Monday, November 18, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ trên thực...

Nhìn lại những hoạt động phi pháp của TQ trên thực địa từ sau phán quyết của Tòa Trọng tài

Ngày 12/7/2016, Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển ra phán quyết rằng: Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” nằm trong “đường lưỡi bò”; không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc; lực lượng tàu hành pháp của Trung Quốc tạo ra nguy cơ xung đột nghiêm trọng khi cản trở trái phép tàu cá Philippines; Trung Quốc gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực, vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm bảo tồn hệ sinh thái biển cũng như môi trường sống của những loài động vật đang gặp nguy hại; Trung Quốc thường xuyên có hành động làm leo thang căng thẳng giữa các bên… Thay vì thực thi phán quyết, Trung Quốc bất chấp tất cả tiến hành nhiều hoạt động trên thực địa, đi ngược lại luật pháp quốc tế để khẳng định cái gọi là “chủ quyền” ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động quân sự phi pháp trong khu vực Biển Đông

Về các hoạt động tập trận: Lực lượng hải quân, không quân liên tục tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật phi pháp ở trên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham. Bắc Kinh huy động nhiều phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế quân sự, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo thế hệ mới KJ-500… Mục tiêu chính của những hoạt động tập trận phi pháp của Bắc Kinh là nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân, không quân; răn đe chiến lược đối với các nước trong khu vực, với Mỹ và một số nước đồng minh; quảng bá sức mạnh quân sự để tuyên truyền đối với người dân trong nước; thể hiện “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” (phi pháp) và cũng là hành động thể hiện sự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc thường biện minh cho những hành động này bằng ngôn từ chung chung như đây là hoạt động thường niên của quân đội Trung Quốc, việc tập trận không nhằm vào nước khác và rằng “hoạt động quân sự như vậy thể hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của không quân Trung Quốc trong khu vực, đồng thời để bảo vệ chủ quyền của Bắc Kinh”. Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân từng tuyên bố “bất kể phán quyết của Tòa Trọng tài là gì, chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng. Bất kể phán quyết của Tòa là gì, quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và lợi ích biển, giữ vững hòa bình và ổn định khu vực, đối phó với mọi thách thức và đe dọa”.

Về hoạt động cải tạo phi pháp ở Biển Đông: Bất chấp phán quyết của Tòa Trọng tài cho rằng hoạt động cải tạo phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa gây hại nghiêm trọng, không thể khắc phục cho rạn san hô trong khu vực và không có thực thể nào ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cho Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn quyết tâm tiến hành cải tạo, quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã hoàn thành việc nạo vét và bồi đắp để tạo ra 7 thực thể nhân tạo mới tại quần đảo Trường Sa, tiến hành xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo. Theo tính toán của Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), các công trình này bao phủ một khu vực rộng khoảng 290.000m2, trên đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa và đá Bắc, đá Cây và đá Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập vào khoảng 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay lớn hơn dọc đường băng chính. Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi từng cho biết “Trung Quốc sẽ không bao giờ hy sinh lợi ích và chủ quyền ở Biển Đông. Đây là lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh và Trung Quốc sẽ không nhân nhượng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ”. Ông Ngô Thắng Lợi cũng ngang nhiên cho biết “Trung Quốc sẽ không bao giờ ngừng xây dựng giữa chừng ở quần đảo Trường Sa”.

Về hoạt động tuần tra phi pháp ở Biển Đông: Trung Quốc thường xuyên huy động lực lượng chức năng (Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát Biển…) tuần tra phi pháp trong khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh sử dụng nhiều phương tiện, khí tài tuần tra “xử lý” các hành vi “vi phạm pháp luật” và tìm iểu tình hình bảo vệ sinh thái tại các đảo, đá và vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng chấp pháp của Tủng Quốc chủ yếu thực hiện những nhiệm vụ như xua đuổi ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông; bảo vệ, hộ tống ngư dân Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước đánh bắt trộm hải sản; đâm va, cướp bóc tài sản (cá, xăng dầu, đồ đạc…) của ngư dân các nước trên Biển Đông; ngăn chặn không cho ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborugh/Hoàng Nham.

Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động du lịch trái phép ở Hoàng Sa

Từ giữa năm 2016 đến nay, Tập đoàn vận tải Trung Quốc (COSCO), Công ty Lữ hành Nam Hải và Công ty TNHH vận tải Eo biển Hải Nam đã tổ chức nhiều tour du lịch phi pháp trên Biển Đông. Lộ trình các tour du lịch của Trung Quốc khởi hành từ Tam Á đến một số đảo, đá ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Phía Trung Quốc tuyên truyền rằng những hoạt động du lịch trên là nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch địa phương. Tuy nhiên, đằng sau những hoạt động phi pháp này là chiến lược tuyên truyền, quảng bá “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với người dân trong nước. Đồng thời, Trung Quốc cũng muốn thông qua những hoạt động du lịch phi pháp ở Hoàng Sa nhằm khích lệ tinh thần dân tộc và lòng trung thành của người dân đối với Chính quyền của ông Tập Cận Bình.

Bắc Kinh cũng tích cực triển khai các xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phục vụ ngư dân, binh lính đồn trú trái phép trên Biển Đông

Trung Quốc đã triển khai một loạt các hành động phi pháp nhằm “cải thiện đời sống” và phục vụ việc giám sát trong khu vực, cụ thể: Tập đoàn viễn thông Trung Quốc triển khai trái phép mạng 4G tại các đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa, trong đo 2 trạm phát sóng 4G được đặt tại đá Chữ Thập và đá Su Bi; xây dựng đài phát thanh khí tượng trái phép tại đảo Phú Lâm của Việt Nam, đài trên được phát bằng hai ngôn ngữ Anh – Trung; khánh thành rạp chiếu phim, mở chi nhánh Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), thành lập và đưa vào sử dụng cái gọi là “Chi đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy” trên cái gọi là “thành phố Tam Sa”…

Ngoài ra, Trung Quốc cũng triển khai nhiều kế hoạch phi pháp khác để tăng cường khả năng “quản lý và giám sát” ở Biển Đông, cụ thể: Bắc Kinh liên tục phóng nhiều hệ thống vệ tinh giám sát biển, triển khai lắp đặt hệ thống cảm biến dưới nước, lắp đặt hệ thống quan sát dưới đáy biển, xây dựng hệ thống quan trắc hải dương và xây dựng các trạm quan sát môi trường ở Biển Đông. Nhìn bề ngoài thì những kế hoạch trên của Trung Quốc đều phục vụ các mục đích giám sát, bảo vệ môi trường biển và dự đoán, cảnh báo trước thảm họa thiên nhiên. Song trên thực tế, đằng sau những kế hoạch trên là âm mưu nắm quyền kiểm soát trên Biển Đông, nó sẽ giúp Bắc Kinh giám sát hoạt động tàu thuyền, máy bay, thậm chí là tàu ngầm của các nước hoạt động ở Biển Đông. Việc xây dựng, lắp đặt các hệ thống giám sát trên Biển Đông (trên bầu trời, trên mặt nước và dưới đáy biển) của Trung Quốc hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.

Những hành động trên của Trung Quốc không ngoài mục đích củng cố chứng cứ pháp lý để khẳng định sự sinh sống, quyền kiểm soát trên thực tế đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, đây đều là những hành vi phi pháp, đi ngược lại nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, và đường nhiên nó chẳng bao giờ giúp Trung Quốc khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp trên Biển Đông

Tranh thủ khai thác trộm tài nguyên thiên nhiên trên Biển Đông (nhất là dầu khí, bằng cháy và hải sản) để thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước là một trong những mục tiêu chiến lược hàng đầu của Trung Quốc. Bắc Kinh bỏ ngoài tai phán quyết của Tòa để tiến hành nhiều hoạt động khai thác trái phép như: Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (CNPC) tiến hành thăm dò, khai thác thành công băng cháy ở vùng biển cách Quảng Đông 320km về phía Đông Nam; Tổng công ty Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) mời thầu phi pháp 22 lô dầu khí ở phía Bắc Biển Đông, các lô dầu khí được mời thầu có tổng diện tích lên đến 47.270km2; hàng năm Trung Quốc đều đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá (1/5-1/8) trên vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực nghiên cứu, chế tạo và đưa vào sử dụng phi pháp nhiều giàn khoan hiện đại ở Biển Đông. Trong đó có giàn khoan bán ngầm Hải Dương 982 (dài 104,5m, rộng 70,5m, khoan sâu tối đa 9.144m, có thể hoạt động thăm dò dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển sâu 1.500m); hạ thủy và đưa vào sử dụng giàn khoan dầu lớn nhất thế giới Bluwhale 1 (trọng lượng 42.000 tấn, cao 118m, có khả năng khoan đến 15.240m).

Kết luận:

Hai năm sau phán quyết của Tòa Trọng tài, Trung Quốc không hề tuân thủ và thực thi phán quyết. Họ vẫn triển khai rầm rộ các hoạt động phi phám, xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của các nước xung quanh. Tất cả các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên thựa địa như vừa nêu đều nằm trong chiến lược phản bác phán quyết của Tòa Trọng tài và khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc là quá phi lý và sẽ chẳng bao giờ được các nước đồng thuận. Vì vậy, Trung Quốc cần phải chấm dứt ngay những hoạt động trên và thực thi đầy đủ, nghiêm túc phán quyết mang tính ràng buộc của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới