Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Thượng viện Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nhận được những chiếc chiến đấu cơ F-35 đầu tiên mà họ đã đặt mua. Điều này cho thấy, Washington đã buộc phải chấp nhận hợp đồng S-400 mà Ankara ký với Moscow, đồng thời phải nhượng bộ đồng minh.
Vì tức giận trước việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết liệt theo đuổi hợp đồng mua các hệ thống phòng không tinh vi và tối tân S-400 của Nga, Thượng viện Mỹ đã quyết định phong tỏa hợp đồng bán gần 100 chiếc chiến đấu cơ F-35 cho đồng minh trong NATO của họ.
Tuy nhiên, bất chấp quyết định trên, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 21/6 cho biết, nước này vẫn được bàn giao những chiếc F-35 tại một buổi lễ diễn ra ở Texas và những chiếc máy bay này sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020.
“Sẽ có hoạt động huấn luyện cho đến năm 2020. Những chiếc máy bay này sẽ xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020”, Ngoại trưởng Cavusoglu cho biết khi có cuộc gặp mặt với các phóng viên ở tỉnh Antalya.
Hai phi công của Lực lượng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang được đào tạo ở Mỹ để có thể sử dụng những chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm tối tân mà Washington vừa bàn giao cho Ankara.
Lễ bàn giao nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi hôm 15/06, 44 nghị sĩ của cả hai đảng trong Hạ viện Mỹ vừa trình bức thư kêu gọi Mỹ “không bàn giao những chiếc chiến đấu cơ F-35” cho Thổ Nhĩ Kỳ, vì lý do cáo buộc Ankara đang có những hoạt động “làm phương hại đến lợi ích của Mỹ trên khắp thế giới”. Sau đó, vào ngày 18/6, Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một dự luật chính sách quốc phòng năm 2019, trong đó có một điều khoản có thể loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 vì việc nước này mua tên lửa phòng không S-400 của Nga.
Lùm xùm quanh hợp đồng F-35 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ căng thẳng và mâu thuẫn giữa hai nước vốn là đồng minh của nhau trong NATO. Mâu thuẫn này khởi phát từ việc Thổ Nhĩ Kỳ mua tên lửa tối tân S-400 của Nga.
Mỹ phản đối quyết liệt hợp đồng mua S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ ký với Nga. Giới chức Mỹ trong thời gian qua liên tiếp đe dọa sẽ tung đòn trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ vì hợp đồng S-400. Giới nghị sĩ Mỹ trước đó đã kêu gọi không bán vũ khí, trong đó có các chiến đấu cơ tối tân F-35, cho đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara có kế hoạch mua 116 chiếc chiến đấu cơ F-35A theo chương trình phát triển tiêm kích đa quốc gia do Mỹ chủ trì.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s. S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Trong khi đó, chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm – gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất. Tất cả các phiên bản của F-35 đều được trang bị công nghệ tàng hình siêu việt, có khả năng tránh radar, đạt tốc độ siêu âm và gắn camera giúp phi công có thể quan sát 360 độ từ buồng lái xuống mặt đất.