Hải quân Trung Quốc mới đây đã làm lễ hạ thủy kép cho cặp tàu khu trục tiên tiến Type 055, chiếc chiến hạm này được trang bị nhiều vũ khí có uy lực rất cao.
Hôm 1/7, nhà máy đóng tàu Đại Liên đã làm lễ hạ thủy cùng lúc 2 khu trục hạm Type 055 đóng theo hợp đồng ký kết với Hải quân Trung Quốc. Theo đánh giá, chiếc chiến hạm cỡ lớn này có năng lực tác chiến không thua kém gì so với DDG-1000 Zumwalt của Mỹ.
Type 055 được tích hợp hệ thống chiến đấu mệnh danh “Aegis Trung Hoa”, xoay quanh radar mảng pha quét chủ động (AFAR) Type 346B với năng lực lập ô phòng không hạm đội rất mạnh.
Dàn tên lửa mà khu trục hạm Type 055 mang theo rất đồ sộ, bao gồm tên lửa chống hạm siêu âm YJ-18A, tên lửa hành trình tấn công mặt đất CJ-10, tên lửa chống ngầm CY-5, tên lửa phòng không tầm ngắn DK-10A, tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9B…
Tuy nhiên đáng chú ý nhất là trong danh mục vũ khí trang bị cho chiến chiến hạm này còn xuất hiện một chủng loại “lạ” rất ít được nhắc đến, đó chính là tên lửa chống tên lửa đạn đạo HQ-26.
Hiện tại có rất ít thông tin về vũ khí đặc biệt này, chỉ biết rằng HQ-26 nằm trong lưới lửa phòng không đa tầng được Trung Quốc phát triển cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo, bao gồm HQ-9B, HQ-19 (tương đương THAAD), HQ-26 (tương đương SM-3) và HQ-29 (tương tự PAC 3).
Trung Quốc phát triển HQ-26 nhằm trang bị cho các tàu chiến cỡ lớn, vai trò của nó giống như tên lửa đánh chặn SM-3 của Hải quân Mỹ. HQ-26 được cho là bản nâng cấp từ HQ-19 – phiên bản sửa đổi từ tên lửa phòng không HQ-9 cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo và vệ tinh ở quỹ đạo thấp.
Nhiều nguồn tin cho rằng tên lửa HQ-19 chính là đối tượng đã được mang ra kiểm tra đánh giá trong 2 vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa tầm trung vào năm 2010 và 2013, nó được cho là đã đạt tới các tham số thiết kế lý tưởng như tầm cao 200 km và vận tốc 10 km/s.
Một số dự đoán cho rằng so với HQ-19 thì tên lửa HQ-26 sẽ được kéo dài phần thân, tích hợp thêm một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn để kéo dài tầm bắn, cũng như gia tăng vận tốc cho nó, đường kính thân giữa hai loại đạn đánh chặn này sẽ không có sự chênh lệch quá lớn.
Tuy nhiên tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thông tin rõ ràng về cự ly hoạt động, độ cao cũng như tốc độ mà tên lửa HQ-26 có thể vươn tới. Bên cạnh đó, cũng chưa biết nó có áp dụng công nghệ đánh chặn bằng động năng rất tiên tiến hay không, bởi vì nếu vẫn phải mang theo đầu đạn thì tầm bắn, trần bay và vận tốc của tên lửa sẽ bị giảm đi rất nhiều.
Trong thời gian tới, khi chiếc khu trục hạm Type 055 chính thức vào biên chế Hải quân Trung Quốc thì gần như chắc chắn tên lửa đánh chặn HQ-26 vẫn chưa sẵn sàng phục vụ, con tàu sẽ phải trông đợi hoàn toàn vào loại HHQ-9B có chức năng thua kém hơn nhiều.