Ngay sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một câu trả lời khó hiểu, không nhất quán, rất điển hình cho cách phát ngôn của ông.
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên ở Singapore đã kéo theo rất nhiều đồn đoán về tương lai của những mối quan hệ đối ngoại – lợi ích chồng chéo và phức tạp tại khu vực này của Đông Bắc Á.
Một trong những câu hỏi then chốt được nêu ra là liệu quân đội Mỹ có rút khỏi bán đảo Triều Tiên sau gần 70 năm hiện diện.
Mập mờ về thái độ
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 12-6, khi được hỏi về vấn đề này, đã đưa ra một câu trả lời khó hiểu, không nhất quán, rất điển hình cho cách phát ngôn của ông.
Theo CBS, ông Trump nói ông sẽ “không cắt giảm gì cả” ở Hàn Quốc, nhưng ngay sau đó lại nói rằng dần dần ông muốn thấy “ít người Mỹ hơn” ở nước này.
Ngày 11-6, trong một cuộc họp báo ở Singapore, câu hỏi này đã được nhấn đi nhấn lại với Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, tháp tùng ông Trump tới cuộc họp thượng đỉnh.
Theo thông cáo báo chí từ Bộ Ngoại giao Mỹ, phóng viên của New York Times hỏi: “…theo các đảm bảo về an ninh hiện tại, liệu những điều đó (thái độ tích cực giữa hai phía, theo lời Pompeo trước đó) có bao gồm việc đưa lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc? Liệu đó có phải điều chúng ta sẵn sàng trao đổi trực tiếp với Bắc Triều Tiên?”.
Ông Pompeo đã đáp như… một nhà ngoại giao: “Tôi sẽ không thảo luận chi tiết những thỏa thuận chúng tôi đã đạt được tới giờ. Tôi chỉ có thể nói rằng: Chúng tôi chuẩn bị thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh hoàn toàn khác, chưa từng được thực hiện, mà Mỹ chưa bao giờ đưa ra trước kia”.
Không chấp nhận một câu trả lời như thế, cánh báo chí đã hỏi dồn, và đã có lời qua tiếng lại.
Phóng viên hỏi tiếp: “Liệu có phải là sai không nếu giả định rằng điều đó chưa được đưa ra bàn thảo?”.
Pompeo: “Anh chẳng nên giả định gì cả dựa trên thực tế là tôi không cung cấp chi tiết nào hôm nay có liên quan gì tới bất kỳ câu hỏi nào của anh”.
Hỏi tiếp: “Nhưng ông biết đấy, bởi sự nhạy cảm…”
Tới đây thì phóng viên bị Pompeo ngắt lời, và tiếp nối là một màn độc thoại đậm chất triết học: “Chỉ là anh… nếu anh giả định rằng có chuyện đó, và tôi từ chối nói với anh là có chuyện đó, anh nên giả định rằng đơn giản là tôi từ chối nói với anh là có chuyện đó, và không rút ra bất kỳ kết luận gì từ sự diễn giải mang tính phủ định mà tôi nghĩ anh đang úp mở”.
Vấn đề Mỹ rút quân được nêu ra không phải là lần đầu. Và chắc chắn không phải lần cuối, khi những diễn tiến dồn dập ở Đông Bắc Á sẽ còn tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.
Mới ngày 3-5, khi những chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh vừa bắt đầu, NYT từng nêu khả năng này.
Theo đó, Tổng thống Trump đã ra lệnh cho Lầu năm góc chuẩn bị các lựa chọn rút quân khỏi Triều Tiên.
Với phe đối lập Dân chủ hiện giờ, đây được coi là một nhượng bộ thái quá của Trump.
“Giảm sự hiện diện quân sự không phải là một yếu tố mặc cả theo dự định ban đầu trong các cuộc trao đổi Trump – Kim – NYT bình luận – Nhưng họ thừa nhận rằng một hiệp ước hòa bình giữa hai miền Triều Tiên có thể làm giảm bớt nhu cầu hiện diện của 28.500 binh sĩ thường trực trên bán đảo”.
Việc rút quân này, nếu xảy ra, nhất quán với những hứa hẹn “Nước Mỹ trên hết”, và yêu cầu các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chi tiêu an ninh – quân sự mà ông Trump đã nhiều lần nhắc trước và sau khi đắc cử.
Theo một thỏa thuận sẽ hết hạn vào cuối năm 2018, Hàn Quốc chi trả một nửa chi phí cho các binh sĩ Mỹ đồn trú – hơn 800 triệu USD/năm. Chính quyền Trump đang muốn Seoul phải thanh toán toàn bộ hóa đơn đó.
Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis, người có lẽ là nắm vấn đề này chắc hơn ông Pompeo, trong tháng 5 đã nói tương lai sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc có thể được đưa ra đàm phán.
“Đó là một phần của những vấn đề chúng tôi sẽ thảo luận trong các cuộc bàn thảo trước hết là với các đồng minh, và tất nhiên là với Bắc Triều Tiên – ông Mattis nói – Ngay lúc này, chúng tôi phải tiếp tục với quá trình thương lượng và đừng đưa ra các điều kiện trước hay các giả định”.
Tranh cãi về lợi ích
Với Trump, rút quân sẽ mang lại nhiều lợi ích, theo lời Victor D. Cha, một học giả về Hàn Quốc ở Đại học Georgetown.
Nó sẽ thuyết phục được cơ sở cử tri của ông, tiết kiệm ngân quỹ cho nước Mỹ và là một món đàm phán lớn với Bình Nhưỡng.
Nhưng từ góc nhìn liên minh Mỹ – Hàn Quốc, việc rút quân sẽ là một sự thoái lui rất lớn”.
Học giả Victor D.Cha
Những người khác, như Kelly E. Magsamen, quan chức về chính sách châu Á ở Lầu năm góc thời Obama, đánh giá điều đó còn quan trọng hơn thế: “Sự hiện diện của Mỹ ở Hàn Quốc là bất khả xâm phạm trong mối quan hệ liên minh”.
Về phần Triều Tiên, ông Kim mới đây tuyên bố, qua các quan chức Hàn Quốc, rằng ông sẽ bỏ điều kiện tiên quyết lâu nay của Bình Nhưỡng là lính Mỹ phải rời bán đảo.
Thật ra, trong nhiều năm, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Hàn Quốc được coi là có tính biểu tượng và răn đe nhiều hơn là một lực lượng chiến đấu thực sự.
Ở mức hiện giờ, quân số cũng đã giảm khoảng 1/3 so với mức những năm 1990. Kể từ khi Tổng thống George Bush (Bush cha) dời các vũ khí hạt nhân chiến lược khỏi Hàn Quốc vào đầu những năm 1990, sau Chiến tranh Lạnh, răn đe hạt nhân của Mỹ với miền bắc cũng đã được chuyển đi, ở các hầm đặt tên lửa tại đại lục Mỹ, tàu ngầm ở Thái Bình Dương, và các máy bay ném bom ở đảo Guam.
Ông Trump cũng không phải tổng thống đầu tiên nói tới việc rút quân khỏi bán đảo. Jimmy Carter từng vận động tranh cử trên cơ sở lời hứa rút hoàn toàn lực lượng đồn trú khỏi Hàn Quốc, một phần là để phản đối chính quyền độc tài ở Seoul khi đó.
Sự phản đối của quốc hội Mỹ đã khiến ý định đó của ông Carter không thể triển khai sau khi ông đắc cử.
Năm 2004, thời George W. Bush (Bush con), Bộ trưởng quốc phòng Donald H. Rumsfeld đã điều gần 10.000 binh sĩ từ Hàn Quốc tới tham gia chiến tranh Iraq.
Lập luận của Trump càng mạnh mẽ bởi ông coi sự hiện diện quân sự không phải là một tài sản, một lợi ích, mà là một gánh nặng với nước Mỹ, cả ở Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.
Ông nói rằng hai nước đó đều đã giàu có và phải tự trang trải lấy chi phí quốc phòng của mình.
Tuy nhiên, tình hình trở nên nhạy cảm hơn khi Triều Tiên, ngoài việc là một mối đe dọa thực sự, còn là cái cớ quan trọng để Tokyo và Seoul níu chân đồng minh Mỹ trước sự vươn lên đáng gờm của láng giềng hùng mạnh Trung Quốc.
Victor Cha bình luận: “Dù ta có thích hay không, từ sau Thế chiến thứ hai, Hoa Kỳ đã là một cường quốc Thái Bình Dương ở châu Á và đã duy trì sự khả tín và những cam kết của họ với các chính phủ trong khu vực bằng sự hiện diện quân sự ở đó”.
Cha cũng giải thích rằng vấn đề còn có các ý nghĩa kinh tế, “để bảo vệ các tuyến đường hải và ngăn sự nổi lên của một thế lực độc tôn khác trong khu vực… điều tạo ra sự ổn định không chỉ về chính trị, mà còn cho cả các thị trường”.