Bản tin Biển Đông ngày 15/06/2018.
Ngoại trưởng Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc trao đổi về vấn đề Biển Đông
Ngày 15/6, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nhân chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là việc xây dựng và quân sự hoá các tiền đồn ở khu vực làm gia tăng căng thẳng, làm phức tạp và leo thang tranh chấp, gây tổn hại đến tự do thông thương và ảnh hưởng đến sự ổn định của khu vực.
Truyền thông Trung Quốc: hải cảnh Trung Quốc đang tập trận ở Biển Đông để “rèn luyện năng lực thực thi pháp luật” tại các vùng biển “phức tạp”
Ngày 14/6, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn nguồn tin ngày 13/6 từ Nhân dân Nhật báo cho biết, Hải cảnh Trung Quốc (CCG) tại tỉnh Quảng Đông đang triển khai cuộc tập trận trên biển kéo dài 7 ngày có tên “Nam Hải 2018” ở Biển Đông nhằm “rèn luyện năng lực thực thi pháp luật tại các vùng biển phức tạp và không quen thuộc” ở khu vực. Cuộc tập trận được tổ chức nhằm cải thiện thời gian phản ứng và kỹ năng phối hợp cho các tư lệnh và thủy thủ đoàn tại các vùng biển này, đồng thời cũng liên quan đến một số vấn đề như lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè và các hoạt động chấp pháp toàn diện… Đáng chú ý, nguồn tin cho hay cuộc tập trận được triển khai trong phạm vi 3.000 km dọc theo bờ biển thuộc “lãnh thổ của Trung Quốc”.
Ông Liu Feng, một chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông cho biết “CCG là lực lượng cốt yếu và là biểu tượng cho chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực. So với Hải quân Trung Quốc, nhiệm vụ của CCG phức tạp và nặng hơn nhiều. Hải quân thường đảm nhận các nhiệm vụ quân sự, trong khi CCG phụ trách tất cả các nhiệm vụ phi quân sự”. Đáng chú ý, ông Liu còn cho biết, nhiệm vụ của CCG gồm cả hoạt động truy đuổi tội phạm buôn lậu, các tàu dân sự nước ngoài đi vào lãnh thổ Trung Quốc một cách bất hợp pháp… Ông này cũng rất tự hào nói rằng: “Hải cảnh Trung Quốc là lực lượng chấp pháp mạnh nhất và quan trọng nhất ở Biển Đông”.
Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hệ thống tên lửa trên Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Ngày 14/6, Sputnik News dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Washington Free Beacon và các quan chức Lầu Năm góc của Mỹ cho biết Trung Quốc hiện đang triển khai nhiều nhóm tên lửa bao gồm các tên lửa hành trình đối hạm loại YJ-12B, tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A, HQ-9B tới các khu vực tranh chấp trên Trường Sa. Một quan chức Lầu Năm góc khẳng định: “Trung Quốc vẫn đang tiếp tục triển khai dần các thiết bị quân sự lên các tiền đồn mà nước này xây dựng ở Trường Sa trên Biển Đông. Việc triển khai này bao gồm việc đưa các thiết bị chế áp điện từ cũng như các hệ thống tên lửa đối hạm và đối không tới các tiền đồn”.
Phủ Tổng thống Philippines: việc kiện Trung Quốc sẽ chỉ là lựa chọn cuối cùng
Trang Sun Star Manila đưa tin, ngày 14/6, Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Harry Roque tái khẳng định, Philippines sẽ tránh thực hiện các biện pháp pháp lý với phía Trung Quốc, cho biết việc đưa Trung Quốc ra Toà để giải quyết các tranh chấp đã bế tắc từ lâu ở Biển Đông sẽ chỉ là “lựa chọn cuối cùng” của Chính phủ Philippines, thay vào đó Philippines có thể triển khai đối thoại thiện chí, trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Rodriogo Duterte vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi việc xây dựng quan hệ hữu nghị với phía Trung Quốc.
Sun Star Manila nhận định, phát biểu của ông Roque được đưa ra sau khi có một số luồng ý kiến kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte có hành động mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết tranh chấp trên biển với Trung Quốc.
Liên quan đến vụ việc lực lượng hải cảnh của Trung Quốc gây sách nhiễu và tịch thu cá của ngư dân Philippines, ông Roque cho biết Tổng thống Duterte đã được thông báo về vụ việc và đang có những bước đi để giải quyết.
Ngoại trưởng Philippines: “cầu mong một điều kỳ diệu” để giải quyết tranh chấp Biển Đông
CNN Philippines đưa tin, tại buổi họp báo ngày 14/6, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano cho biết: “mỗi ngày, tôi đều cầu mong một điều kỳ diệu sẽ xảy ra để tranh chấp Biển Đông được giải quyết”. Ông cũng khẳng định rằng Chính phủ Philippines vẫn đang theo hướng tiếp cận “cẩn trọng” trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ngoại trưởng Cayetano nhấn mạnh, Chính phủ sẽ không từ bỏ các yêu sách chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, đặc biệt là bãi cạn Scarborough, song dù đề cập đến giải pháp chiến tranh nhưng Tổng thống Rodrigo Duterte đã nói rõ rằng Philippines khó có khả năng đánh bại Trung Quốc. Mặt khác, ông cho hay Chính phủ Philippines lại không thể công bố toàn bộ nội dung tất cả các cuộc đàm phán ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này.
Liên quan đến bãi cạn Scarborough, dù Philippines đã mất quyền kiểm soát bãi cạn này sau xung đột năm 2012 song ông Cayetano khẳng định Trung Quốc cũng không kiểm soát hoàn toàn khu vực này, bởi “ngư dân và cảnh sát biển của Philippines vẫn đang có mặt ở đây”.
Cũng tại buổi họp báo này, Ngoại trưởng Philippines cho biết Philippines và Trung Quốc đã thông qua một dự thảo thoả thuận về đánh bắt cá, song ông không công bố cụ thể nội dung sự kiện này. Ngoài ra, sự kiến vào tháng 7, lực lượng cảnh sát biển các nước Philippines, Trung Quốc và Việt Nam sẽ có cuộc gặp để thảo luận về các vấn đề về tuần tra trên các vùng biển tranh chấp. Một lần nữa, ông cũng bác bỏ thông tin nói rằng Tổng thống Duterte có chỉ đạo ngừng hoạt động tuần tra ở BIển Đông, khẳng định rằng Chính phủ vẫn sẽ đảm bảo có các cuộc tuần tra thường xuyên của Philippines ở khu vực.