Mỹ có thể sẽ ra sức thuyết phục Ấn Độ cân nhắc các lựa chọn về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ thay vì S-400 của Nga. Đây là một phần nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn không để New Delhi xúc tiến kế hoạch ký thỏa thuận S-400 với Nga.
Tờ ET đưa tin, Mỹ có thể sẽ đưa vấn đề hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo vào chương trình nghị sự của cuộc đối thoại Mỹ-Ấn Độ 2+2 vào ngày 6/7 tới với Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitharaman. Cuộc đối thoại này sẽ diễn ra ở Washington.
Lựa chọn có thể được đặt lên bàn là Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD). Đây là hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km.
Tuy nhiên, hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga được cho là rất hiệu quả trong việc chống lại nhiều kiểu tấn công từ trên không hơn so với THAAD, đặc biệt là đối phó với những cuộc tấn công của các máy bay chiến đấu như F-18 và F-35. Phiên bản mới nhất của S-400 có tầm bắn xa hơn nhưng chưa rõ liệu nó có hiệu quả hơn THAAD trong việc chống lại các tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay không.
Việc Ấn Độ theo đuổi thỏa thuận S-400 với Nga đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tức giận và lo lắng. Hiện tại, S-400 đang trở thành một vấn đề nhạy cảm đối với Mỹ. Quốc hội Mỹ thậm chí còn đang tranh cãi một dự luật cho phép Mỹ tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực phòng không của Nga – một dự luật có thể khiến các nước mua S-400 của Nga cũng phải hứng đòn trừng phạt.
Mỹ không ngần ngại đe dọa sẽ tung các biện pháp trừng phạt nhằm vào những nước đồng minh, đối tác của họ nếu những nước này mua hệ thống S-400 của Nga. Tuy nhiên, Mỹ được cho là sẽ không trừng phạt Ấn Độ vì lo ngại sẽ làm phương hại đến mối quan hệ song phương. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từng nói, cần phải có “những trường hợp ngoại lệ liên quan đến an ninh quốc gia” bởi vì theo ông Mattis, Mỹ cần tránh xung đột với đồng minh liên quan đến vấn đề mua vũ khí của Nga vì lợi ích lâu dài của nước Mỹ.
Mỹ chắc chắn sẽ thuyết phục Ấn Độ từ bỏ việc theo đuổi S-400 của Nga như đã làm với Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng trong bối cảnh Nga và Ấn Độ từ lâu đã có mối quan hệ đối tác thân thiết đến mức New Delhi từng là đồng minh trên thực tế của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh. Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ hơn 60% tổng số vũ khí hạng nặng của cường quốc Châu Á.
Những người có liên quan đến vấn đề S-400 cho rằng, sẽ là điều vô lý khi Mỹ mong đợi Ấn Độ từ bỏ mối quan hệ an ninh, quốc phòng bền chặt với Nga khi mối quan hệ này được chứng minh là đáng tin cậy qua nhiều cuộc xung đột.
Mỹ có thể sẽ tiếp tục thất bại trong việc thuyết phục Ấn Độ từ bỏ S-400 của Nga, giống như với Thổ Nhĩ Kỳ – một đồng minh khác của Mỹ. Ankara kiên quyết theo đuổi hợp đồng mua S-400 của Nga bất chấp sức ép rất mạnh mẽ từ phía Washington.
Hơn nữa, Mỹ còn có nguy cơ thua thêm nhiều lần trong cuộc đấu S-400 với Nga khi có thêm các đồng minh khác của Mỹ cũng bắt đầu nhăm nhe ý định mua S-400 từ Nga.