Dù Trung Quốc muốn chiếm “từng tấc đất” Biển Đông, nhưng một ngày nào đó, Bắc Kinh sẽ thua trắng với “kèo” này, là nội dung bài viết mà tờ Forbes đăng ngày 1.7.
Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông, nhận tiếp liệu từ trực thăng – Ảnh: Hạm đội 7
Trong bài báo, nhà báo Panos Mourdoukoutas viết rằng, trong canh bạc chiếm Biển Đông, Trung Quốc một mình chống lại Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam.
Trung Quốc cũng chống lại hải quân Mỹ, Nhật, Úc, Anh và Pháp vốn đều đã, đang và sẽ đưa tàu chiến tuần tra thực hiện quyền tự do đi lại (FONOP) trên tuyến đường biển thương mại tất bật và trị giá 5 ngàn tỉ USD/năm này.
Gần đây khi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ở Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc yêu chuộng hòa bình nhưng không chấp nhận “để mất một tấc đất nào của tổ tiên truyền đời cho con cháu”.
Nhà báo Mourdoukoutas nêu lý do tại sao Trung Quốc muốn chống lại tất cả. Lý do thứ nhất là Biển Đông giữ vai trò rất quan trọng trong tầm nhìn của Bắc Kinh: Trung Quốc phải trở thành một thế lực kinh tế toàn cầu vượt qua Mỹ. Và đó là sự khởi đầu của dự án Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) do ông Tập khởi xướng.
Nhà báo dẫn lời nhà thầu Vijay Eswaran người Malaysia: “Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc bắt đầu từ Biển Đông. Họ tự cho mình một vai trò đáng kể hơn về thương mại hàng hải trong tương lai”.
Lý do thứ hai, theo ông Vijay, chính là Bắc Kinh xem Biển Đông là tài sản riêng: “Trên hết, Trung Quốc muốn độc quyền khai thác các tài nguyên được ẩn phía dưới Biển Đông. Đó là lý do họ xây các đảo nhân tạo”.
Lý do thứ ba: việc chiếm Biển Đông sẽ kích thích chủ nghĩa dân tộc vốn cần thiết để ủng hộ và củng cố thể chế chính trị ở Trung Quốc.
Ông Vijay còn nói Trung Quốc không xem là mối đe dọa, từ việc bất kỳ nước láng giềng nào đòi chủ quyền ở Biển Đông. Và Trung Quốc đã dùng các biện pháp hù dọa để bảo đảm không xảy ra chuyện các nước láng giềng yêu sách.
Hồi tháng 7.2016, Tòa án trọng tài thường trực The Hague tuyên Trung Quốc không hề có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông, đồng thời bác “bản đồ đường lưỡi bò 9 đoạn” mà Trung Quốc tự vẽ, viện dẫn những lý do để khẳng định “có chủ quyền Nam Hải từ ngàn xưa”, cách gọi Biển Đông của Bắc Kinh.
Phán quyết từ đơn kiện của chính phủ Phillipines thời Tổng thống Aquino, nhưng khi ông Rodrigo Duterte nắm quyền, Bắc Kinh đã tiến hành các động thái dọa đánh Philippines, rồi hứa đầu tư “khủng” để giúp Philippines xử lý nhiều vấn nạn.
Theo nhà báo Mourdoukoutas, những động thái này đạt hiệu quả, ông Duterte nhanh chóng quên phán quyết PCA, và gần đây, Bắc Kinh đem “mô hình Duterte” ra dọa sẽ tấn công các cơ sở dầu khí của nước khác.
Dù vậy, nhiều lực lượng hải quân sẵn sàng thách thức tham vọng của Trung Quốc, như Mỹ-Anh-Pháp đều đã, đang và sẽ thực hiện tuần tra FONOP.
Nhà báo Mourdoukoutas kết luận rằng khó có thể nói liệu Trung Quốc có chuẩn bị ngăn chặn những thách thức này.
Nhưng ông viết “Chắc chắn là bất kỳ nước nào muốn chơi một canh bạc chống lại tất cả đều sẽ thua. Chuyện thua này từng xảy ra với Nhật thời trước và cũng có thể xảy ra với Trung Quốc trong tương lai”.
Ông cũng nhắc: “Trong khi đó, các nhà đầu tư ở các thị trường tài chính khu vực này cũng nên chú ý từng diễn biến sẽ đẩy Trung Quốc đến gần hơn một cuộc xung đột lớn với Mỹ và các đồng minh của Mỹ”.