Tình hình căng thẳng Biển Đông ngày càng phức tạp, vì vậy các nước như Malaysia, Philippines tăng cường mua sắm vũ khí mới để có khả năng răn đe, chủ động cân bằng sức mạnh, bảo vệ tự thân.
Tàu ngầm thông thường lớp Kilo của hải quân Việt Nam. Ảnh: Huanqiu.
Tờ The National Interest Mỹ gần đây cho rằng cùng với tình hình căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang, Malaysia bắt đầu tăng cường sức mạnh quân sự.
Gần đây, Malaysia tuyên bố, sẽ nâng cấp máy bay hải quân và mua sắm máy bay trực thăng trang bị cho tàu chiến. Việc nâng cấp năng lực đường không của hải quân nhằm hỗ trợ chuyển đổi quy mô lớn tàu chiến mặt nước của hải quân hoàng gia Malaysia, hạm đội này sẽ từ sở hữu 15 tàu chiến cũ chuyển sang sở hữu chỉ 5 tàu chiến hiện đại.
Năm 2017, tàu tuần duyên lớp 3.100 tấn đầu tiên của Malaysia hạ thủy, đây là tàu chiến tàng hình được thiết kế dựa trên tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Gowind. Dự tính Malaysia sẽ triển khai 6 tàu chiến trước năm 2023, chiếc đầu tiên sẽ bàn giao cho quân đội trước năm 2019.
Tàu tuần duyên lớp 3.100 tấn tuy không lớn, nhưng có khả năng tác chiến mạnh, đã trang bị hệ thống phóng tên lửa chống hạm, pháo và ngư lôi do Na Uy chế tạo.
Ngoài ra, Malaysia đang chế tạo nhiều tàu tuần tra hơn, trong đó có tàu tuần tra lớp Kedah lượng giãn nước 1.850 tấn thế hệ thứ hai được thiết kế trên nền tảng tàu Meko-100 của Đức. Malaysia đang xem xét chế tạo một loại tàu làm nhiệm vụ ở duyên hải lớp 700 tấn do Trung Quốc thiết kế. Hạm đội mặt nước mới của Malaysia sẽ được duy trì bởi 3 tàu tiếp tế đa dụng lớp 15.000 tấn.
Đồng thời, trên không Malaysia đang tìm kiếm máy bay mới. Còn trên mặt đất, Malaysia đang đặt mua lựu pháo 105 mm do Pháp chế tạo.
Không chỉ Malaysia tăng cường sức mạnh quân sự , các nước như Việt Nam , Philippines cũng đang mua sắm vũ khí mới. Báo Mỹ cho rằng một cuộc “chạy đua vũ trang” đang diễn ra ở Biển Đông.
Nhưng giáo sư Alexander L. Vuving, chuyên gia vấn đề châu Á, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương, Honolulu lại đưa ra quan điểm trái ngược.
Alexander L. Vuving cho rằng: “Mặc dù hành động tập kết của ba nước Đông Nam Á ở Biển Đông (Malaysia, Philippines và Việt Nam) đều xuất phát từ hành vi của Trung Quốc, nhưng Biển Đông không có chạy đua vũ trang. Mục tiêu lâu dài trong quá trình cạnh tranh với bất cứ nước nào khác có chủ trương chủ quyền là ‘răn đe tối thiểu’, chứ không phải là đối đẳng hoặc nổi trội”.
Theo Alexander L. Vuving, mục tiêu không phải là muốn uy hiếp Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cảm thấy bị đe dọa.
Chính sách đối với Trung Quốc của Malaysia là thận trọng, chứ không phải là mang tính đối đầu. Alexander L. Vuving cho rằng Malaysia rất quan tâm đến vị thế chủ đạo của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng họ không muốn công khai tuyên bố về sự bất an trước Trung Quốc.
Một số người cho rằng thái độ của Malaysia đối với Trung Quốc là “nhượng bộ”, nhưng điều này đã phản ánh thực tế “tế nhị”. Malaysia tìm cách tránh chọc giận Trung Quốc, nhưng ở phía sau thì họ đang theo đuổi một chính sách tích cực, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ những nước có thể hỗ trợ họ thay đổi cán cân sức mạnh khu vực.