Thursday, November 28, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 22/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 22/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 22/06/2018.

Cố vấn an ninh Philippines và Mỹ thảo luận về vấn đề Biển Đông

Ngày 22/6, CNN Philippines đưa tin, ngày 21/6, tại Washington D.C, Mỹ, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon và người đồng cấp cũa Mỹ – Đại sứ John Bolton đã có cuộc gặp để trao đổi về nhiều vấn đề về an ninh, trong đó có tranh chấp Biển Đông.

Theo thông báo của Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez cho biết: “cuộc gặp với Đại sứ John Bolton đã tạo cơ hội để hai bên trao đổi về những biện pháp hợp tác nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh an ninh”. Ông Romualdez cho biết hai cố vấn an ninh đã trao đổi về nhiều vấn đề an ninh khu vực, trong đó có diễn biến của hai điểm nóng là bán đảo Triều Tiên và Biển Đông.

Quốc hội Mỹ không muốn Trung Quốc tiếp tục có mặt trong các cuộc diễn tập hải quân của Mỹ

Ngày 21/6, The Philippine Star đưa tin, Thượng viện Mỹ ra dự luật về chi tiêu cho hoạt động quân sự trong đó đã khẳng định rằng Trung Quốc sẽ không có mặt trong cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) do Mỹ đứng đầu, vài tuần sau khi Lầu Năm góc ra tuyên bố không mời Bắc Kinh tham gia vào RIMPAC vừa qua. Thượng viện Mỹ cho biết, trước khi Trung Quốc có thể được phép tham gia vào các RIMPAC trong tương lai, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cần phải xác minh rằng Trung Quốc đã chấm dứt các hoạt động bồi đắp đảo trên Biển Đông, đồng thời di dời khí tài quân sự ra khỏi các vùng biển tranh chấp và đưa ra chương trình hành động 4 năm nhằm ổn định tình hình khu vực.

Theo Điều 1245 (a) của dự luật nêu: “quan điểm của Quốc hội Mỹ là, không một quốc gia nào có hành động tiêu cực được mời tham gia vào các cuộc diễn tập đa phương và việc Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tham gia vào các cuộc diễn tập này sẽ cần có đánh giá lại cho đến khi những hành vi được thay đổi”.

Theo các nhà làm luật Mỹ, tốc độ và chương trình quân sự hoá, các hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây bất ổn cho an ninh trên biển của Mỹ và cả các nước đối tác, đồng thời đe doạ chính những lợi ích cốt lõi của Mỹ

Truyền thông quốc tế bức xúc trước việc Trung Quốc đã quân sự hoá Biển Đông “trót lọt”

Ngày 21/6, The Econormist đăng bài viết “Trung Quốc đã quân sự hoá Biển Đông trót lọt” của nhà báo Banyan.

Trái với những cam kết Chủ tịch Tập Cận Bình với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, những lo ngại của dư luận trước các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên bảy cấu trúc tranh chấp ở Biển Đông vẫn tiếp tục gia tăng. Tác giả bài viết cho biết, quy mô các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc trên diện tích khoảng 1.300 héc-ra tính riêng ở Trường Sa “đã đủ vượt xa nỗ lực của tất cả các bên tranh chấp gộp lại” dù nước này vẫn khăng khăng rằng các công trình họ xây dựng là nhằm phục vụ cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, theo Banyan, không những huỷ hoại môi trường sinh thái, những hành động quân sự hoá gần đây của Trung Quốc đã “làm mất đi giá trị của những lời bao biện của nước này” và làm thay đổi “bức tranh chiến lược”.

Tác giả bài viết nhận định, đến nay, những chiến thuật bành trướng của Trung Quốc đa phần đều là những động thái “không mang tính khiêu khích thái quá để phải nhận lại phản ứng đáp trả”, “không thường xuyên triển khai lực lượng hải quân, mà thay vào đó là sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển để chèn ép các nước láng giềng”. Cho tới nay, dù một mặt luôn lớn tiếng cáo buộc Mỹ quân sự hoá làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông song ông Banyan cho hay Trung Quốc tự biết rằng họ đã đạt được mục đích của mình, đó là: thắt chặt kiểm soát một trong những tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, thành công trong việc áp đặt yêu sách đối với các nguồn tài nguyên dầu khí và hải sản ở khu vực…

Tuy nhiên, Banyan cũng cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xây dựng chiến lược nhằm trấn áp Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Đài Loan. Thậm chí, Mỹ cũng đã có quyết định loại trừ Trung Quốc ra khỏi các cuộc diễn tập hải quân thường niên ở Thái BÌnh Dương, tăng cường các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời thuyết phục Pháp và Anh cùng tham gia vào các hoạt động này.

Hướng tới một chiến lược biển mới ở Biển Đông

Ngày 22/6, tạp chí The Diplomat đăng bài viết “Hướng tới một chiến lược biển mới ở Biển Đông” của TS. Patrick M. Cronin and Melodie Ha, thành viên Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS).

Nhóm tác giả cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn ngang nhiên duy trì những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông và xa hơn là mở rộng sự kiểm soát của Trung Quốc ở các vùng kinh tế trọng yếu của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chính quyền Mỹ cần nhanh chóng cân nhắc một chiến lược biển nghiêm túc nhằm ngăn chặn những hành động bành trướng của Trung Quốc ở những vùng xám và tăng cường hợp tác với các đồng minh ở khu vực. Cụ thể, để có một chiến lược biển mới, góp phần thúc đẩy mạng lưới hợp tác giữa các nước đối tác và ngăn chặn mọi hành động đơn phương gây tổn hại đến nguyên tắc và thông lệ quốc tế, Mỹ cần: (i) tăng cường các biện pháp răn đe đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của khu vực và thượng tôn pháp luật bên trong và xung quanh Biển Đông; (ii) đẩy mạnh những nỗ lực cả trong nước và trong hợp tác với các quốc gia khác nhằm nâng cao nhận thức trên lĩnh vực biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (iii) ủng hộ việc xây dựng một lực lượng dân quân biển của nhiều quốc gia nhằm đối phó với hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng ở khu vực, góp phần đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông; (iv) lên tiếng trước những cáo buộc trắng trợn của phía Trung Quốc rằng “Mỹ chà đạp lên luật pháp quốc tế còn Trung Quốc mới là bên tuân thủ” vì sự thật hoàn toàn ngược lại và Mỹ cần cân nhắc việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 để nâng cao những lợi ích của Mỹ bằng cách thúc đẩy các quy tắc quản trị các đại dương trên thế giới, đồng thời sẽ tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới