Saturday, January 4, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnTây Ban Nha và các cuộc xâm lăng Việt Nam từ Philippines...

Tây Ban Nha và các cuộc xâm lăng Việt Nam từ Philippines trong các thế kỷ 16 và 19

Tài liệu nguyên thủy quan trọng nhất trong bài viết là nguyên văn biên bản các phiên họp quyết định về cuộc viễn chinh

Đề tài nêu trên được đề cập trong hai bài dịch dưới đây:

I. Cuộc Viễn Chinh Đầu Tiên Của Philippines tại Đông Dương vào năm 1596 và 1598 của một tác giả người Philippines, Carlos Quirino, F.R.G.S., đăng trên tạp chí Journal of Southeast Asian Histories, Vol. X., No. 3, December 1969.

II. Cuộc Viễn Chinh Của Tây Ban Nha tại Nam Kỳ trong liên minh quân sự với Pháp từ năm 1858 đến năm 1862, lược dịch theo tài liệu The Spanish Expedition to the Cochinchina, trên website: www.editorialbitacora.com/armagedon/cochinchina

I. Bài viết thứ nhất có nhan đề sai lạc (First Philippine Expedition To Indochina), vì khi đó, trong các năm 1595-1598, Philippines đã bị Tây Ban Nha chinh phục và trở thành một thuộc địa của Tây Ban Nha. Tuy có những người bản xứ Philippines hiện diện trong đoàn quân viễn chinh, nhưng mọi quyết định về cuộc viễn chinh đều nằm trong tay của các nhà cai trị Tây Ban Nha và hàng giáo phẩm người Tây Ban Nha của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo ở Manila, như được trình bày trong biên bản của các phiên họp. Vì thế, nhan đề đúng của bài viết phải là Các Cuộc Viễn Chinh Đầu Tiên Của Tây Ban Nha tại Đông Dương.

Tài liệu nguyên thủy quan trọng nhất trong bài viết là nguyên văn biên bản các phiên họp quyết định về cuộc viễn chinh, trong đó các điểm đáng lưu ý và một số nhận xét liên hệ như sau:
A. Nguyên nhân được nêu ra là để trợ giúp vị vua của Campuchia bị vua nước Xiêm (tức Thái Lan) lật đổ, nhưng lại đặt mục tiêu là tấn công Quốc Vương Chàm.
B. Nước Chàm đã bị suy sụp nặng nề sau các cuộc chiến tranh bình định của vua Lê Thánh Tông từ năm 1471, đã mất phần lớn lãnh thổ vào tay Việt Nam, đã từ bỏ kinh đô Chà Bàn và sau cùng chỉ còn thu nhỏ lại tại vùng Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.
C. Bài viết có đề cập rằng xứ Chàm đã từng liên lạc với Philippines trước khi người Tây Ban Nha đến chiếm và thực dân hóa các quần đảo Philippines từ năm 1521. Trong sử sách Việt Nam, có lẽ đã dùng danh từ Java để gộp chung người dân thuộc các đảo bao quanh Việt Nam, tức gồm cả Philippines ngày nay chứ không phải chỉ gồm Nam Dương và Mã Lai như vẫn thường được nói khi giải thích danh từ Java.
D. Trong sử sách Việt Nam có ghi chép các chi tiết như Chế Mân trước khi lấy Công Chúa Huyền Trân hồi đầu thế kỷ 14, đã có một người vợ từ Java. Sau khi Chế Mân chết đi và người con lớn là Chế Chí bị bắt giam lỏng tại Hà Nội vì có ý hối tiếc việc nhường hai châu Ô và châu Lý cho Việt Nam, người em Chế Chí là Chế Năng tiếp quyền cai trị nhưng cuối cùng cũng bị đánh bại bởi Phạm Ngũ Lão. Chế Năng chạy sang Java cầu cứu (1318). Không rõ danh từ Java trên đây có phải để chỉ Philippines hay không.
E. Sự liên hệ giữa người Chàm và Philippines chắc hẳn phải là một sự quan hệ lâu dài, rộng rãi và bền vững, vì đã có ít cuộc nghiên cứu cho thấy sự tương đồng chặt chẽ giữa ngôn ngữ Chàm và tiếng Tagalog, thổ ngữ chính của người bản xứ Philippines. Một số người Chàm cho hay họ có thể nói chuyện và thông hiểu được tiếng Tagalog của người Philippines. Nếu đúng như thế, đây cũng là một lĩnh vực cần được nghiên cứu sâu xa hơn.
F. Trong biên bản có đề cập đến việc khôi phục lại ngôi vua cho dòng hoàng tộc chính thống của người Chàm, nhưng thực ra nước Chàm khi đó đã rất suy yếu, và gần bị sáp nhập hoàn toànvào Việt Nam. Người Tây Ban Nha ở Manila khi đó đã không nêu rõ ai là kẻ thuộc dòng hoàng tộc chính thống của vương quốc Chàm, nhưng chúng ta có thể hiểu là họ có sắp sẵn ứng viên nào đó để dựng lên làm vua nước Chàm một khi họ thành công.
G. Khi tuyên bố muốn phục hồi ngai vàng cho vua Chàm, rõ ràng mục tiêu của cuộc viễn chinh của Tây Ban Nha chính là Việt Nam, dù rằng biên bản các phiên họp không hề nêu tên Viêt Nam. Việt Nam khi đó đã kiểm sóat hầu như gần hết lãnh thổ Chàm và đã mở rộng ít nhất là đến các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.
H. Việc trợ giúp Quốc Vương Campuchia chỉ là cái cớ mở đầu cho sự việc, và đến cuối biên bản, bị biến thành một mối nghi ngờ có sự gian dối.
I. Cuộc viễn chinh thứ nhất của Tây Ban Nha tại Đông Dương năm 1596 đã chỉ xảy ra tại Campuchia vì đoàn tàu viễn chinh bị mưa bão, thất lạc nhau. Chiếc sóai hạm chỉ huy trôi giạt tới tận Singapore và sau đó tuy có đặt chân đến vùng đất Đông Dương nhưng lại không hề giao chiến như đã dự dịnh. Có lẽ vì thế mà trong sử sách chính thức của Việt Nam như quyển Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã không có một chữ nào về sự kiện này. Chủ trì cuộc viễn chinh thứ nhất này là Thống Đốc của Tây Ban Nha tại Philippines, Don Luis Dasmarinas.
J. Cũng chính nhân vật Don Luis Dasmarinas này bảo trợ và tài trợ với tư cách cá nhân cho cuộc viễn chinh thứ nhì của Tây Ban Nha sang Việt Nam xảy ra hai năm sau, năm 1598. Lịch sử lại tái diễn và lần này đoàn tàu viễn chinh bị đi lạc đến tận Ma Cao và thành phố Quảng Châu. Vì thế sử sách Việt Nam cũng không thấy đề cập đến sự việc này.
K. Qua biên bản các phiên họp, chúng ta có một nhận thức rõ ràng về ảnh hưởng của các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo trên chính sách ngoại giao của Tây Ban Nha nói riêng, và có lẽ trên các nước Âu Châu theo Thiên Chúa Giáo thời bấy giờ nói chung.
L. Xứ Chàm độc lập đã hoàn toàn bị Việt Nam sáp nhập vào năm 1720; vị vua cuối cùng của Chàm chạy trốn sang Campuchia; một nhóm người Chàm di cư sang đảo Hải Nam.

II. Cuộc Viễn Chinh Của Tây Ban Nha tại Nam Kỳ Trong Liên Minh Quân Sự với Pháp từ năm 1858 đến năm 1862 được bổ sung để chúng ta có thêm dữ kiện cho trang sử quan hệ giữa Việt Nam – Tây Ban Nha.

 

I) CUỘC VIỄN CHINH ĐẦU TIÊN CỦA PHILIPPINES SANG ĐÔNG DƯƠNG

Carlos Quirino, F.R.G.S.

Philippines ngày nay có một tiểu đoàn quân sĩ tại Việt Nam, được biết nhiều hơn dưới tên Đoàn Công Tác Dân Sự Vụ Philippines (Philippines Civil Action Group) hay gọi tắt là PHILCAG, và một cuộc tranh luận đã phát sinh về việc hành động như thế có chính đáng hay không. Đây là cuộc viễn chinh thứ ba của Philippines sang Đông Dương. Cuộc viễn chinh thứ nhì được phái đi hồi năm 1858 [thực ra là thứ ba, xem phần II phía dưới, chú của người dịch], và cuộc viễn chinh thứ nhất xảy ra hồi cuối thế kỷ mười sáu.

Vài năm trước đây, Alain Burke Miailhe, lãnh sự danh dự tại Bordeaux, Pháp Quốc, có nhận được từ một nhà bán sách Anh Quốc một tập bản thảo trong đó có chứa biên bản của các quyết nghị của chính quyền Manila liên quan đến cuộc viễn chinh đầu tiên đến miền đó. Một bản phiên dịch sang Anh ngữ các biên bản lập bằng tiếng Tây Ban Nha được đưa ra, giúp chúng tôi thu thập được các động lực đã thúc đẩy các viên chức Manila can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia láng giềng.

Vào năm 1594, quốc vương Campuchia có gửi một sứ đoàn sang Philippines yêu cầu viện trợ quân sự, càng nhiều càng tốt bởi xứ sở của ông ta bị xâm lăng bởi vua nước Xiêm La. Quốc vương Praunkar Langara (Preah Sotha trong Sử Ký Biên Niên của Khmer) đã bị bắt buộc phải rời bỏ thủ đô Nam Vang không lâu sau đó và cùng gia đình tìm nơi ẩn náu tại nước láng giềng phía bắc tức vương quốc Lào. Sứ đoàn này gửi sang Manila được dẫn đầu bởi một người Tây Ban Nha tên là Blas Ruiz cùng với người bạn đồng hành, Diego Belloso, một kẻ phiêu lưu Bồ Đào Nha, kẻ trốn thóat khỏi những người Xiêm La đã bắt giữ ông ta, và đã đến Manila vài tháng sau đó trên một chiếc thuyền buồm mà ông ta đã cướp đọat được trên đường vượt tù.

“Tại Manila, Belloso, Blas Ruiz de Hernan Gonzales và hai bạn đồng hành của họ, tụ họp cùng nhau và đồng ý thuyết phục Thống Đốc Don Luis Dasmarinas hãy gửi một đoàn tàu viễn chinh sang Campuchia để cứu giúp Quốc Vương Langara, người đã về hưu sau khi xứ sở của ông ta bị cướp mất, rằng việc phục hồi ngôi vua cho ông ta có thể là một việc dễ dàng, nhân tiện cũng giúp cho người Tây Ban Nha đặt được một chân đứng tại lục địa, nơi mà họ có thể định cư và tự mình xây thành đắp lũy ở đó, từ đó mang lại nhiều lợi lộc và lợi thế,” theo lời tường thuật của phó thống đốc thuộc địa, Tiến Sĩ Antonio de Morga, trong tập sách nhan đề Sucesos de las Islas Filipinas được ấn hành tại Mexico năm 1609.

Bởi thế Belloso đã viết một văn thư chính thức để làm tài liệu gửi lên [thống đốc] Damasinas thỉnh cầu ít nhất 300 binh sĩ lão luyện Tây Ban Nha, được tháp tùng bởi vài trăm quân đồng minh người bản xứ có kinh nghiệm đáp một chiến thuyền cùng các thuyền phụ trợ cần thiết được phái đi để trợ giúp cho chúa tể Campuchia. Ngày 3 tháng Tám, 1595, Belloso được lệnh trình diện trước hội đồng hoàng gia trong một cuộc điều trần chính thức và [để] quyết định về lời thỉnh cầu của ông ta. Ruiz đã không hiện diện và vị trí của ông được thế chỗ bởi một người Tây Ban Nha khác, một người nào đó có tên là Gregorio de Vargas Machuca: không rõ có phải vì Ruiz mang tiếng xấu xa như một lính đánh thuê hay vì Vargas có vẻ là một nhà ngoại giao tốt hơn.

Dù sao chăng nữa, một sự thỏa thuận chính thức đã đạt được vào ngày hôm đó, và ngay trong tối sau đó [?], vào ngày 16 tháng Tám, hàng giáo phẩm Thiên Chúa Giáo của Manila đã được triệu tập bởi [toànquyền] Dasmarinas để phê chuẩn cuộc viễn chinh nhằm mục đích phục hồi ngai vàng cho vua Campuchia và để trừng phạt vị vua láng giềng nước Chàm (Champa) vì tội gây ra “con una guerra a fuego y sangre”, một thành ngữ màu mè có nghĩa “một cuộc chiến tranh lửa và máu”. Các tu sĩ dòng Đa Minh (Dominicans), đứng đầu bởi Fray Alonso Jimenez, đã thuyết phục các giáo sĩ đồng sự đưa ra một biện luận tôn giáo cho đề nghị của Dasmarinas. Thế nhưng, trong khi chính vua Xiêm La đã lật đổ ngai vàng của [vua Campuchia] Praunkar Langara, tại sao hàng giáo phẩm lại chấp thuận một cuộc chiến tranh chống lại vua Chàm (Champa)? Điểm này đã không được minh bạch trong biên bản. Cần nói thêm, Chàm đã là một xứ sở có những sự tiếp xúc với Philippines trước khi có Magellan tìm đến; [và] vào thời điểm đó, Chàm cũng đang gặp tình trạng xáo trộn, và đến giữa thế kỷ kế tiếp, bị chinh phục và sáp nhập bởi nước láng giềng phía bắc của nó, những người An Nam.

Biên bản của các phiên họp được ghi lại như sau:

Thuyền trưởng Diego Belloso, đại sứ của Quốc Vương Campuchia, trong một đơn thỉnh cầu mà tôi đã trình lên Ngài Các Hạ [Hoàng Đế Tây Ban Nha?, chú của người dịch] nhân danh vị quốc vương đã nêu trên, thỉnh nguyện các điều cần thiết cho sự trợ giúp mà ông ấy yêu cầu; và chiếu theo lệnh của Ngài, hầu để cho sự trợ giúp đó trở nên hữu hiệu và vị quốc vương nêu trên có thể phòng ngự vương quốc của mình và [chống lại] kẻ tiếm ngôi tàn bạo, các mục khỏan sau đây được cần tới:

Trước tiên, tất cả những người Tây Ban Nha mà Ngài có thể phái đi, chẳng hạn như các xạ thủ (bắn cung), các lính bắn súng hỏa mai, và các binh sĩ lão luyện, được vũ trang và có kỷ luật cao, với quân số không ít hơn 300 người;

Xin phái tất cả những người bản xứ đã từng tham gia các cuộc viễn chinh của Tây Ban Nha và có kinh nghiệm, để cùng nhau họ có thể trở nên hữu hiệu nhất;

Xin phái một tàu đáy bằng với các đoàn viên thủy thủ tình nguyện, được trang bị đầy đủ buồm lái và trọng pháo;

Xin cho chiến thuyền Nuestra Senora del Rosario, chiến thuyền nhỏ hơn có tên Santiago và các thuyền buồm cần thiết để chuyên chở các binh sĩ cùng tất cả các trọng pháo có thể được cấp;

Và xin tám chiến thuyền buồm và chèo tay, không chở người — tất cả các khỏan mục trên như tôi đã trình với Ngài, là lực lượng tối thiểu có thể đựoc phái đi như sự trợ giúp cho vị vua đã nêu trên [và] là kẻ sẽ tiếp nhận chúng với lòng biết ơn. Diego Belloso [ký tên, chú của người dịch]

Vào ngày 3 tháng Tám, 1595, vì thế, tôi đã ra lệnh – như được chứng giám bởi Ngài — cho Diego Belloso đến trình diện để kết thúc hiệp ước với Quốc Vương Campuchia và với tư cách sứ giả đại diện Quốc Vương đến để ưng thuận trong trường hợp sự trợ giúp như họ yêu cầu được cấp phát., Luis Perez Dasmasrinas [thống đốc ký tên, chú của người dịch], chứng thực đã ký tên trước mặt tôi, Esteban de Marquina {thư ký ký tên, chú của người dịch].

Tại thành phố Manila, trong ngày 3 tháng Tám năm 1595, trước mặt ông Don Luis Perez Dasmarinas, kỵ sĩ của Dòng Order of Alcantara và Thống Đốc ToànQuyền của lãnh địa này đại diện cho Hoàng Đế [Vua Philip II của nước Tây Ban Nha], có ra trình diện Thuyền Trưởng Diego Belloso và ông Gregorio de Vargas Machuca, các cư dân của thành phố này, là những người đã phát biểu với tư cách các sứ giả của Quốc Vương Campuchia rằng họ muốn yết kiến Ngài về các điều khỏan của một hiệp ước mà chính vì đó họ đã được phái đến như các đại sứ hầu thảo luận và ký kết trên những điều phải làm liên hệ đến viện trợ đã yêu cầu.

Điều được đề nghị, như có thể được xem xét bởi Ngài, là trong trường hợp sự trợ giúp yêu cầu được chấp thuận, Quốc Vương Campuchia sẽ tuyên thệ và hứa sẽ tôn trọng và thi hành các điều khỏan của bản hiệp ước, rằng chính Quốc Vương hay những vị kế ngôi không thể thay đổi hay chống lại các điều khỏan này bất kỳ ở thời điểm nào:

Trước tiên, chính Quốc Vương Campuchia, vợ, các con và người trong gia đình phải được rửa tội và tiếp nhận niềm tin và phúc âm của Jesus Christ, vị chúa trời và Thượng Đế chân chính của chúng ta, và phải cho phép tự do rao giảng phúc âm tại vương quốc của ông ta, và mọi sự thuận tiện và trợ giúp sẽ được cung cấp cho việc xây dựng các giáo đường cũng như cho các linh mục và các thừa sai sẽ rao giảng phúc âm; sau này, khi người Tây Ban Nha đến nơi, họ sẽ phải được cấp đất đai mà họ lựa chọn cho các mục đích thực dân hóa [định cư di dân, chú của người dịch] và xây thành đắp lũy; bởi vì những cơ sở này là để bảo vệ cho Quốc Vương [Campuchia, chú của người dịch] và tạo sự an ninh vững chắc hơn, Quốc Vương [Campuchia, chú của người dịch] và thần dân của ông phải cung cấp đất đai tức thời và phải chịu tốn phí cho lần đầu tiên;

Các binh sĩ, thuyền trưởng, cai đôi, và những nhân viên quân sự khác phải được trả lương cho đến khi họ đuợc cấp phát bằng khóan đất đai và các phụ cấp khác dành cho việc duy trì họ; và các khỏan trả như thế phải được thanh tóan đúng thời biểu bởi quân đội của Quốc Vương, cùng với các đồ tiếp tế sao cho trang trại của chúng tôi không bị rơi vào tình trạng thiếu thốn;

Trong những hạng mục thỉnh cầu với chúng tôi, chúng tôi sẽ có nghĩa vụ chỉ cung cấp sự trợ giúp trong những khỏan chính đáng và chỉ khi được cho phép bởi luật thánh của chúng tôi và sẽ không có cách nào khác.

Và chính vì đặc ân và sự trợ giúp này, Quốc Vương (vua Campuchia) phải tuyên thệ sẽ là một một người bạn vĩnh viễn và trung thành với Vị Chúa Tể Hoàng Đế Philip II và III cùng những người kế vị của các Hoàng Đế, mỗi khi và trong mọi lúc khi mà sự bảo vệ Ngài (Hoàng Đế) cần đến.

Và khi có các cuộc hành quân tấn công các vương quốc hay các phần đất lân cận, ông ấy [vua Campuchia, chú của người dịch] sẽ phải trợ giúp vào các cuộc viễn chinh đó bằng nhân lực, các thớt voi và thuyền bè trong số lượng mà ông có thể cung cấp được một cách tốt đẹp và thỏai mái, phù hợp với sức mạnh mà ông có, sao cho ông có thể làm được việc đó mà không bị căng qúa sức hay cảm thấy mình bị bó buộc; rằng trong những cuộc viễn chinh mà Quốc Vương Campuchia có thế muốn liên hiệp với người Tây Ban Nha, trong trường hợp chiến thắng, ông phải nhường lại các phần đất đai đã thu đọat được cho Hoàng Đế [Tây Ban Nha, chú của người dịch] để những phần đất đai này có thể được đặt vào trong vương triều như thể chúng sẽ tùy thuộc thẩm quyền tự do quyết định của Hoàng Đế (Tây Ban Nha, chú của người dịch], ngòai số chiến lợi phẩm và của cải tước đoạt được.

Trên tài sản thu đọat được từ những vùng đất, thành phố hay vương quốc như thế, những binh sĩ đã trợ giúp ông ta trong những cuộc viễn chinh đó sẽ được hưởng một phần ba nếu họ không được trả lương hay một phần tư nếu được trả lương.

Những người Tây Ban Nha tham dự vào những cuộc viễn chinh như thế sẽ phải chịu các mệnh lệnh từ thượng cấp và các lãnh đạo của họ sẽ được chỉ định, và sẽ bị trừng trị bởi các thượng cấp của họ trong trường hợp phạm tội; quốc kỳ của chúng tôi không được phép trương lên bởi bất kỳ người nào khác ngoại trừ người của chính chúng tôi, và không lá cờ, huy hiệu hay quân kỳ nào được hạ xuống ngoại trừ khi được chấp thuận đúng theo nghi thức hay theo thường lệ.

Quốc Vương Campuchia, con cái và những người kế ngôi của ông phải thề sẽ ngăn cấm, từ lúc có sự đặt chân của người Tây Ban Nha, sự rao giảng bất kỳ giáo lý nào khác với phúc âm của Jesus Christ, vị Chúa Trời của chúng tôi và cũng không được cho phép việc tuân theo bất kỳ giáo phái hay tôn giáo tà ngụy nào khác; hay sự rao giảng công khai theo đó, hay các nhà cửa được xây dựng cho chúng [các tôn giáo khác?, chú của người dịch], hay đối với những người và địa điểm công cộng được dành cho chúng; trong trường hợp không có người thừa kế ngai vàng và một người kế ngôi sẽ được chỉ định, ông ta [vua Campuchia, chú của người dịch] chỉ có thể làm như thế sau khi đã tham khảo với viên chức chỉ huy người Tây Ban Nha và hàng giáo phẩm cao cấp trong vương quốc ông ta, và ông không thể chỉ định hay để lại một người thừa kế vương quốc của ông không phải là một người theo đạo Thiên Chúa và là người phải tuyên thệ giữ đúng các điều khỏan của hiệp ước này; và trong trường hợp không có các thân nhân hay cá nhân, mà theo quyền hạn và lẽ công bằng, là những người thừa kế ngôi vua của vương quốc, và sẽ phải chỉ định một số người ngòai nào khác, khi đó vị Chúa Tể Hoàng Đế Philip II và người kế vị hợp thức của Hoàng Đế sẽ là nhân vật làm việc chỉ định đó.

Tám điều quy định trên đây đã được chuyển cho hai nhân vật đã nêu là Diego Belloso và Gregorio de Vargas, các đại sứ của Quốc Vương Campuchia đã nêu, để họ có thể xem xét và xác nhận chúng, và tuyên thệ nhân danh Quốc Vương Campuchia về sự thực thi và tuân hành trong thời kỳ trị vì của ông ta cũng như của những người thừa kế và kế ngôi của ông, với chế tài rằng nếu bất kỳ điều nào trong hiệp ước bị vi phạm, người Tây Ban Nha sẽ không có nghĩa vụ để trợ giúp họ, và sẽ giữ quyền tự do hành động những gì mà họ xem là tốt nhất.

Hai ông Diego Belloso và Gregorio de Vargas, đã xem xét tám quy định nêu trên và sau khi thương nghị, đã tuyên bố rằng Quốc Vương Campuchia sẽ chấp nhận và thi hành các điều khỏan, bởi vì những gì họ hay biết về vị Quốc Vương cho thấy ông ta mong muốn có tình hữu nghị với người Tây Ban Nha và muốn họ [người Tây Ban Nha, chú của người dịch] hiện diện tại vương quốc của ông, đặc biệt về những vấn đề mà họ [hai nhân vật Diego Belloso và Gregorio de Vargas, chú của người dịch] đã thảo luận chi tiết và họ chắc chắn rằng ông ta [vua Campuchia, chú của người dịch] hiện rất nóng lòng để ngóng tin về những gì đã xảy ra, ngoại trừ hai khía cạnh:

Một, không có cách nào để ép buộc được vợ và các con của ông ta theo đạo Thiên Chúa, bởi vì chắc chắn ông ấy sẽ theo đạo rồi, và

Hai, ông ta sẽ không có nghĩa vụ trả lương và tiếp tế cho các binh sĩ được gửi đến đó để trợ giúp ông ta, bởi vì mục đích này, Quốc Vương nêu trên sẽ nhường cho họ một trong những tỉnh giàu có nhất trong vương quốc của ông , nhờ đó, họ sẽ nhận được các khỏan hoa lợi tiến cống và bổng lộc dùng cho sự duy trì và thanh tóan tiền lương.

Trừ các ngoại lệ này, [và] các sự tuyên bố [trên] và đối với phần còn lại họ tự nguyện cam kết với tư cách các đại sứ của Quốc Vương Campuchia nêu trên là sẽ thi hành các điều khỏan nhân danh Quốc Vương [Campuchia] và hứa sẽ tuân thủ các quy định như thế, và rằng sẽ không bao giờ, ở bất kỳ thời điểm nào, vị Quốc Vương nêu trên và những người kế vị vi phạm hay chống lại các điều khỏan hay bất kỳ phần nào trong đó sẽ chịu hình phạt dành cho kẻ thất ước hay vi phạm tín ngưỡng và lòng trung thành đã được tuyên hứa trong những trường hợp long trọng như thế của sự việc có tầm quan trọng như thế. Một khi sự trợ giúp như thế đã được cấp phát, họ sẽ phải, về phần mình, tuân hành với mọi điều kiện và họ, với tư cách các đại sứ bằng tất cả quyền hạn và thiện chí của mình họ có thể ràng buộc được vị Quốc Vương nêu trên – và họ đã tuyên thệ nhân danh vị Quốc Vương về sự tuân hành như thế.

Trước Thượng Đế và trước huy hiệu của Thánh Giá và các Thánh trong kinh thánh, trong văn thức của luật pháp, họ đã ký tên mình, và tôi, thư ký, đã ký tên chứng nhận rằng họ đã tuyên hứa và tự nguyện ràng buộc sẽ là các thần dân ngoan đạo và trung thành với với Hoàng Thượng [Tây Ban Nha, chú của người dịch] của chúng ta. Diego Belloso và Gregorio [ký tên, chú của người dịch], chứng thực, Esteban de Marquina [thư ký ký tên, chú của người dịch] .

II

Tại Thành Phố Manila, Đảo Philippines, vào ngày 16 tháng Tám, 1595, tại nhà khách hoàng gia của ông Don Luis Perez Dasmarinas thuộc Dòng Alcantara, Thống Đốc và Chỉ Huy Trưởng lãnh địa này thuộc quyền Hoàng Đế [Tây Ban Nha, chú của người dịch], và Tiến Sĩ Antonio de Morga, cố vấn và Phó Thống Đốc dưới quyền Hoàng Thượng chúng ta, cùng hiện diện với Phó Giám Mục Don Juan de Vivero, cử nhân Francisco Gomez Arallano, trưởng lão Fray Alonso Jimenez, bề trên tỉnh hạt của dòng Saint Dominic, Fray Juan de San Pedro Martir of the Ascension thuộc dòng St Francis [?, nguyên văn: “Fray Juan de San Pedro Martir of the Ascension of the order of St. Francis “ không rõ nghĩa và có sự nhầm lẫn nơi đây, thực ra là hai người, tên Juan de Pedro Martir và Martin de la Ascencion, có phát biểu và ký tên phía dưới đây, chú của người dịch], Fray Lorenso de Leon, bề trên tu viện St. Augustin, Fray Diego de Sorralva, thầy giảng của dòng nêu trên, Linh Mục Raymundo de Prado, viện trưởng Hội Chúa Jesus (Society of Jesus), và Linh Mục Juan de Ribera của Hội nêu trên; và tất cả mọi người cùng hiện diện được triệu mời cho cùng mục đích như trong phiên họp thứ nhất nhóm họp vào ngày 13 cùng tháng năm này, để quyết định về hai vấn đề nêu ra — sự trợ giúp thỉnh cầu bởi Quốc Vương Campuchia, và cuộc viễn chính đáng và trừng phạt Quốc Vương Chàm tàn bạo. Họ đã quyết nghị rằng những gì cần phải làm sẽ được làm để phục vụ cho Thiên Chúa và Hoàng Đế chúng ta, và cho việc mở rộng và gia tăng đức tin Công Giáo thần thánh của chúng ta, trong cung cách này:

Phó Giám Mục Don Juan de Vivero phát biểu rằng phù hợp với những gì ông hiểu biết được về hai vấn đề này và những tin tức liên hệ rút ra từ tài liệu, ông thấy có vẻ chính đáng để thực hiện hai điểm đã đề nghị: nhằm trợ giúp Quốc Vương Campuchia như đã thỉnh cầu, và nhằm trừng phạt Quốc Vương Chàm.

Fray Alonso Jimenez, bề trên tỉnh hạt của dòng St. Dominic, phát biểu rằng về cuộc viễn chinh sang nước Chàm, có vẻ là một cuộc chiến chính đáng với các lý do chính đã được đưa ra, và rằng một cuộc chiến tranh lửa máu mà không cảnh cáo hay báo trước [đánh úp, đánh lén ?, chú của người dịch] tương tự như những biến cố xảy ra tại Malacca; và về sự trợ giúp cho Quốc Vương Campuchia, vâng, ông ta thì thân thiện, và có thể được thực hiện vì thiện chí và tình hữu nghị, nếu thành phố này (Manila) được bảo toàn trước tiên.

Fray Alonzo Munoz của dòng St. Francis phát biểu rằng xem ra đối với ông từ các tài liệu và sự kiện mà ông nhìn thấy và hiểu biết được, cuộc chiến tranh là chính đáng trong trường hợp này, và nó có thể đánh vào Quốc Vương Chàm cho đến khi các bất công được giải quyết thỏa đáng; và sẽ được bãi chiến khi các khu vực định cư dành cho người Tây Ban Nha được cấp phát và tôn giáo được giảng dậy. Về sự trợ giúp cho Campuchia, ông tin rằng đó là điều chính đáng để làm như thế.

Fray Lorenzo de Leon, bề trên dòng St. Augustin, phát biểu rằng với những lý do được đưa ra ông tin rằng cuộc chiến tranh chống lại Quốc Vương Chàm là chính đáng, và về Campuchia, sự trợ giúp thỉnh cầu rất thích đáng để cấp phát, sau khi an ninh cần thiết của nơi này được chu tòan.

Linh mục Raymundo de Prado, viện trưởng trường cao đẳng của Hội Chúa Jesus, phát biểu rằng đến mức độ sự trợ giúp được thỉnh cầu bởi Quốc Vương Campuchia, điều đó rất chính đáng và phải được cấp phát không có bất kỳ trở ngại nào cả; và về vấn đề nước Chàm, bởi có các khó khăn và lý do được nêu ra, ông không có quyết định nào trong lúc này.

Fray Juan de San Pedre Martir phát biểu rằng theo những điều khỏan trong bản hiệp ước mà ông đã xem xét, đối với ông xem ra cuộc mạo hiểm đánh nước Chàm có thể thực hiện được bởi có đủ sức mạnh quân sự cho cuộc chiến đó và cho sự trợ giúp Quốc Vương Campuchia; cuộc viễn chinh sang nước Chàm được ủng hộ bởi (chúng ta có) thẩm quyền thích đáng và vì thế có thể thực hiện được. Về phương cách theo đó nó phải thực hiện, đến mức độ mà vị Quốc Vương chính thống bị lật đổ quan tâm đến, ông bổ sung rằng chúng ta tốt hơn nên tiến hành một cách từ tốn.

Cử nhân Francisco Gomez Arellano phát biểu rằng theo những tài liệu mà ông xem xét và những đề nghị nghe thấy, sự trợ giúp cho Quốc Vương Campuchia là thích đáng, và rằng [chúng ta] có thẩm quyền để truất phế nhà cai tri bạo tàn tại nước Chàm để thanh thỏa các bất công và rằng đó là việc chính đáng và có thể thực hiện được.

Linh mục Juan de Ribera của Hội Chúa Jesus phát biểu rằng sự trợ giúp cho Campuchia là thích đáng, và về cuộc chiến chống lại nước Chàm là vì Quốc Vương [nước này] đã làm những điều sai lầm và chính phủ chúng ta có lý do chính đáng để phát động cuộc chiến tranh chống lại ông ta.

Fray Diego de Sorralva của dòng St. Augustin phát biểu rằng xem ra đối với ông cuộc chiến chống lại nước Chàm là chính đáng bởi vì vị vua chân chính của xứ sở đó đã bị lật đổ và tương tự như thế sự trợ giúp cho Campuchia là thích đáng.

Fray Martin de la Ascension phát biểu rằng xem ra đối với ông là [chúng ta] có thẩm quyền để giúp đỡ Quốc Vương Campuchia và để phát động cuộc chiến lửa máu đánh vào nước Chàm nhằm thanh thỏa những hành vi sai lầm đã thực hiện, nhưng bổ túc thêm rằng ông hoàng bị truất ngôi phải được phục vị và về việc điều tra xem liệu Quốc Vương Campuchia có phải là người cầm quyền chính thống hay không; bởi có những tin đồn trái ngược tại đây, điều cần làm là phải tìm cho đúng lẽ để xác định là liệu sự trợ giúp đưa ra có thích đáng hay chăng.

Tất cả đã nhất trí đồng ý rằng có một vị vua đích thực và chính thống và thừa kế của vương quốc Chàm, ông phải được phục ngôi và vì thế phải được trao trả lại lãnh thổ thừa kế của ông ta, dưới những điều kiện và các điều khỏan công chính có thể được thỏa thuận. Quốc Vương Campuchia cũng đã từng được tin là chúa tể của vương quốc của ông, và vì [cùng] mục đích này, đây là điểm cần làm sáng tỏ, bởi có những tin tức trái ngược trong thành phố này được đưa ra bởi các nhân chứng đáng tin cậy.

Tất cả đều đã ký tên – Phó Giám Mục Thành Phố Manila, Fray Alonso Jimenez, Fray Alonso Munoz, Fray Lorenzo de Leon, Fray Raymundo de Padro, Fray Juan de San Pedro Martir, Francisco Gomez Arellano, Fray Martin de la Ascension, Fray Diego de Sorralva, Linh mục Juan de Ribera [đồng ký tên, chú của người dịch], Chứng thực, [thư ký ký tên, chú của người dịch], Esteban de Marquina.

III

Các động lực thúc đẩy cuộc viễn chinh thứ nhất sang Đông Dương thì rõ ràng: 1. Để Thiên Chúa Giáo hóa quốc gia này; 2. Để biến Campuchia thành một nước chư hầu và gia tăng lãnh địa mới cho nước Tây Ban Nha; 3. Để tưởng thưởng rộng rãi những tân binh vì công tác của họ. Điều gì khiến cho các đồng minh bản xứ, các indios tức là người gốc Philippines (Filipinos) như họ được gọi khi đó, đi theo các chủ nhân của họ? Của cải tước đọat, có đầy rẫy, bởi bất kể có sự thỏa thuận rằng chỉ một phần ba sẽ được trao cho họ, nhưng luôn luôn có những cách để giấu kín một hay hai món nữ trang đáng giá. Ngẫu nhiên, một số người Nhật Bản tại Manila, có thể trước đây là wakos hay những kẻ phiêu lưu và hải tặc, đã gia nhập cuộc viễn chinh với cùng lý do nêu trên.

Biên bản đã không ghi nhận bất kỳ sự chống đối nào đối với kế họach, nhưng Morga [Phó Thống Đốc Philippines, chú của người dịch] trong tập Sucesos có ghi rằng “sự quyết tâm này đã không được phần còn lại của thành phố nhìn nhận như một bước chuyển động khôn ngoan, bởi vì đã có quá nhiều người dân bị trưng tập từ thành phố nêu trên, và rằng có sự nghi ngờ về sự thành công của cuộc viễn chinh.” Morga chính là đầu tàu của sự chống đối.

Dù thế, trong tháng Một năm 1596, lực lượng viễn chinh đã ra đi từ Manila. Kích thước của đoàn quân ít hơn phân nửa những gì thỉnh cầu. Một đoàn tàu nhỏ gặp bão tại biển Nam Hải và bị tách biệt nhau: hai chiếc thuyền buồm chở Ruiz và Belloso đến Nam Vang theo dòng sông Cửu Long, trong khi chiếc sóai thuyền chở Chỉ Huy Trưởng Juan Xerez Gallinato và phần lớn trong số 120 người Tây Ban Nha bị gió thổi đến vùng eo biển Malacca gần Singapore. Không chờ đợi sóai thuyền, Ruiz và Belloso với 50 người Tây Ban Nha cùng các đồng minh Philippines, Nhật Bản, dựa vào ưu thế của trọng pháo và súng hỏa mai, giao chiến với kẻ tiếm ngôi Anacaparan trong một lọat các cuộc đụng độ đưa đến sự tử trận của kẻ tiếm ngôi đó và trận cháy lớn tại một phần hoàng cung.

Khi tới nơi Gallinato nghe được những gì mà hai kẻ phiêu lưu đã làm, đã ra lệnh tịch thu tất cả chiến lợi phẩm của họ và quyết định trở về qua ngả Đông Kinh [vịnh Bắc Việt?, chú của người dịch], nơi mà cờ hoàng gia Tây Ban Nha và trọng pháo của chiếc thuyền chỉ huy – trên đó vị thống đốc tiền nhiệm, Gomez Perez Dasmarinas đã bị hạ sát năm 1593 – đã bị lấy mất bởi quân nổi lọan Trung Hoa. Sự từ bỏ dự án đột ngột của Gallinato đánh dấu sự kết thúc của cuộc viễn chinh. Hiển nhiên là ông ta không phải cùng một mẫu người cứng rắn như Hernan Cores và Francisco Pizarro.

Trong hai năm sau đó, Ruiz và Belloso tới lui trên lãnh thổ ngập trong lửa và kiếm, giao chiến với những kẻ phiêu lưu ngoại quốc khác bị lôi cuốn đến xứ sở chưa ổn định đó trong một nỗ lực đẫm máu để trở thành quyền lực đằng sau ngai vàng. Sự kháng cáo của họ về Manila, khiếu nại sự bỏ chạy của Gallinato và cho rằng Campuchia đã chín mùi cho sự chinh phục của Tây Ban Nha, đã khích lệ Don Luis Dasmarinas — người đã bị thay thế bởi Francisco Tello trong chức vụ Thống Đốc – tiến hành một cuộc viễn chinh khác, nhưng do chính ông ta đài thọ. Ông ta có được hai chiến thuyền cỡ trung, và một thuyền một buồm đáy bằng (galliot) với 200 người “tuyển mộ từ những người vô nghề nghiệp trên đường phố Manila,” như Morga đã mô tả một cách ngạo báng, và đã liều lĩnh rời Manila vào giữa tháng Bẩy năm 1598, lúc khởi đầu mùa mưa bão. Fray Diego Aduarte, sử gia lừng danh của dòng Dominican tại quần đảo [Philippines, chú của người dịch], khi đó ở tuổi đôi mươi, là một trong ba tu sĩ tháp tùng nhóm.

Gió mùa tây nam đã thổi họ giạt đến mỏm cực bắc của đảo Lữ Tống (Luzon) trong vùng Cagayan, và sau hết họ đã đáp lên đất liền tại thành phố Quảng Đông (Canton), rất xa về phía bắc địa điểm mà họ muốn đến. Trong nhiều tháng, Dasmarinas và đoàn quân của ông đi lang thang tại Ma Cao và thành phố Quảng Đông, cho đến khi Thống Đốc Tello phái cho họ một chiến thuyền cứu trợ và ra lênh quay về Manila nơi mà Don Luis [Damasrinas] bắt buộc phải cay đắng ngậm hờn.

Thuyền nhỏ một buồm đáy bằng (galliot) với 25 người Tây Ban Nha đã đến được Campuchia, và được khích lệ bởi sự cập bến của thuyền này cùng tin tức về việc Dasmarinas sắp đến, Ruiz và Belloso đã gây hấn với Ocuna Lacsamana, một người Mã lai phiêu lưu có một nhóm lính đánh thuê lớn hơn nhiều đến từ vùng Malacca gần đó và là kẻ có được sự ủng hộ của hoàng gia. [Mã Lai? chú của người dịch]. Hồi chung cuộc ra sao đã được Morga mô tả một cách xúc tích trong lời lẽ sau đây:
“Với một cuộc càn quét kinh khiếp duy nhất cả trên đất liền và vùng biển, ông ta (Lacsamana) đã tấn công người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Nhật Bản, và thấy họ bị phân hóa bất kể có một sự kháng cự nhỏ tung ra bởi một vài người trong họ, đã tàn sát hết, kể cả Diego Belloso và Blas Ruiz de Hernan Gonzales, và đã thiêu hủy hành dinh cùng chiến thuyền của họ.” Một số nhỏ người Philippines sống sót đã trốn thóat được và sau cùng hòa nhập vào dân chúng Campuchia.

Như thế đã kết thúc một cách bi thảm cuộc viễn chinh đầu tiên của Philippines tại vùng Đông Dương vào cuối thế kỷ mười sáu.

 

Ghi chú về thư tịch:

Ngoài quyển Sucesos của Morga đã được in lại bởi Rizai Centennial Commission tại Manila năm 1961, và hiện đang tiến hành một ấn bản khác của Hiệp Hội Hakluyt Society of London, được chú giải bởi Tiến Sĩ J-S. Cummins, những quyển sách dưới đây sẽ hữu ích trong một bài viết đào sâu hơn về những gì đã xảy ra tại Campuchia vào thời điểm đó:
1. Diego Aduarte, O. P., Historia de la Provincin del Santisimo Rosario, Manila, 1640.
2. Gabriel de San Antonio, O. P., Ralacion de los Sucesos del Reino de Cambodja, Valladolid 1604,. Một bản in lại theo lối dập ngược (offset) được ấn hành tại Madrid trong năm 1920 bởi nhà sưu tầm sách qúa cố Don Antonio Graino.
3. Xavier Dusmet de Arizcun, Dos Grandes Aventureros Espanoles del Siglo XVI, Madrid, 1927.

——

Nguồn: Journal of Southeast Asian Histories, Vol. X., No. 3, December 1969, các trang 491-500.

***

II) CUỘC VIỄN CHINH CỦA TÂY BAN NHA ĐÁNH NAM VIỆT NAM NĂM 1858

Sự hiện diện của Pháp tại Đông Nam Á chính thức bắt đầu vào ngày 28 tháng Năm 1787 [chỉ Hiệp ước Versailles, giữa Giám mục Bá Đa Lộc, nhân danh chúa Nguyễn Ánh ký với triều đình Pháp, chú của người dịch] với việc ký kết một hiệp ước theo đó Hoàng Đế An Nam cho phép người Pháp ra vào An Nam. Kể từ đó người Pháp đã vài lần can thiệp vào Nam Việt, phần lớn là vì liên quan đến công tác truyền giáo. Cùng với thời gian, các chế độ quân chủ của An Nam sau này đã ngược đãi các giáo sĩ truyền đạo và những người cải đạo theo Thiên Chúa giáo, phần lớn vì lo sợ sự can thiệp của ngoại quốc hơn là vì sự thù ghét đạo giáo. Để trả đũa những sự ngược đãi này, vào tháng Chín năm 1856, Pháp đã gửi một đoàn thuyền đến đó với nhiệm vụ trừng phạt.

Các giáo sĩ Tây Ban Nha khi đó cũng đã hiện diện tại Đế Quốc An Nam, và cũng bị ngược đãi. Trong số các giáo sĩ bị bắt giam, bị xử trảm vào ngày 10 tháng Bẩy năm 1857 có Giám Mục Jose Ma Diaz Sanjurjo, Khâm Sứ đại diện tòa thánh tại miền Trung Bắc Việt (Central Tonkin)

Các sự kiện này đã dẫn đến sự hợp tác Pháp-Tây Ban Nha trong một liên minh vũ trang can thiệp vào Việt Nam. Trong khi Tây Ban Nha có thể đã chỉ nhằm mục đích bảo vệ các giáo sĩ và duy trì uy tín của mình thì người Pháp đã kết hợp ý định trừng phạt này với tham vọng thiết lập một thuộc địa tại vùng châu thổ sông Cửu Long.

Vào ngày 1 tháng Mười Hai năm 1857, các họat động chính trị chỉ đạo hành động vũ trang tại khu vực Đông Nam Á đã chính thức đuợc triển khai. Vào ngày đó, Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp, bá tước Walewski, thông tin cho đại sứ Pháp tại Madrid, Hầu tước Turgot, rằng Đô Đốc Rigault de Genouilly có báo tin ông hay rằng Hoàng Đế Louis Napoléon III đã ra lệnh cho Lực Lượng Hải Quân Pháp tại biển Nam Hải (South China Sea) tức thời tiến vào bờ biển Việt Nam, với nhiệm vụ đòi hỏi Triều đình Huế phải chấp nhận thực hiện những biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn việc tái diễn những sự ngược đãi tôn giáo.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp Walewski cũng đã ra lệnh cho đại sứ Pháp, Hầu Tước Turgot, yêu cầu sự hợp tác của Chính Phủ Tây Ban Nha bằng cách tăng phái từ một đến hai ngàn binh sĩ từ Quân Đội Tây Ban Nha đang đồn trú tại Philippines. Lực lượng hỗn hợp này được đặt dưới quyền chỉ huy của một đô đốc người Pháp.

Chính phủ Tây Ban Nha đã chấp nhận lời yêu cầu này, mặc dù không rõ là có phải chính phủ Tây Ban Nha đã quên không nhấn mạnh đến các điều khỏan của sự hợp tác và các lợi lộc trong trường hợp có được hay không.

Lực lượng vũ trang hỗn hợp Pháp và Tây Ban Nha đã có mặt tại bờ biển An Nam vào ngày 31 tháng Tám năm 1858. Đoàn quân của Tây Ban Nha, theo tờ báo Gaceta de Madrid ngày 7 tháng Mười Một năm 1858, bao gồm:

BỘ CHỈ HUY:
– Một Đại Tá Bộ Binh, dưới lệnh của đô đốc [Pháp] .
– Một tư lệnh Bộ Binh, cũng chịu lệnh của đô đốc [Pháp].
– Một tư lênh bộ Tổng Tham Mưu
– Một tư lệnh Pháo Binh, trưởng ban vũ khí.
– Một phụ tá Thuyền Trưởng
– Hai phụ tá quân sự.

LỰC LƯỢNG VIỄN CHINH:

Tàu đáy bằng lớn:
– Một đại tá bộ binh, chỉ huy.
– Một tư lệnh, tham mưu trưởng lực lượng.
– Một đại úy pháo binh, phụ trách về vũ khí.
– Một Ủy Viên, đứng đầu bộ phận hành chính quân đội.
– Một phụ tá, bác sĩ, chỉ huy quân y.
– Hai tuyên úy tôn giáo cho bệnh viên.

Bộ binh:
– Trung Đoàn Fernando VII, số 3.
– Một Đại Đội Truy Kích thuộc Trung Đoàn Quốc Vương số 1.
– Một Đại Đội Truy Kích thuộc Trung Đoàn Reina, số 2.

Pháo binh:
– Một Bộ Phận Pháo di đông.
– Một Bộ Phận Pháo dã chiến.
– Một Bộ Phận phụ trách kho bãi [?].

Ngòai ra có một bộ phận Hành Chính và một bộ phận Quân Y cũng đã được phái đi trong cuộc viễn chinh.

Vị chỉ huy Lực Lượng Viễn Chinh Tây Ban Nha là Đại Tá Bernado Ruiz de Lanzarote.

Hải quân Tây Ban Nha đã góp mặt vào cuộc viễn chinh bằng tàu Elcano 110 mã lực, vũ trang 2 đại bác và 75 thủy thủ. Sau đó tàu Elcano đã được thay thế bằng một tàu chiến có trọng tải lớn hơn, chiếc Juan Jorge, với 360 mã lực, 6 đại bác và thủy thủ đoàn 165 người.

Mục tiêu trước mắt của liên minh quân sự là chiếm đóng thủ đô của An Nam, tức Huế, và liên minh đã đổ bộ lên cảng Đà Nẵng (Turana). Đoàn quân đã kiểm sóat được vịnh này nhưng không thể tiến quân đến Huế. Việc không thể đạt được mục tiêu đã định trước làm kế họach bị thay đổi, và một phần đoàn quân viễn chinh đã ở lại Đà Nẵng trong khi đoàn quân còn lại tiến đánh vùng Nam Kỳ bây giờ (Cochinchina).

Ngày 10 tháng Hai năm 1859 quân của liên minh khởi sự đánh Sàigòn và đến ngày 17 họ chiếm được thành phố, tịch thu 100 khẩu đại bác, một số lượng lớn đạn dược và thực phẩm đủ cung cấp cho 8,000 người trong một năm.

Ngày 9 tháng Mười năm 1859 Đề Đốc Page được cử thay thế đô đốc Rigault de Genouilly. Sự thay đổi này đã được thực hiện mà không có sự tham khảo trước với Chính Phủ Tây Ban Nha. Viên Tư Lệnh mới đã ra lệnh các binh sĩ Tây Ban Nha không có mặt ở Sàigòn quay trở về Philippines, và trong số người quay về lại Manila có Đại Tá Ruiz de Lanzarote.

Đề đốc Page đã đồn trú tại Sàigòn với lực lượng gồm 800 quân sĩ Pháp và 100 binh sĩ Tây Ban Nha dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Carlos Gitierrez Palanca và đã cầm cự trong sáu tháng cho đến khi có đoàn quân tăng cường của Pháp do Đô Đốc Charner gửi sang.

Ngày 23 tháng Ba năm 1862, đã có chiến thắng của liên minh tại tỉnh Vĩnh Long, ven sông Cửu Long, và triều đình Huế đã phải ký hiệp ước ngày 14 tháng Tư năm 1862 nhường cho Pháp những phần đất mà họ đã chiếm được. Tây Ban Nha đã không nhận được một lợi lộc nào cả, mặc dù đã đóng góp không nhỏ vào cuộc viễn chinh (*a). Với sự ký kết hiệp ước này, đoàn quân Tây Ban Nha đã quay về Philippines và sớm muốn quên đi hồi kết cuộc không mấy vinh quang cho cuộc viễn chinh của Tây Ban Nha tại An Nam.

Năm 1869, Carlos Guitierrez Palanca khi đó đã lên tới chức Thống Chế Lục Quân, đã viết lại một bài nhận định lịch sử về cuộc viễn chinh của Tây Ban Nha tại Cochinchina này. Quan điểm của các sử gia Tây Ban Nha cho rằng bất kể sự khổ nhọc của binh sĩ Tây Ban Nha, với “một nhóm nhỏ những kẻ can trường xa quê mẹ, ăn mặc thiếu thốn …. đã ở trên tuyến đầu và cầm chân được nhiều địch quân tại một xứ sở độc địa và thù nghịch “ nhưng Tây Ban Nha chỉ nhận được rất ít lợi lộc, “một điều có vẻ như một yếu tính thường trực trong lịch sử Tây Ban Nha.”
————

 Chú thích của người dịch:

Thực ra không phải là Tây Ban Nha hoàn toànkhông thu lượm được lợi lộc gì. Theo sử sách Việt Nam, ông Phan Thanh Giản đã khởi sự cuộc thương thảo một hòa ước với liên minh Pháp – Tây Ban Nha hôm 16 tháng 4 năm 1862, trên chiến thuyền Pháp mang tên Torbin . Đại diện bên Pháp là Đô Đốc Bonard và bên Tây Ban Nha là một người tên là Palanca (sau này lên chức Thống Chế trong quân đội Tây Ban Nha). Vào ngày 5 tháng Sáu, năm 1862, một hòa ước đã được ký kết giữa Việt Nam và liên minh Pháp – Tây Ban Nha trong đó bao gồm các điều khỏan chính yếu như sau:

1. Việt Nam đồng ý đưa ra các bảo đảm cho sự tự do và sự bảo vệ dành cho các giáo sĩ truyền đạo Thiên Chúa Giáo và cho các giáo dân Thiên Chúa Giáo bản xứ trên toànlãnh thổ, mà không có bất kỳ sự hạn chế nào .
2. Ba tỉnh miền đông (Biên Hòa, Gia Định, và Định Tường của Nam Kỳ cùng đảo Côn Sơn (Poulo Condore) được nhường lại cho Pháp. Một khỏan bồi thường chiến phí bốn triệu đô la (USD) sẽ được trả cho Pháp và Tây Ban Nha bằng các khỏan trả định kỳ hàng năm trong 10 năm .
3. Việt Nam đồng ý mở cửa hai hải cảng (Đà Nẵng và Quảng Yên) cho mậu dịch của Pháp và Tây Ban Nha và đưa ra một sự bảo đảm quyền tự do tiếp xúc trong giao dịch thương mại trên toànlãnh thổ. Việt Nam hứa hẹn sẽ tôn trọng việc thực thi một quan thuế biểu công bằng và thường lệ đối với các nhà mậu dịch Pháp và Tây Ban Nha là những người cũng được quyền quá giang Việt Nam để sang Campuchia.
4. Sau khi Hòa Ước này được ký kết, nếu Việt Nam lâm vào chiến tranh với một nước nào khác và bị thua trận, mọi điều khỏan hay các đặc nhượng phải có sự đồng ý của Pháp và Tây Ban Nha .
5. Pháp hiện chiếm đóng tỉnh Vĩnh Long nhưng đồng ý trao trả lại cho Việt Nam với điều kiện triều đình Việt Nam phải sử dụng thẩm quyền của mình để ngăn chặn các cuộc nổi dậy có vũ trang được lãnh đạo bởi các nhân vật Việt Nam.

Như thế, không thể nói là Tây Ban Nha không được hưởng “lợi lộc” gì từ các cuộc xâm lăng vào Việt Nam . Việc chia chác quyền lợi của Tây Ban Nha với Pháp ra sao, là một vấn đề khác mà chúng ta sẽ cần tìm hiểu thêm

RELATED ARTICLES

Tin mới