Trung Quốc là một mối đe dọa đối với hệ tư tưởng tự do
Có thể khó thuyết phục độc giả của tờ The Economist rằng họ nên lo lắng về mối đe dọa đối với ý thức hệ tự do xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc khi mà mối đe dọa sống còn đối với ý thức hệ đó, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, lại đến từ sự pha trộn độc hại của phân cực chính trị, rối loạn thể chế và chủ nghĩa dân túy đang hoành hành ở các nền dân chủ phương Tây. Thật vậy, không nhiều người sẽ phản bác lập luận rằng hệ tư tưởng tự do, theo nghĩa là một tập hợp các tư tưởng coi trọng quyền cá nhân, tự do và pháp quyền, sẽ khó lấy lại được ánh hào quang của mình trừ khi hệ thống chính trị thể hiện nó – nền dân chủ tự do – được phục hồi sau sự suy giảm hiện nay.
Tuy nhiên, nhấn mạnh mối đe dọa đối với hệ tư tưởng tự do xuất phát từ sự rối loạn chức năng của nền dân chủ tự do không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua sự nguy hiểm từ sự trỗi dậy của các chế độ độc tài đại diện cho các giá trị đối nghịch. Điều làm cho vị thế của tư tưởng tự do và dân chủ đặc biệt lâm vào nguy hiểm trong thời đại của chúng ta là sự kết hợp giữa phân rã nội bộ và những thách thức đến từ bên ngoài. Các thách thức bên ngoài chủ yếu đến từ các chế độ chuyên chế hùng mạnh, đang tích cực thách thức các giá trị của tư tưởng tự do và lợi ích của các nền dân chủ tự do.
Trong số các chế độ này, Trung Quốc, chứ không phải Nga, đặt ra mối đe dọa lâu dài nhất đối với hệ tư tưởng tự do. Không giống như Nga, một quốc gia dầu mỏ với nền kinh tế trì trệ, Trung Quốc đang sẵn sàng vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo đồng đô la nếu nó có thể duy trì được mức tăng trưởng cao vừa phải trong thập niên tới (Trung Quốc hiện đã là nền kinh tế lớn nhất thế giới xét về sức mua). Chừng nào Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền tiếp tục mang lại hiệu quả kinh tế mạnh mẽ trong khi duy trì sự cai trị độc đảng, thì mối đe dọa của Trung Quốc đối với hệ tư tưởng tự do sẽ vẫn mang tính chất đa chiều.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc trong bốn thập niên qua dưới cái được coi là một chế độ độc tài có năng lực đã làm suy yếu quan niệm lâu nay cho rằng chỉ có các nền dân chủ tự do mới có khả năng mang lại không chỉ tự do mà còn sự phát triển kinh tế vượt trội và bền vững. Chắc chắn là hồ sơ cai trị của Đảng từ năm 1949 đến nay là một sự pha trộn. Mức độ thực sự của các thành tựu kinh tế của nó từ năm 1979 vẫn là chủ đề được tranh luận sôi nổi giữa các chuyên gia – ví dụ, làm cách nào để có thể tính toán được hết các phí tổn vì suy thoái môi trường thảm khốc, kế hoạch gia đình triệt để và sự bất bình đẳng thu nhập tăng cao của Trung Quốc? Tuy nhiên, đối với những người bên ngoài ít thông tin, đặc biệt là những người thất vọng với cơ sở hạ tầng ngày một xuống cấp, tăng trưởng trì trệ và chính trị bản sắc mang tính hủy hoại của các nền dân chủ tiên tiến, sức hấp dẫn của chế độ một đảng hiệu quả đơn giản là không thể cưỡng lại được.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đe dọa một hệ thống toàn cầu khác hiện thân cho tư tưởng tự do: một chế độ thương mại thế giới được xây dựng trên nguyên tắc mở và có đi có lại. Trung Quốc là nước hưởng lợi lớn nhất từ quá trình toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không thể diễn ra nếu Trung Quốc không tiếp cận được các thị trường toàn cầu một cách hầu như không giới hạn (tổng xuất khẩu hàng hóa tăng từ 9,7 tỷ USD năm 1978 lên 2.270 tỷ USD năm 2017). Nhưng các thực tiễn thương mại và tư duy tư bản nhà nước của nước này đang gây nguy hiểm cho chế độ thương mại toàn cầu cũng như sự ủng hộ đối với thương mại tự do.
Trung Quốc bảo vệ thị trường trong nước rộng lớn và phát triển nhanh chóng của mình trong khi hưởng quyền tiếp cận gần như không bị cản trở đối với thị trường các đối tác thương mại của mình. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được độc quyền một số ngành sinh lợi bậc nhất ở Trung Quốc, như ngân hàng, dịch vụ tài chính, viễn thông, năng lượng và giao thông vận tải. Trợ cấp nhà nước cho phép các DNNN không hiệu quả vẫn tồn tại và, trong trường hợp ngành thép, thị trường toàn cầu bị ngập lụt bởi sản lượng dư thừa của Trung Quốc. Sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với Internet cũng đã ngăn cản các công ty công nghệ phương Tây thâm nhập thị trường Trung Quốc.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đặt ra một mối đe dọa thậm chí còn mạnh hơn đối với trật tự kinh tế tự do toàn cầu được đặt trên nền tảng là các tổ chức tài chính quốc tế do phương Tây dẫn dắt như Ngân hàng Thế giới. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện một chiến lược dài hạn để thách thức trật tự này. Nước này đã thành lập hai tổ chức đối thủ tiềm tàng của Ngân hàng Thế giới: Ngân hàng Phát triển mới và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á. Nếu thành hiện thực, Sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc, được tài trợ bằng các khoản vay từ Trung Quốc, sẽ tăng cường đáng kể ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh trong khi có thể khiến nhiều nước ngập trong nợ nần.
Cuối cùng, sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức trật tự an ninh toàn cầu được hậu thuẫn bởi sự tuân thủ luật pháp quốc tế và sự thống trị quân sự của Mỹ. Khu vực Đông Á đã cảm nhận được tác động tức thời nhất của mối đe dọa này. Khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc tiếp tục phát triển, nước này đã bắt đầu khoa trương cơ bắp và thách thức luật pháp quốc tế. Các ví dụ điển hình nhất là việc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở các vùng tranh chấp thuộc Biển Đông và sự bác bỏ hoàn toàn một phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay hồi tháng 7 năm 2016 rằng các yêu sách biển của Trung Quốc không có cơ sở luật pháp quốc tế nào.
Hành động gần đây của Trung Quốc ở Đông Á như thiết lập một “Khu vực nhận diện phòng không” ở Biển Hoa Đông, bắt nạt Hàn Quốc sau khi nước này đồng ý triển khai một hệ thống phỏng thủ tên lửa của Mỹ, gây áp lực ngoại giao không ngừng lên Đài Loan và hỗ trợ cho các chế độ phi tự do ở Campuchia, Thái Lan và Malaysia (ít nhất là trước cuộc bầu cử gần đây), rõ ràng cho thấy Trung Quốc không chỉ ỷ mạnh hiếp yếu mà còn coi Đông Á là một khu vực ảnh hưởng chính đáng của mình. May mắn thay, ưu thế và sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á, ít nhất là vào lúc này, đã hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc giành lại quyền bá chủ khu vực, chưa nói tới việc mở rộng quyền lực quân sự ra ngoài khu vực. Tuy nhiên, chúng ta không nên ảo tưởng về sự tự kiềm chế của Trung Quốc nếu năng lực quân sự của Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc có thể công khai thách thức luật pháp, các thỏa thuận và chuẩn mực quốc tế ngay cả trước khi trở thành bá chủ toàn cầu, thì điều gì có thể ngăn Trung Quốc khỏi hành xử như một siêu cường “bất hảo”, giống như Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, một khi sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt mặt Hoa Kỳ?
Không phải Trung Quốc mà chính phương Tây mới là vấn đề
Nếu ý thức hệ tự do bị chết (và tôi hết sức hy vọng rằng điều này không xảy ra), đó sẽ không phải là kết quả của một vụ giết người mà là kết quả của một vụ tự tử.
Các hệ tư tưởng tồn tại và mất đi trên cơ sở hiệu quả của chúng, chứ không phải dựa trên vẻ đẹp trừu tượng đến từ các ý tưởng của chúng. Khi Liên Xô vượt mặt Mỹ một giai đoạn ngắn ngủi (ví dụ như vào thời điểm phóng vệ tinh Sputnik), nước này đã gây ra một sự sợ hãi. Mọi người lo sợ rằng các nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung có thể vượt trội hơn các thị trường tự do. Khi Liên Xô sụp đổ và qua đời, nó mang vào hầm mộ của mình hệ tư tưởng của các nền kinh tế nhà nước. Ý thức hệ thị trường tự do đã chiến thắng vào thời điểm đó. Đây là lý do tại sao Trung Quốc đã nhiệt tình đón nhận thị trường tự do. Đất nước đã mang lại sự cải thiện lớn nhất về phúc lợi cho con người mà lịch sử thế giới từng chứng kiến, đưa hơn 850 triệu người thoát khỏi tình trạng nghèo đói cùng cực.
Tương tự, ngôi sao hệ tư tưởng tự do đã tỏa sáng rực rỡ nhất khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc. Francis Fukuyama đã chứng minh rất rõ cho tinh thần của thời điểm đó bằng bài luận “Sự cáo chung của lịch sử”. Như ông đã nói, “Những gì chúng ta đang chứng kiến không chỉ là sự cáo chung của Chiến tranh Lạnh, hay sự trôi qua của một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử sau Thế Chiến II, mà còn là sự cáo chung của lịch sử theo nghĩa rằng đó là điểm kết thúc trong cuộc tiến hóa tư tưởng của loài người và sự phổ quát hóa của dân chủ tự do phương Tây với tư cách là thể thức cuối cùng của sự cai trị con người.” Thật không ngạc nhiên khi ông nói điều này. Điều gây sốc là việc bài viết của ông đã được đón nhận một cách nhiệt tình không chút phản biện bởi các bộ óc hàng đầu ở Mỹ và châu Âu. Như tôi đã viết một cách tàn nhẫn trong cuốn sách “Has the West Lost It?”, bài luận này gây ra những tổn hại về nhận thức to lớn đối với phương Tây.
Nếu hệ tư tưởng tự do chết đi, các sử gia tương lai sẽ truy dấu vết từ bài luận của Fukuyama. Nó tạo ra một văn hóa tự mãn ở phương Tây vào những năm 1990 tại chính thời điểm lịch sử khi mà Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu thức dậy. Và tại sao sự thức dậy của hai nước này lại rất đáng kể? Trong nhiều thế kỷ cho đến năm 1820, Trung Quốc và Ấn Độ là những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau đó họ đã suy thoái nặng nề. Việc họ thức dậy một lần nữa là điều không thể tránh khỏi. Và họ tỉnh dậy đúng vào lúc phương Tây quyết định đi ngủ.
Sai lầm nghiêm trọng của phương Tây vào thời điểm này là tin rằng dân chủ tự do và thị trường tự do là một thỏa thuận trọn gói phải đi cùng nhau. Không phải vậy. Điều thú vị là hiệu quả tương phản của Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm 1980 đã chứng minh rõ cho điều này. Trung Quốc vẫn là một hệ thống chính trị khép kín nhưng nền kinh tế của nó đã cất cánh sau khi Đặng Tiểu Bình loại bỏ một số rào cản đến từ sự kiểm soát của nhà nước. Ấn Độ có một hệ thống chính trị mở nhưng nền kinh tế lại kém hiệu quả (dẫn đến khủng hoảng tài chính Ấn Độ năm 1991) do sự can thiệp quá mức của nhà nước. Nền kinh tế Ấn Độ chỉ cất cánh vào những năm 1990 khi Manmohan Singh cũng loại bỏ một số xiềng xích do nhà nước đặt ra.
Từ những năm 1950 đến thập niên 1980, ngôi sao tư tưởng tự do đã chiếu sáng rực rỡ trong mắt của phần còn lại của thế giới bởi vì trong suốt thời gian đó, cả Mỹ và châu Âu rõ ràng đã vượt trội hơn phần còn lại của thế giới trong việc tạo ra các xã hội công bằng và trật tự. Không có xã hội nào khác trên Trái Đất có thể tạo ra cho người dân của mình chất lượng sống mà cả Mỹ và Châu Âu mang lại cho người dân của mình. Sống ở Singapore vào thời điểm đó (Singapore có mức thu nhập bình quân đầu người bằng Ghana vào năm 1965), tôi nhớ đã rất ghen tị với chất lượng sống ở Mỹ và các nước châu Âu.
Tôi không còn phải cảm thấy như vậy nữa. Chuyện gì đã xảy ra? Cả Mỹ và châu Âu đã không chăm sóc được cho người dân của mình trong những thập niên gần đây. Thật sốc khi thu nhập trung bình của công nhân Mỹ đã bị trì trệ. Từ năm 1979 đến năm 2013, tiền lương theo giờ trung bình chỉ tăng 6%, tức tăng dưới 0,2% mỗi năm (63% hộ gia đình người Mỹ không có đủ tiền tiết kiệm để chi trả $500 cho trường hợp khẩn cấp). Ở châu Âu, một số nền kinh tế lớn, bao gồm Pháp, Ý và Tây Ban Nha, không thể thoát khỏi tình trạng thất nghiệp dai dẳng trong những bộ phận lớn của xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Các cuộc khảo sát khác nhau cho thấy những người trẻ ở Trung Quốc và Ấn Độ lạc quan hơn so với thanh niên châu Âu.
Hành động tự tử đầu tiên của các nền dân chủ tự do là tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo dân túy như Donald Trump và sự hình thành các chính phủ dân túy ở các nước như Ý. Hơn bất kỳ lý do nào khác, đây chính là nguyên nhân tại sao ngôi sao tư tưởng tự do đang mất đi ánh hào quang của mình. Vâng, không phải tất cả các nước châu Âu đều kém hiệu quả. Các quốc gia Bắc Âu giúp duy trì hy vọng. Nhưng các xã hội lớn ở Châu Âu đang gặp khó khăn. Năm ngoái, Angela Merkel suýt nữa thất cử. Theresa May đang vật lộn với Brexit. Hầu hết mọi người ở bên ngoài đều tự hỏi làm thế nào những người duy lý như người Anh lại có thể chấp nhận “tự sát” bằng cách rút khỏi Liên minh châu Âu? Câu hỏi rõ ràng mà các sự kiện như vậy nêu ra là: các nền dân chủ tự do có thể hiệu quả không?
Nhưng Trung Quốc không thể giết chết ý thức hệ tự do. Họ cũng không muốn làm như vậy. Các nhà lãnh đạo khôn ngoan của Trung Quốc biết rằng trong một thế giới toàn cầu hóa nhỏ bé, sức khỏe của nền kinh tế Mỹ và châu Âu liên quan đến sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Không giống như phương Tây, Trung Quốc không có động lực nào để xuất khẩu ý thức hệ của mình ra thế giới. Trung Quốc đã khôn ngoan tin rằng những gì hiệu quả ở Trung Quốc có thể không hiệu quả ở phương Tây hay những nơi khác như Ấn Độ hay Indonesia, hai nước châu Á vốn đều là các nền dân chủ sống động.
Phương Tây do đó đang tạo ra một sai lầm chiến lược lớn nếu cảm nhận Trung Quốc như là một mối đe dọa đối với hệ tư tưởng tự do. Khi làm như vậy, phương Tây chỉ tìm kiếm một vật tế thần để tránh nhìn vào những vết thương tự mình gây ra. Câu hỏi quan trọng mà các bộ óc phương Tây cần đặt ra là một câu hỏi đơn giản: làm thế nào mà sự hiệu quả tương đối vượt trội của các xã hội phương Tây trong nửa sau của thế kỷ 20 lại bị thay thế bởi sự kém hiệu quả trong thế kỷ 21? Câu trả lời sẽ không đến từ việc nhìn vào Trung Quốc. Nó đến từ việc phương Tây tự soi mình trong gương.