Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThêm nỗi lo phụ thuộc thị trường TQ

Thêm nỗi lo phụ thuộc thị trường TQ

Thời gian tới, Trung Quốc có thể trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức mới đây tại TP.HCM, Chủ tịch Hiệp hội Trương Đình Hòa cho biết, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2018 đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.

Xuất khẩu sang 139 thị trường, trong đó có 4 thị trường chiếm tỷ trọng tương đương nhau: Mỹ và Nhật Bản chiếm khoảng 15%; EU và Trung Quốc khoảng 14%, với giá trị xuất khẩu dao động quanh mức 354-380 triệu USD.

Với tốc độ tăng trưởng cao nhất là 37%, rất có thể trong quý 2/2018, Trung Quốc vượt qua thị trường còn lại trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tôm xuất khẩu sang 64 thị trường, trong đó một số thị trường chính tăng mạnh và duy trì 2 con số như: EU, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN, do triển vọng kinh tế khả quan. Chỉ có thị trường Nhật Bản giảm 9%, do cạnh tranh gay gắt với tôm Ấn Độ.

Kế đến là xuất khẩu cá tra chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, đạt 612 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Tại thị trường Mỹ, dù xuất khẩu cá tra gặp khó do thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn, nhưng xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng 22% do nhu cầu nhập khẩu cao.

Song, thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc, đạt 146 triệu USD trong 4 tháng đầu năm, tăng 30%. Xuất khẩu sang EU trì trệ, giảm 10% do nhu cầu chưa hồi phục. Xuất khẩu cá ngừ, mực bạch tuộc và các hải sản khác vẫn tăng trưởng 2 con số.

Vui mừng vì thành tích tăng trưởng của ngành thủy sản, tuy nhiên, thông tin Trung Quốc sắp tới có thể trở thành nhà nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam làm dấy nên nỗi lo về nguy cơ thêm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc của ngành này.

Trung Quốc là thị trường nhiều năm liên tiếp đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, hiện có 8 mặt hàng nông sản ghi danh vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, tuy nhiên, đáng lo là ngoại trừ hạt tiêu, 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc, bao gồm: sắn, rau quả, cao su, gạo, hạt điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.

Điều đáng nói là giá sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc khá thấp, do bị ép giá thường xuyên.

Không chỉ phụ thuộc đầu ra, mà đa phần nguyên liệu, vật tư của ngành nông nghiệp vẫn phải dựa vào thị trường Trung Quốc.

Câu chuyện tìm kiếm, khai thác nhiều thị trường mới để tránh lệ thuộc vào một thị trường đã được đặt ra từ nhiều năm nay. Bên cạnh đó, phải tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn, quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo uy tín chất lượng và sự bền vững cho hàng nông sản xuất khẩu Việt Nam.

Từng trao đổi trên TBKTSG, ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, nếu cải thiện được chất lượng sản phẩm và đưa sâu vào đời sống tiêu dùng của người Trung Quốc, thì lúc đó sẽ làm chủ được, có nghĩa không có sản phẩm của Việt Nam thì không có nguồn khác để bổ sung.

“Lúc đó, ta có xuất sang Trung Quốc 70% tôm, 80% cá, 90% gạo, chúng ta cũng không sợ vì không có gạo của Việt Nam, không có cá, không có tôm của Việt Nam, thì người Trung Quốc cảm thấy không yên tâm. Đây là vấn đề thuộc về chiến lược, sách lược”, ông Dũng nói.

“Phụ thuộc không có nghĩa là chúng ta bị người ta mua nhiều rồi chúng ta bị phụ thuộc, mà người ta mua nhiều nhưng người ta mua anh vì không mua người khác được do chất lượng anh cung cấp không thay thế được (chứ không phải không có sản phẩm thay thế)”, ông Dũng giải thích.

Ông Dũng cho rằng muốn sản phẩm đạt chất lượng không thể chỉ hô hào mà phải thiết lập chương trình hành động hẳn hoi, có kế hoạch hỗ trợ nông dân ở chương trình nào, kỹ thuật gì, bộ máy khuyến nông ra sao, chi phí để hỗ trợ từ đâu…

“Thông tin của chúng ta về Trung Quốc quá kém, dù buôn bán cứ ầm ầm, nhưng nghiên cứu thì không có, rồi đổ lỗi người ta chơi xấu là không ổn”, ông Dũng tái khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới