Bản tin Biển Đông ngày 27/06/2018.
Úc đầu tư hàng tỉ đô-la mua máy bay trinh sát không người lái của Mỹ phục vụ hoạt động trên Biển Đông
CNN đưa tin, ngày 26/6, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết Chính phủ Úc mới đây đã đầu tư 6 tỉ đô-la để mua máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Tritons từ nhà thầu Northrop Grumman của Bộ Quốc phòng Mỹ thông qua một chương trình hợp tác với hải quân Mỹ. Theo CNN cho biết, máy bay này sẽ được tăng cường cho chiếc máy bay trinh sát hiện nay Úc sử dụng nhằm tuần tra khu vực biên giới biển, tiến hành tìm kiếm cứu nạn và thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, qua đó góp phần đẩy mạnh các hoạt động tuần tra tại khu vực này.
Trả lời phỏng vấn với Tập đoàn Truyền thông Úc, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Christopher Pyne khẳng định: “Úc kiên định duy trì quyền tự do trên các vùng biển quốc tế đi qua Biển Đông như vẫn thường làm, bất kể là bằng tàu hay máy bay”.
Ý kiến học giả Philippines: Có thể viện dẫn Hiệp ước phòng thủ nếu Mỹ công nhận bãi cạn Scarborough thuộc chủ quyền của Philippines
Ngày 27/6, ABS-CBN đưa tin, tại cuộc phỏng vấn với hãng tin ANC ngày 26/6, ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và Luật Biển cho hay Mỹ có thể thực hiện trách nhiệm bảo vệ bãi cạn Scarborough theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ – Phi trong trường hợp có tấn công nhằm vào lãnh thổ nước này nếu công nhận rằng khu vực bãi cạn là thuộc chủ quyền của Philippines. Ông Batongbacal cho biết, một số cơ quan chức năng đã công bố tài liệu chứng minh rằng Mỹ đã chuyển giao lại bãi cạn Scarborough cho Chính phủ Philippines từ vài chục năm trước, đồng thời khẳng định rằng việc Mỹ công khai công nhận chủ quyền của bãi cạn thuộc về Philippines sẽ giúp nâng cao khả năng bảo vệ lãnh thổ của nước này trước các hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tàu sân bay Mỹ tới tuần tra ở Biển Đông
The Japan Times cho hay, mới đây quân đội Mỹ đã triển khai tàu USS Ronald Reagan, tàu sân bay thứ 3 trong năm tới tuần tra ở Biển Đông, trước khi cập cảng Manila vào ngày 26/6/2018. Chuẩn Đô đốc Mỹ Marc Dalton đánh giá sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực có vai trò “nâng cao khả năng bảo vệ đất nước và các nước đồng minh”, đồng thời “đẩy mạnh năng lực bảo vệ tự do các vùng biển, thương mại xuyên suốt, ngăn chặn các cuộc xung đột và các hành động cưỡng ép, đồng thời thúc đẩy cam kết với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Trong bối cảnh đó, dư luận quốc tế vẫn tiếp tục lo ngại rằng Trung Quốc vẫn khăng khăng rằng họ có “quyền” xây dựng các cơ sở phòng thủ trên các cấu trúc ở Biển Đông trên cơ sở “các yêu sách chủ quyền” và nước này sẽ sử dụng các đảo nhân tạo mới để triển khai sức mạnh quân sự và cản trở tự do hàng hải ở khu vực.