Nhiều nước thu thuế cao đối với công ty nước ngoài và ưu đãi công ty địa phương nhằm đối phó ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc giữ vững vị thế là đối tác lớn nhất của châu Phi với hàng loạt dự án đầu tư khai khoáng, phát triển hạ tầng và cho vay vốn ưu đãi. Báo cáo của Công ty tư vấn toàn cầu McKinsey ước tính có đến 10.000 công ty Trung Quốc hoạt động ở châu Phi, nắm giữ 12% trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tương đương 500 tỉ USD (11,5 triệu tỉ đồng) hằng năm. Ngoài ra, trong giai đoạn 2000 – 2015, Trung Quốc chi khoảng 94,4 tỉ USD vốn vay cho chính phủ và doanh nghiệp nhà nước ở lục địa đen.
Tuy nhiên, đã có không ít chuyên gia quốc tế bày tỏ lo ngại về tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc khai thác ồ ạt khoáng sản và nguyên liệu thô tại châu Phi mang về nước, không có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương cũng như kèm theo ý đồ khác về chiến lược và chính trị trong các dự án. Theo báo The Huffington Post, dư luận các nước châu Phi cũng bày tỏ bất bình khi nhà đầu tư mang hàng ngàn nhân công từ Trung Quốc sang như ở Ghana và Nigeria hoặc thuê công nhân địa phương với giá rẻ mạt như tại Zambia.
Vấp phải làn sóng phản đối trong nước cộng thêm giá khoáng sản ngày càng tăng, nhiều nước châu Phi bắt đầu có rào cản nhằm hạn chế làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc. Tại CHDC Congo, chính phủ quyết định tăng thuế và buộc các công ty nước ngoài chuyển giao bớt cổ phần cho doanh nghiệp trong nước. Quốc gia Trung Phi này hiện cung ứng 60% nhu cầu cobalt trên thế giới và phần lớn các khu mỏ là do Trung Quốc đầu tư. Tương tự, theo tờ Nikkei Asian Review, chính phủ Zambia sắp truy thu thuế của các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khai thác đồng và mangan.
Tại Nam Phi, chính phủ đang có nhiều biện pháp chủ động hơn trong quản lý tài nguyên. Trong đó có tăng tỷ lệ công ty của người da đen trong lĩnh vực khai khoáng, đồng nghĩa với việc vai trò của nhà đầu tư Trung Quốc sẽ suy giảm. Trong khi đó, chính quyền Tanzania vừa ban hành luật yêu cầu doanh nghiệp địa phương phải sở hữu ít nhất 5% cổ phần trong các công ty khai khoáng nước ngoài. Tháng trước, một số công ty đã bị rút giấy phép khai thác nickel do không tuân thủ quy định mới.
Đài CGTN dẫn lời giới quan sát nhận định những diễn biến trên cho thấy các quốc gia châu Phi đang có những bước đi tích cực để giảm phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, chẳng hạn như sức ép từ Trung Quốc. Theo Nikkei Asian Review, Tập đoàn khai khoáng Zijin của Trung Quốc đang chuẩn bị kiện chính phủ CHDC Congo liên quan đến quy định tăng thuế và chuyển giao cổ phần. Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo những chính sách có thể chỉ mang tính ngắn hạn nhằm thu lợi từ tình hình giá khoáng sản toàn cầu đang tăng nhanh hoặc chính phủ muốn tranh thủ cử tri trước thềm đợt bầu cử mới tại nhiều nước từ tháng 7.
Nikkei Asian Review dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ công du châu Phi vào tháng 7 nhằm tăng cường quan hệ trong bối cảnh hợp tác với châu lục này bắt đầu gặp trở ngại cũng như căng thẳng thương mại và an ninh với Mỹ vẫn tiếp diễn. Châu Phi đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch “Vành đai và con đường” kết nối Trung Quốc với các châu lục khác, đồng thời cũng là nhân tố không thể thiếu của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà Mỹ và Nhật Bản đang theo đuổi. Vì thế, giới quan sát dự báo Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm mọi cách để giữ vững vị thế nhà đầu tư lớn nhất ở châu lục trong cuộc cạnh tranh kinh tế lẫn chiến lược với các bên khác.