Friday, November 29, 2024
Trang chủĐiểm tinChuyên gia: TQ sẽ sớm "nhấn chìm" kỷ nguyên thống lĩnh biển...

Chuyên gia: TQ sẽ sớm “nhấn chìm” kỷ nguyên thống lĩnh biển khơi của Hải quân Mỹ

Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh hải quân đã trở thành một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy Hải quân Mỹ quyết tâm thực hiện kế hoạch sở hữu hạm đội 355 tàu chiến.

Quang cảnh xưởng đóng tàu Đại Liên, Trung Quốc

Những năm gần đây, việc Hải quân Trung Quốc (PLAN) đẩy mạnh nỗ lực tăng cường sức mạnh với một tốc độ đáng kinh ngạc đã không còn là điều bí mật. Chất lượng các phương tiện trang bị cũng để lại nhiều ấn tượng không kém.

Việc Trung Quốc đưa vào vận hành nhóm tác chiến tàu sân bay đầu tiên cũng như tốc độ đóng tàu “như thời chiến” của nước này cho thấy, năng lực của PLAN, từ chỗ là mối lo ngại chính đã trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ và các lực lượng hải quân đồng minh trong khu vực.

Trong một video mới công bố gần đây với sự hiện diện của nhiều quan chức cấp cao quân đội, Trung Quốc đã phô diễn sức mạnh hải quân chưa từng thể hiện trước đó.

Xét trên khía cạnh trọng tải, Trung Quốc đã thách thức khả năng chế tạo tàu chiến của bất cứ lực lượng hải quân nào trên thế giới, kể cả Mỹ. Các tàu hải quân Trung Quốc cũng gia tăng đáng kể về kích cỡ và độ phức tạp giúp tải trọng của chúng lớn hơn rất nhiều so với trước đây.

Dưới mặt nước, mối đe dọa từ Hải quân Trung Quốc cũng đang bộc lộ khá rõ ràng. Bắc Kinh đã tăng cường số lượng tàu ngầm đáng kể trong những năm gần đây. Hải quân Mỹ hiện đang có 63 tàu ngầm còn Trung Quốc cũng sở hữu tới 78 chiếc.

Trong khi toàn bộ lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ chạy bằng năng lượng hạt nhân (và theo đánh giá từ giới chuyên gia, đây là một lựa chọn không tốt) thì Trung Quốc lại sở hữu hỗn hợp cả tàu ngầm hạt nhân và các tàu ngầm chạy bằng diesel – điện với kích cỡ nhỏ hơn.

Trên thực tế, việc chế tạo các tàu ngầm diesel – điện rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại chạy bằng năng lượng hạt nhân. Xét tới việc Trung Quốc tập trung triển khai chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) xung quanh các khu vực phòng thủ thì những loại tàu này lại càng đặc biệt thích hợp với tác chiến duyên hải.

Hơn nữa, thế hệ tàu ngầm diesel – điện mới được trang bị công nghệ đẩy khí độc lập (AIP) cũng hoạt động êm hơn tàu ngầm hạt nhân và có thể lặn nhiều tuần dưới biển mỗi lần triển khai. Đặc biệt, chúng được thiết kế phục vụ ý tưởng chế tạo hàng loạt nhằm làm đối trọng với các khả năng tàu ngầm của Mỹ và đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thực tế Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng hiện thực hóa tham vọng mở rộng lực lượng hải quân, cả về số lượng và chất lượng, đang đặt ra một câu hỏi lớn: PLAN sẽ như thế nào trong một thập kỷ tới?

Mối lo ngại đầy ám ảnh này là một trong những yếu tố lớn nhất thúc đẩy Hải quân Mỹ quyết tâm thực hiện kế hoạch sở hữu hạm đội 355 tàu chiến.

Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một thách thức rất lớn đối với Mỹ, khó có thể thành hiện thực nếu không tái cấu trúc sâu rộng những ưu tiên mua sắm, củng cố hoạt động duy trì hạm đội hiện nay cũng như tăng cường quản lý hiệu quả các căn cứ.

Dưới thời Bộ trưởng James Mattis, Lầu Năm Góc đang chuyển hướng sang “cạnh tranh với những cường quốc lớn” và Trung Quốc hiện đã trở thành đối thủ công nghệ hàng đầu của Mỹ thì câu hỏi làm thế nào để duy trì được vị thế thống lĩnh hải quân lâu dài chắc chắn sẽ vẫn là vấn đề đau đầu khi lựa chọn thứ tự ưu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo chuyên gia quân sự Tyler Rogoway, nếu mọi thứ vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay, và với việc Trung Quốc trang bị máy phóng cho tàu sân bay nội địa đầu tiên và trong tương lai gần sẽ đưa vào biên chế tàu sân bay năng lượng hạt nhân thì kỷ nguyên thống lĩnh biển xanh, cả trên và dưới mặt nước của Hải quân Mỹ, có thể sẽ sớm đi đến hồi kết thúc.

RELATED ARTICLES

Tin mới