Mỹ dường như đã hoãn lại phương thức “tất cả hoặc không gì cả” đối với vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên giữa lúc Ngoại trưởng Mike Pompeo chuẩn bị đến thăm Bình Nhưỡng trong tuần này.
Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ 3 để gặp lãnh đạo Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ dự kiến ở Triều Tiên trọn ngày 6 và nửa ngày 7-7 trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ ba kể từ đầu năm và là lần đầu tiên sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hôm 12-6.
Tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước, ông Kim cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nhưng không đề cập đến cách thức và thời gian Bình Nhưỡng có thể từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân vốn đe dọa Mỹ và các đồng minh.
Một số quan chức Mỹ cho rằng không có dấu hiệu đột phá và có ít tiến triển trong việc xác định những điều khoản chủ yếu của bất kỳ thỏa thuận nào. Thay vào đó, những gì được nhìn thấy là cách tiếp cận mềm mỏng của chính quyền ông Donald Trump bất chấp các báo cáo của cơ quan tình báo cho rằng Triều Tiên tiếp tục lừa dối Mỹ về chương trình vũ khí của mình.
Hai quan chức Mỹ cho hay chính quyền Tổng thống Donald Trump đã rút lại yêu cầu phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) theo lời khuyên của Hàn Quốc. Giới chức Seoul – những người theo đuổi các cuộc thảo luận riêng với Bình Nhưỡng – cho rằng các cuộc đàm phán từng bước có thể thành công hơn việc buộc Triều Tiên phải nhượng bộ trước mọi yêu cầu của Mỹ trước khi đạt được bất kỳ sự thừa nhận nào.
Trong khi đó, một quan chức cho rằng sự kiện Trung Quốc và Nga duy trì hợp tác về vấn đề Triều Tiên sẽ “gây nhiều khó khăn hơn nếu Mỹ cứ bám lấy phương thức tất cả hoặc không gì cả”. Theo vị này, trước đây, trong cuộc đàm phán với nhà ngoại giao Mỹ gốc Hàn Sung Kim, Triều Tiên đã chủ yếu từ chối đáp ứng những nỗ lực xác định những điều khoản trọng tâm của thỏa thuận cuối cùng, trong đó có khái niệm CVID.
Một quan chức cấp cao Hàn Quốc cho rằng thay vì hướng đến CVID, Mỹ nên theo đuổi kế hoạch giảm thiểu sự đe dọa lẫn nhau. Ông Patrick Cronin thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, một chuyên gia châu Á có mối liên hệ chặt chẽ với các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, nhận định tuy ông Kim không muốn sớm từ bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân của mình nhưng có thể sẵn sàng phá hủy các phần chính.
Trong khi đó, ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho rằng dường như chính quyền Mỹ cảm thấy bị buộc phải thoát ly khỏi lập trường cứng rắn sau khi ông Donald Trump tuyên bố hậu hội nghị thượng đỉnh rằng không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.