Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ nên hỗ trợ ASEAN thành lập đội đặc nhiệm tuần tra...

Mỹ nên hỗ trợ ASEAN thành lập đội đặc nhiệm tuần tra chung trên Biển Đông

Đội đặc nhiệm này sẽ là giải pháp ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa hơn nữa Biển Đông, do 10 nước ASEAN luân phiên đảm nhiệm chỉ huy.

The Japan Times ngày 22/6 dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Patrick M. Cronin và Melodie Ha từ Trung tâm An ninh mới Hoa Kỳ phân tích 4 bước chiến lược Washington nên làm để chống lại việc Trung Quốc bành trướng và độc chiếm Biển Đông.

Hai nhà nghiên cứu nhận định, những nỗ lực đơn phương của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng hàng hải châu Á có thể thấy rõ nhất ở Biển Đông, nơi các cấu trúc địa lý nhỏ đã biến thành các tiền đồn quân sự. 

Mỹ cần phải điều chỉnh lại phương pháp tiếp cận của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương và tiến tới một chiến lược hàng hải mới. 

Giải pháp chống quân sự hóa Biển Đông hiện nay còn hạn chế

Việc Trung Quốc phát triển lực lượng vũ trang và bố trí vũ khí trên các đảo nhân tạo tranh chấp ở Biển Đông nhấn mạnh tham vọng kép của họ:

Vừa củng cố yêu sách chủ quyền bành trướng, vừa chứng minh sự phát triển quân sự vượt ra ngoài chuỗi đảo thứ 2 và xa hơn nữa.

Máy bay ném bom tầm xa H-6K đã hạ cánh trên tiền đồn lớn nhất Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam);

Từ động thái này có thể dự đoán những hành vi tương tự Trung Quốc có thể tiến hành trên Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam) trong tương lai.

Lắp đặt vũ khí, khí tài trang bị quân sự trên các căn cứ ở Biển Đông đã tạo ra vùng xám thách thức trật tự hiện tại.

Trung Quốc tìm cách thay đổi hiện trạng thông qua các hành động leo thang, huy động lực lượng quân sự và bán quân sự, đe dọa cưỡng bức, nhưng kiềm chế các động thái có thể gây ra xung đột.

Mỹ đang theo đuổi nỗ lực chống lại sự xâm lược của Trung Quốc, bao gồm việc chỉ thẳng và lên án các hành vi đơn phương của Trung Quốc, tăng cường quan hệ liên minh và đối tác để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên hơn.

Phản ứng lại các hành động của Trung Quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Hoa Kỳ đã quyết định hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chung Vành đai Thái Bình Dương 2018.

Mặc dù những nỗ lực này ngày càng tăng, nhưng vẫn còn những lĩnh vực then chốt mà chiến lược hàng hải của Hoa Kỳ vẫn còn thiếu.

Nhà nghiên cứu Melodie Ha, Trung tâm An ninh mới.

Chiến lược hiện tại của Mỹ ở Thái Bình Dương coi trọng việc đảm bảo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Chiến lược này đòi hỏi tăng cường hợp tác với đồng minh và đối tác, trong đó 10 nước ASEAN là một điểm tựa.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Sự thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông mà ông Tập Cận Bình tiến hành nhằm mở rộng quyền kiểm soát của Bắc Kinh với một vùng kinh tế quan trọng ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. 

Biển Đông là một tuyến hàng hải thương mại quan trọng đối với Trung Quốc, gần 30% thương mại hàng hải thế giới và khoảng 40% thương mại Trung Quốc đi qua khu vực này.

Vùng biển nửa kín này có thách thức chống tiếp cận / chống truy cập (A2/AD) với Trung Quốc ở cả chuỗi đảo đầu tiên lẫn chuỗi đảo thứ 2 do những yết hầu Mỹ và đồng minh kiểm soát.

Các cấu trúc địa lý (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp mà Trung Quốc yêu sách là ở khu vực này, và hoạt động xây dựng Trung Quốc tiến hành tại đây đã biến những khu vực dễ bị tổn thương trước đây thành các khu vực nằm trong phạm vi kiểm soát của họ để đẩy lùi sức mạnh của Mỹ và đồng minh.

Khi người Trung Quốc tiếp tục củng cố các tuyên bố của họ ở chuỗi đảo đầu tiên, họ tiếp tục bành trướng sang chuỗi đảo thứ 2, tìm cách cân bằng sức mạnh ở Biển Đông bằng sự kết hợp giữa khả năng chống hạm và năng lực phòng không.

Ngoài các máy bay ném bom H-6K, các đảo nhân tạo Trung Quốc có khả năng triển khai tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cùng thiết bị gây nhiễu, ra đa quân sự.

Ông Tập Cận Bình quan sát cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc ở Biển Đông tháng Tư năm nay, ảnh: The Maritime Executive.

Từ các căn cứ ở Trường Sa, tên lửa Trung Quốc có thể tấn công các mục tiêu các lực lượng Hoa Kỳ trên Biển Đông. Từ Biển Đông, máy bay ném bom H-6K và tên lửa đạn đạo DF-26 có thể tấn công Guam.

4 bước chiến lược Hoa Kỳ cần xây dựng để chống lại nguy cơ quân sự từ Trung Quốc

Thứ nhất, Hoa Kỳ cần mở rộng khả năng áp đặt cái giá Trung Quốc phải trả cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực khu vực và luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Cho đế nay, Trung Quốc chưa phải chịu hậu quả tương xứng với chiến thuật cắt lát xúc xích của họ. Việc hủy lời mời tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 vẫn chỉ là một phản ứng tức thời.

Mỹ cần một gói giải pháp hoàn chỉnh để áp đặt mức giá tương xứng cho các hành vi xấu của Trung Quốc, gói giải pháp này đã được đưa ra trong các nghiên cứu trước.

Thứ hai, Mỹ cần nỗ lực gấp đôi về đổi nội lẫn hòa hợp với các nước cùng chí hướng, để cải thiện nhận thức biển của khu vực Ấn Độ – Thái Bính Dương.

Cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012 có thể đã được ngăn chặn nếu Philippines có được thông tin tốt hơn về việc bố trí các lực lượng trong khu vực.

Việt Nam, Malaysia và Indonesia đều có tiềm năng trở thành đối tác của Mỹ trong khu vực chống lại sức mạnh áp đặt, dưới cả 2 khía cạnh thông tin phong phú và tuân thủ nguyên tắc.

Tàu sân bay USS Carl Vinson tại cảng Đà Nẵng, ảnh minh họa: NBC News.

Hơn nữa, Hoa Kỳ cần nỗ lực nhiều hơn, khai thác tốt hơn sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang.

Cảnh sát biển, các lực lượng thực thi pháp luật và các tổ chức dân sự, thương mại cần tham gia vào dòng chảy tự do và cởi mở trên Biển Đông.

Các hoạt động diễn tập bảo vệ bờ biển trong khu vực được hỗ trợ bởi Nhật Bản, Australia cũng có thể cải thiện việc thực thi các tiêu chuẩn hàng hải quốc tế.

Biển Đông có tiềm năng trong việc phát triển hợp tác hàng hải như tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai cùng nhau.

Thứ ba, Mỹ nên hỗ trợ việc tạo ra một đội tàu biển đa quốc gia để kiểm tra những thay đổi đơn phương với hiện trạng khu vực.

Mô hình cho một liên minh như vậy là CTF150, một nhóm quốc tế chống khủng bố và cướp biển trên tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới quanh vịnh Aden và Biển Đỏ.

Chỉ huy một lực lượng đặc nhiệm như vậy có thể do các nước ASEAN luân phiên nhau nắm giữ.

Mục đích chính của việc thiết lập lực lượng đặc nhiệm hàng hải mới sẽ không lặp lại việc thực thi pháp luật và tuần tra chống buôn lậu đã tồn tại.

Thay vào đó, nó sẽ cung cấp bức tường ngăn chặn quân sự hóa hơn nữa ở Biển Đông.

Hơn nữa, các quốc gia ngoài Đông Nam Á có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Anh cũng có thể tham gia lực lượng đặc nhiệm này. 

Trung Quốc cũng được hoan nghênh nếu họ chấp nhận các quy tắc được lực lượng đặc nhiệm này thiết lập. Điều đó có thể khuyến khích các hành vi và hợp tác tốt hơn.

Lực lượng đặc nhiệm này có thể giúp thực thi hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC, nếu nó được ký kết).

Cuối cùng, đã đến lúc phải bác bỏ các tuyên bố sáo rỗng của Bắc Kinh rằng họ tuân thủ luật pháp quốc tế, muốn làm điều này thì Mỹ nên nhanh chóng phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Sự thật là, Trung Quốc đã phê chuẩn và trở thành thành viên chính thức của Công ước nhưng lại “tuân thủ có chọn lọc” những gì có lợi cho họ, đơn phương khẳng định các quyền lịch sử mà Công ước đã bác bỏ.

Ngược lại, Mỹ chưa phê chuẩn Công ước nhưng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ lại tuân thủ UNCLOS 1982 như một vấn đề của luật pháp quốc tế.

4 bước này không thể thay thế cho chiến lược Thái Bình Dương toàn diện, nhưng có thể là khởi đầu cho một mạng lưới đối tác mạnh hơn, cung cấp các phương tiện ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào đơn phương đặt luật chơi cho thế giới trong thế kỷ 21.

RELATED ARTICLES

Tin mới