Kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử (26/12/2012), Nhật Bản đã tích cực thể hiện vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, góp phần thúc đẩy các nước hành xử thượng tôn pháp luật và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên pháp luật.
Tàu chiến Fuyuzuki của Nhật Bản tham gia tập trận chung trên Biển Đông với Mỹ
Nhật Bản có nhiều tuyên bố, hành động thể hiện thái độ cứng rắn, phản đối các hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc liên quan Biển Đông và cam kết đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực
Quan chức, Chính phủ Nhật Bản liên tục đưa ra các tuyên bố liên quan vấn đề Biển Đông: Phát biểu trong chuyến thăm Indonesia, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe (15/1/2017) khẳng định tầm quan trọng của luật pháp và nguyên tắc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông, nhấn mạnh hợp tác hàng hải là ưu tiên hàng đầu của Tokyo trong giai đoạn hiện nay. Trước đó, ông Abe từng nhiều lần đưa ra các tuyên bố thể hiện sự ủng hộ đối với việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng. Trong khi đó, ông Kentaro Sonoura, cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định trật tự trên biển tự do và rộng mở trên tinh thần thượng tôn pháp luật là nền tảng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh của cộng đồng quốc tế. Việc duy trì và tăng cường trật tự trên biển sẽ mang lại ổn định và thịnh vượng cho các nước trong khu vực. Chính vì vậy, Nhật Bản đưa ra “Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm phổ biến và định hình các giá trị cơ bản như thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải; tăng cường tính kết nối thông qua việc hoàn thiện “cơ sở hạ tầng chất lượng cao” như cảng biển, đường bộ… cũng như hoàn thiện môi trường kinh doanh để đạt sự thịnh vượng kinh tế; duy trì hòa bình và ổn định thông qua hỗ trợ nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và phòng chống thảm họa… Ngoại trưởng Nhật Bản Kono Taro (15/5/2018) công bố sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản năm 2018, trong đó cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục dùng tàu thuyền xâm nhập trái phép vào khu vực Biển Đông và Hoa Đông là hành vi thay đổi hiện trạng mang tính đơn phương của Trung Quốc, gây ảnh hưởng tới an ninh khu vực Biển Đông và Hoa Đông. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhiều lần khẳng định Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động đơn phương hòng thay đổi hiện trạng trên biển (biển Đông, biển Hoa Đông), đi ngược luật pháp quốc tế; đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp chủ quyền biển đảo bằng biện pháp hòa bình, chấm dứt các hành động khiêu khích trên biển Đông, biển Hoa Đông như quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa, cử máy bay, tàu ngầm, tàu nổi tới gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Chính phủ Nhật Bản đã triển khai nhiều hành động thực tế khẳng định sự quan tâm đến vấn đề Biển Đông: Chính phủ Nhật Bản nhiều lần điều tàu chiến tham gia phối hợp tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng. Nhật Bản cũng có các chính sách hỗ trợ các nước trong khu vực (Philippines, Việt Nam…) trong việc tăng cường năng lực cho lực lường tuần tra, giám sát và bảo vệ bờ biển, bao gồm hỗ trợ các tàu tuần tra và máy bay để duy trì an ninh hàng hải ở Biển Đông. Đối với Philippines, Nhật Bản đã cung cấp cho Manila 8 tàu tuần tra đa năng, các tàu trên đều dài 44m, được trang bị camera nhìn xuyên đêm, thiết bị định hướng bằng tín hiệu vô tuyến, có tốc độ trung bình 46km/h và tầm hoạt động 1.500 hải lý; chuyển giao cho Philippines 3 máy bay do thám TC90 đã qua sử dụng nhằm tăng cường năng lực cho lực lượng hải quân, sẵn sàng ứng phó với các thách thức và mối đe dọa trên biển ngày một gia tăng, như nạn cướp biển, lực lượng nổi dậy có vũ trang ở vùng biển Sulu và nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia khác như buôn bán ma túy, buôn lậu, khai thác trái phép nguồn thủy hải sản. Đối với Malaysia, Nhật Bản viện trợ cho Malaysia 02 tàu tuần tra cỡ lớn cũ (dài 90m). Đối với Việt Nam, Nhật Bản cam kết viện trợ 13 tàu tuần tra cho Việt Nam. Trong đó có tàu Hayato dài 56 m, rộng 9 m, vận tốc tối đa 11,5 hải lý/h, tàu được trang bị nhiều thiết bị hiện đại như la bàn điện, chân vịt mũi giúp tàu có thể quay 360 độ, hệ thống radar, thông tin liên lạc toàn cầu, máy đo độ sâu và có khả năng hoạt động liên tục trên biển 2 tháng. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự cho một số nước trong khu vực.
Đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách của Nhật Bản:
Chính phủ Nhật Bản cho rằng tự do hàng hải là quyền cơ bản khi các tàu thuyền được qua lại vô hại ở những vùng biển theo quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhật Bản không thay đổi quan điểm, chính sách trong việc đảm bảo tàu thuyền được quyền qua lại vô hại, không bị ngăn cản, kiểm soát ở Biển Đông; kiên quyết phản đối các hoạt động đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; phản đối các nước sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để kiểm soát hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông; kêu gọi các nước liên quan, nhất là Trung Quốc cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình như đàm phán ngoại giao, hòa giải với sự trợ giúp của bên thứ ba hoặc trọng tài quốc tế.
Nhật Bản đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thể hiện quyết tâm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông: Chính phủ Nhật Bản đưa ra nhiều tuyên bố chính trị ủng hộ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và phản đối các hoạt động đơn phương đe dọa ổn định, hòa bình trong khu vực. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (20/03/2017) tuyên bố Nhật Bản ủng hộ một “trật tự hàng hải tự do và mở rộng” tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính phủ Nhật Bản (21/3/2017) công bố Báo cáo thường niên về hỗ trợ nước ngoài, trong đó nhấn mạnh cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ năng lực giám sát của các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm hỗ trợ các tàu tuần tra, để duy trì an ninh hàng hải của các tuyến đường hàng hải cốt yếu ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nhật Bản cũng đã triển khai nhiều hoạt động tuần tra, tập trận trong khu vực nhằm đảm bảo hoạt động giao thông hàng hải trên Biển Đông không bị gián đoạn. Cử máy bay P-3C tuần tra, phòng chống cướp biển trên Biển Đông, cử tàu sân bay Izumo tuần tra Biển Đông và bảo vệ các tuyến đường hải hải ở Biển Đông, đảm bảo an ninh, giao thông hàng hải của Nhật Bản không bị ảnh hưởng trước các mối đe dọa từ tàu ngầm của TQ. Ngoài ra, Nhật Bản đã triển khai nhiều chính sách viện trợ trang thiết bị quân sự (máy bay tuần tra, tàu tuần tra…), hỗ trợ đào tạo cho một số nước trong khu vực như Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia… nhằm phục vụ các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Việc Nhật Bản triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông còn gặp nhiều khó khăn và phụ thuộc vào diễn biến tình hình Biển Đông, cụ thể: Thứ nhất, xu hướng phát triển về tranh chấp ở Biển Đông và các hành động phi pháp của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động quân sự hóa và kiểm soát hoạt động giao thông hàng hải ở Biển Đông. Thứ hai, chính sách “tái cân bằng” của Mỹ và quan hệ của Nhật Bản và một số nước tồn tại tranh chấp ở Biển Đông. Thứ ba, vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao của Nhật Bản so với một số nước (Mỹ và TQ) còn hạn chế, do vậy Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong nỗ lực tăng cường ảnh hưởng đối với khu vực về các vấn đề an ninh cũng như vấn đề Biển Đông; Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc có thể lợi dụng “yếu tố lịch sử” (Nhật Bản đã từng xâm chiếm một số nước ASEAN) để chia rẽ, gây mất đoàn kết trong quan hệ giữa Nhật Bản và một số nước ASEAN. Ngoài ra, việc triển khai Luật An ninh mới còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời gian tới Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng can thiệp vấn đề Biển Đông để kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc, bảo vệ tự do và an toàn đi lại ở khu vực.
Nhìn chung dư luận ủng hộ các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc đảm bảo an ninh và tự do hàng hải ở Biển Đông
Chính giới, chuyên gia, học giả và người dân Nhật Bản đa phần ủng hộ các chủ trương, chính sách và biện pháp mà Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành trong thời gian qua; cho rằng các biện pháp trên đã góp phần nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của Nhật Bản; đảm bảo tuyến đường giao thông hàng hải không bị ảnh hưởng; ngăn chặn Trung Quốc mở rộng xây dựng phi pháp đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông; góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Nhiều chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản đã khuyến nghị, đề xuất các biện pháp thiết thực để giám sát, quản lý tình hình an ninh hàng hải ở Biển Đông, như Giáo sư Sato Koichi (Đại học Oberlin Tokyo) đề xuất xây dựng cơ chế hợp tác an ninh hàng hải giữa Nhật Bản-ASEAN; Xây dựng trung tâm chia sẻ thông tin an ninh hàng hải tại Biển Đông dưới sự hợp tác của nhiều lực lượng liên quan của các nước như hải quân, lực lượng bảo vệ bờ biển và ngư dân; Xây dựng cơ chế giám sát, phòng chống sự cố an ninh hàng hải, bao gồm cả các xung đột nhỏ.
Dư luận cộng đồng quốc tế nhìn chung đánh giá cao chủ trương, chính sách của Nhật Bản ở Biển Đông, cho rằng Tokyo tăng cường can thiệp vào vấn đề Biển Đông là muốn: Thứ nhất, đảm bảo tự do hàng hải, ổn định khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Thứ hai, Nhật Bản muốn hình thành một “mặt trận thống nhất” với một số nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông để buộc Bắc Kinh giảm bớt các hành động cứng rắn ở Biển Đông và Hoa Đông. Thứ ba, hỗ trợ cho chính sách của Mỹ đối với Biển Đông với tư cách là đồng minh và cũng là quốc gia có lợi ích rất lớn ở Biển Đông. Thứ tư, tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á và nâng cao ảnh hưởng, vị thế của Nhật Bản trong khu vực cũng như trên thế giới. Ông Jonathan Spangler, Giám đốc Viện nghiên cứu Biển Đông Think Tank có trụ sở ở Đài Loan nhận định: “Giống Trung Quốc và Mỹ, Nhật Bản đang tìm cách củng cố vai trò của một nước lãnh đạo trong khu vực. Một phần của nỗ lực này bao gồm việc chứng tỏ rằng họ có khả năng và sự can đảm để hoạt động ở các khu vực ở xa biên giới của họ”. Giáo sư Carl Thayer cho rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng mở rộng vai trò, ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương khiến Nhật Bản phải gia tăng các hoạt động ở Biển Đông để kiềm chế, gây sức ép buộc Trung Quốc giảm bơt các hoạt động khiêu khích ở biển Hoa Đông. Ông Andrew Yang, Tổng thư ký của trung tâm Nghiên cứu Chính sách Cao cấp của Trung Quốc ở Đài Loan cho biết “Nhật Bản liên tục tích cực chủ động hỗ trợ các nước ASEAN trong việc tiến hành các cuộc tuần tra trong khu vực, đồng thời phái tàu chiến đến các nước ASEAN, rất phù hợp với sự tập trung của họ đối với các quy tắc dựa trên luật pháp”. Tiến sĩ Andrew Shaerer, cựu cố vấn an ninh quốc gia của trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng, Nhật Bản đang thực hiện một “nước cờ” an ninh cứng rắn dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. “Biển Đông là một tuyến đường thủy quốc tế rất quan trọng không chỉ với Nhật Bản, mà còn nhiều nước trong khu vực. Dù không có tranh chấp tại vùng biển này, nhưng Tokyo cũng cần thể hiện là một cường quốc có trách nhiệm trong khu vực trong bối cảnh Mỹ chưa có nhiều động thái rõ ràng tại đây. Đây sẽ là bàn đạp giúp Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.
Trái ngược với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc luốn có thái độ, phát ngôn (chính thống và phi chính thống) “chỉ trích” các hoạt động của Nhật Bản ở Biển Đông, với giọng điệu cho rằng Nhật Bản đang cố tình tìm cách làm gia tăng căng thẳng và gây chia rẽ quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Đây là giọng điệu thường thấy của quan chức, truyền thông và chuyên gia Trung Quốc khi tìm cách lấp liếm, che đậy âm mưu thâm hiểm của mình.
Tuy nhiên, tình hình Biển Đông thời gian tới tiếp tục căng thẳng, chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, phi pháp của TQ ở Biển Đông:
TQ đẩy mạnh việc cải tạo phi pháp các bãi cạn, đá ở Biển Đông; quân sự hóa trên các đảo nhân tạo phi pháp; đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm (16/5 – 1/8); ngăn chặn phi pháp ngư dân các nước đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống, trong vùng đặc quyền kinh tế của họ; áp đặt một số quy định về hàng hải ở Biển Đông; kiên quyết giữ lập trường giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng cách đàm phán song phương trực tiếp với các nước, nhằm gây sức ép, buộc các nước phải “nghe theo” TQ… khiến tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế đi vào bế tắc.
Chính vì vậy, Nhật Bản cũng như các nước lơn có lợi ích ở Biển Đông cần tích cực triển khai các chính sách, hành động thiết thực hơn nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông; tăng cường hỗ trợ các nước nhỏ trong khu vực về trang thiết bị, công nghệ… để tuần tra đảm bảo rằng hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông không bị cản trở. Đồng thời, các nước trên cũng nên gia tăng sức ép về chính trị, ngoại giao, kinh tế buộc Trung Quốc phải hành xử có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS và phán quyết của Tòa Trọng tài (12/7/2016), chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Có như vậy, Biển Đông mới thực sự trở thành khu vực hòa bình, ổn định, thịnh vượng và lợi ích của các nước liên quan không bị đe dọa, cản trở.