởng James Mattis nói rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông.

Tuy nhiên, có lẽ cả thế giới đều đã biết chính xác nước nào mới thực sự là “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

RELATED ARTICLES

Tin mới