Bản tin Biển Đông ngày 09/07/2018.
Học giả Trung Quốc cảnh báo: với việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), Mỹ đang chơi ván cờ nguy hiểm
Ngày 8/7, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đăng bài bình luận “Với việc không mời Trung Quốc tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), Mỹ đang chơi ván cờ nguy hiểm” của nhà báo Cary Huang.
Những động thái gần đây đang cho thấy rằng khả năng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gia tăng, nhất là sau khi mới đây Mỹ đã có quyết định không mời Trung Quốc tham dự cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018. Ông Huang cho rằng, với việc loại trừ Trung Quốc ra khỏi RIMPAC đồng thời đưa một số quốc gia mới thay thế, Mỹ đang ra chỉ dấu cho thấy một sự thay đổi về định hướng quan hệ quân sự của nước này và nhiều khả năng Mỹ đang củng cố một liên minh chính trị ở khu vực nhằm chống lại ảnh hưởng và sự khiêu khích đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ngoài ra, quyết định không cho phép Trung Quốc tham gia RIMPAC được đưa ra do có những lo ngại rằng những nước Châu Á yếu hơn đang phải chịu sức ép cũng như ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng việc loại trừ Trung Quốc ra khỏi cuộc diễn tập quân sự Thái Bình Dương (RIMPAC) có thể sẽ gây ra một số ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt địa chính trị và dẫn đến hệ quả không mong đợi là chính sách đối ngoại của Bắc Kinh có thể sẽ ngày càng trở nên quyết đoán hơn.
Quyết định này của Mỹ đưa ra với lý do là nhằm đưa ra phản ứng trước hành động quân sự hoá của Trung Quốc ở Biển Đông, khi mà gần đây, Trung Quốc liên tục triển khai các khí tài quân sự tới Biển Đông, trong đó có việc đưa các thiết bị điện tử và tên lửa đất đối không tới Trường Sa, thậm chí còn đưa máy bay ném bom chiến lược trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trước đó, tại RIMPAC 2016, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã tính đến chuyện không mời Trung Quốc cùng tham gia cuộc diễn tập lớn nhất thế giới này do hành động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp của nước này ở Trường Sa. Tuy nhiên, cuộc diễn tập năm nay lại diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung liên tục gia tăng, nhất là sau khi hai bên không ngừng có những lời công kích và cảnh báo: một bên thì cương quyết “không từ bỏ một tấc lãnh thổ ở Biển Đông” và bên còn lại mạnh mẽ đưa ra tuyên bố “sẽ có những hậu quả lớn hơn” đối với hành động bố trí các cơ sở quân sự của Trung Quốc trên các đảo tranh chấp ở khu vực.
Mỹ đưa hai tàu khu trục tên lửa hành trình đi qua eo biển Đài Loan
Hãng USNI News đưa tin, ngày 7/7, ông Charlie Brown, Người Phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết hai tàu khu trục mang tên lửa hành trình của Mỹ là USS Mustin (DDG-89) và USS Benfold (DDG-65) đã “có hoạt động quá cảnh thường kỳ” qua khu vực eo biển có chiều rộng 110 dặm nằm giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan. Ông Brown khẳng định, “các tàu hải quân Mỹ đã đi qua khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông thông qua eo biển Đài Loan và đã thực hiện hoạt động này trong nhiều năm qua”. Tuy nhiên, ông Brown không cung cấp thêm thông tin chi tiết nào khác về hoạt động ngày.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã khẳng định sự hiện diện của các tàu khu trục Mỹ trong một thông báo gửi báo chí. Thông báo này cho biết phía Đài Loan khẳng định đã có sự giám sát đối với hoạt động này của Mỹ.
Cho đến nay, các quan chức chưa xác minh được rằng liệu Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) có đưa ra phản ứng gì trước hoạt động quá cảnh của hai tàu hải quân Mỹ hay không. Trong khi đó, một dòng tin đăng trên tài khoản Twitter của tờ Thời báo Hoàn Cầu đã chỉ trích rằng “Mỹ đang làm xấu đi căng thẳng eo biển Đài Loan”, “PLAN có thể đã theo dõi và kiểm soát tình hình – theo ý kiến của một quan chức quân sự sau khi hai tàu hải quân Mỹ đi vào eo biển Đài Loan ngày 7/7”.
Học giả Philippines lo ngại Trung Quốc có thể áp dụng chiêu trò đăng tin quảng cáo quyền sử dụng quần đảo Hoàng Sa một cách bất hợp pháp có thể được áp dụng tương tự với lãnh thổ của Philippines ở Biển Đông
Ngày 9/7, hãng tin GMA News đưa tin, Giáo sư Jay Batongbacal thuộc trường Đại học Philippines mới đây đã bày tỏ lo ngại rằng, động thái mới của Trung Quốc liên quan đến việc khuyến khích người dân đăng ký sử dụng các “đảo” không người ở ở quần đảo Hoàng Sa có thể được áp dụng sang cả các khu vực khác ở Biển Đông nếu như không bị phản đối. Ông cho rằng “Philippines, dù không phải là một bên trong tranh chấp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nhưng cũng cần phải đưa ra một phản đối riêng bởi hành động này của Trung Quốc sẽ làm leo thăng căng thẳng tình hình Biển Đông nói chung”. Ông Batongbacal cho biết thêm: “Quần đảo Hoàng Sa nằm ở Biển Đông và rõ ràng bất cứ điều gì Trung Quốc làm ở Hoàng Sa thì chắc chắn về sau cũng sẽ làm điều tương tự như vậy ở Trường Sa”. Bên cạnh đó, ông Batongbacal cũng cho rằng động thái mới này của Trung Quốc “thậm chí còn nguy hiểm hơn” ở chỗ nó có thể cho phép Trung Quốc sử dụng cư dân của mình để “tiến hành chiếm đoạt nhiều cấu trúc mới hơn”. bên cạnh đó, ông cho hay: “Ý định của Trung Quốc ở đây là, nếu đó là một hoạt động dân sự, sẽ khó để các lực lượng của Nhà nước can thiệp và có thể sẽ bị xem là “hành động xâm lược”, nếu như vậy, Trung Quốc sẽ tìm cách viện cớ để triển khai các biện pháp mạnh hơn đối với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông”.