Kể từ năm 2002, đã có rất nhiều quan chức quân sự và chính phủ, các nhà hàn lâm và giới báo chí hội tụ tại khách sạn Shangri-La ở Singapore vào tháng 6 hàng năm để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La, sự kiện luôn được dư luận hết sức quan tâm. Hai năm trước, đối thoại này tập trung vào các tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh Toà án Trọng tài Quốc tế chuẩn bị ra phán quyết vào tháng 7 năm đó.
Hội Nghị ASEAN – Trung Quốc
Năm ngoái, các bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis về hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông đã khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt. Và đúng như dự đoán, Đối thoại Shangri-La năm nay đã không gây thất vọng với những trao đổi sôi nổi về cùng chủ đề này.
Diễn biến của những tranh cãi này rất quen thuộc với những người từng tham gia hoặc quan sát đối thoại này trong những năm gần đây: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh thái độ hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc cũng như chiến lược chèn ép và hăm doạ của họ ở Biển Đông, còn Trung Quốc thì lẩn tránh những chỉ trích về các hành động của mình ở khu vực này.
Trước thềm hội nghị, Bắc Kinh được cho là đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ra quần đảo Trường Sa và cho các máy bay ném bom chiến lược hạ cánh xuống Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa tranh chấp. Đap trả, Hải quân Mỹ triển khai chiến dịch tự do hàng hải khi đưa 2 tàu ra ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa, và Bộ Quốc phòng Mỹ không hởi hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) tham gia cuộc Tập trần Vanh đai Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới.
Về phần mình, trưởng phái đoàn Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-La, Trung tướng Hà Lôi, đã bác bỏ lời cáo buộc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông của ông James Mattis, biện minh rằng những hành động này đều hợp pháp và chỉ mang tính phòng vệ đơn thuần, đồng thời gọi những lời phê bình của Mattis là vô căn cứ.
Cuộc tranh cãi năm nay giữa Trung Quốc và Mỹ không có gì mới khi hai bên đã không ngừng va chạm trong suốt nhiều năm qua, cáo buộc nhau có những hành động thù địch và hung hăng mà ở chừng mực nào đó đã bị leo thang lên cấp độ quân sự hoá ở Biển Đông.
Rõ ràng là từ kể từ đầu năm nay, Bắc Kinh đã tăng cường các động thái quân sự tại Biển Đông. Bên cạnh sự gia tăng các hoạt động quân sự với tiến độ đều đặn, bao gồm các cuộc tuần tra rầm rộ của lực lượng không quân, triển khai tên lửa đến Trường Sa và hạ cánh các máy bay ném bom tại Hoàng Sa, còn có một cuộc thao diễn hải quân chưa từng thấy với sự hiện diện của hàng chục tàu chiến tốt nhất của Hải quân PLA ở ngoài khơi đảo Hải Nam ngay sau khi Diễn đàn Bác Ngao kết thúc.
Với đà quyền lực chính trị lên cao sau Đại hội Đảng XIX, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như rất hăng hái thực hiện những cam kết của mình về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định vai trò của nước này trên bình diện quốc tế. Vì vậy, sẽ khó có thể có bất cứ sự hạ nhiệt trong các hành động quân sự dồn dập của Trung Quốc ở Biển Đông. Không những thế, Trung Quốc còn ngang nhiên nối các đường lưỡi bò đứt đoạn thành đường liền trên bản đồ gần đây.