Hiệp ước hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên nhiều khả năng sẽ là thành tựu nổi bật của Thượng đỉnh Mỹ – Triều, mục tiêu hạt nhân hóa sẽ có lộ trình.
South China Morning Post ngày 9/6 đưa tin, chiều tối nay Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có mặt tại Singapore để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào ngày 12/6.
Ông Kim Jong-un dự kiến sẽ có một cuộc gặp song phương với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long vào thứ Hai 11/2.
Trước đó Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Donald Trump sẽ rời hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Canada trước khi kết thúc, rời Quebec lúc 10 giờ 30 phút sáng thứ Bảy và đi thẳng đến Singapore.
Tổng thống Donald Trump bình luận, đây là cơ hội một lần để thúc đẩy hòa bình giữa Mỹ và Triều Tiên khi ông rời G-7 lúc chưa kết thúc. Ông nói:
“Vẫn có một khoảng nào đó không rõ ràng, nhưng tôi thực sự cảm thấy tự tin.
Tôi cảm thấy rằng Kim Jong-un muốn làm điều gì đó tuyệt vời cho người dân của mình và ông ấy có cơ hội đó.”
Ông Donald Trump nói thêm với cánh phóng viên, Bắc Triều Tiên đã làm việc rất tốt với Mỹ trong việc chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Tổng thống Mỹ tin rằng, chỉ cần vài phút là ông có thể biết ông Kim Jong-un có nghiêm túc từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. [1]
Reuters ngày 10/6 nhận định, có những dấu hiệu cho thấy chiến dịch “áp lực tối đa” của Tổng thống Donald Trump với Bình Nhưỡng đang suy yếu trước hội nghị thượng đỉnh ngày 12/6 tới.
Ông Donald Trump cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhận định chiến dịch gây áp lực tối đa của Mỹ đã đưa ông Kim Jong-un đến bàn đàm phán, thông qua kết hợp biện pháp trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị và đe dọa quân sự.
Giáo sư Kim Hyun-wook từ Học viện Ngoại giao quốc gia Hàn Quốc cho rằng:
“Chiến dịch của Donald Trump đã kết thúc. Việc mở cửa ngoại giao của Bắc Triều Tiên đã được đưa ra trên cơ sở chiến lược áp lực tối đa.”
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang thi triển những nước cờ ngoại giao đặc biệt hiệu quả, ảnh minh họa: The Times. |
Joseph Yun, một chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên phát biểu trong một buổi điều trần trước Thượng viện hôm thứ Ba:
“Thực tế là không thể tiếp tục chiến lược áp lực tối đa khi bạn đang nói chuyện với kẻ thù của mình.
Tôi không nghĩ rằng bạn có thể tham gia một thỏa thuận nghiêm túc mà vẫn duy trì áp lực tối đa.” [2]
Cá nhân người viết cho rằng, dựa vào những thay đổi trong ngôn ngữ của Tổng thống Donald Trump sau khi tiếp Phó Chủ tịch Đảng Lao động Triều Tiên Kim Jong-chol một cách thân mật khác thường, dường như mục tiêu hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều đã có sự điều chỉnh.
Thay vì phi hạt nhân hóa hạt nhân lập tức, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng, ký kết một hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên dường như sẽ là ưu tiên nổi bật của hội nghị này.
Và không nhắc đến áp lực tối đa với Triều Tiên lúc này là mệnh lệnh từ chính ngài Donald Trump, chứ không cần phải phán đoán thêm.
Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo sẽ cần thêm thời gian, diễn ra đồng thời với tiến trình cải cách, mở cửa và hội nhập của Bình Nhưỡng mà ông Kim Jong-un đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi lên cầm quyền đến nay.
Dường như ông Donald Trump đã thấy được xu thế cải cách, mở cửa và hội nhập của Triều Tiên là không thể đảo ngược.
Với ông Kim Jong-un, Trung Quốc là đòn bẩy quan trọng, nhưng không có nghĩa là Bắc Kinh có thể lái Bình Nhưỡng theo ý mình, ảnh: KCNA. |
Ngày 5/6 tờ The Times của Anh đưa tin, ông Kim Jong-un được cho là đã ra lệnh cho các nhà ngoại giao cao cấp của mình phải “xây dựng lòng tin với Hoa Kỳ”, quốc gia từng bị coi là kẻ thù số 1, sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Thông tin được công bố trên DailyNK, một trang tin tức trực tuyến được điều hành bởi những công dân Triều Tiên vẫn duy trì liên lạc với trong nước.
Một nguồn tin giấu tên ở Bình Nhưỡng cho hay, ông Kim Jong-un đã chỉ trích tư duy ngoại giao lạc hậu của các trợ lý hàng đầu của mình trong quan hệ với Mỹ. [3]
Có lẽ một hiệp ước hòa bình cùng cam kết về một tiến trình phi hạt nhân hóa rõ ràng sẽ là thành tựu nổi bật của thượng đỉnh Mỹ – Triều. Bởi suy cho cùng, cục diện bàn cờ Đông Bắc Á là nơi so găng của 2 tay chơi Hoa Kỳ, Trung Quốc chứ không phải Triều Tiên.
Cho nên đổi lại, Triều Tiên cũng không đòi Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, chỉ cần cam kết đảm bảo an ninh cho chính phủ Triều Tiên là đủ.
Ông Donald Trump có thể chấp nhận thỏa thuận này, chỉ cần Triều Tiên mở cửa hợp tác trực tiếp với Hoa Kỳ, đó đã là thắng lợi lớn của Washington trong mối tương quan với Bắc Kinh ở khu vực Đông Bắc Á.
Từ một người bị truyền thông phương Tây và ngay cả ông Donald Trump gán cho đủ các loại biệt danh, ông Kim Jong-un đang trở thành nhà lãnh đạo có sức hút đặc biệt ở châu Á – Thái Bình Dương.
Có tin Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mời ông Kim Jong-un sang thăm Nga tháng Chín tới, còn Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã lên lịch tới Bình Nhưỡng.
Ông Kim Jong-un đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in 2 lần, ngày mai ông gặp Thủ tướng Singapore.
Các hoạt động ngoại giao liên tục của nhà lãnh đạo này khiến Nhật Bản dường như có cảm giác mình bị bỏ rơi giữa những diễn biến chóng vánh ở Đông Bắc Á.
Điều này có thể là đòn bẩy tốt cho Triều Tiên trong việc tạo ra nhu cầu hợp tác từ Nhật Bản, đồng thời khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để cải cách, mở cửa.
Bình Nhưỡng có thế mạnh về khoa học công nghệ cao và một xã hội ổn định, trật tự, thống nhất, nên một khi mở cửa cải cách toàn diện rất có thể sẽ tạo ra những cú đột phá và phát triển nhanh chóng.