Wednesday, January 22, 2025
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 11/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/07/2018

Bản tin Biển Đông ngày 11/07/2018.

Cựu quan chức Ấn Độ: “Trung Quốc đang lợi dụng thực tế mơ hồ và áp đặt ý chí lên các quốc gia ở Biển Đông”

Ngày 11/7, Times of India đăng bài phỏng vấn với Pankaj Jha, nguyên Phó Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ấn Độ nhân sự kiện hai năm kể từ ngày Phán quyết vụ kiện Trọng tài Biển Đông về vấn đề Biển Đông ngày 12/7/2016. Trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc phỏng vấn, ông Pankaj đã cung cấp một số thông tin và nhận định liên quan đến tình hình Biển Đông sau khi Toà Trọng tài ra Phán quyết, Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông và về vai trò của từng nước trong nhóm “Bộ Tứ” (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc) trong việc xây dựng cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Nhận định về tình hình Biển Đông thời gian gần đây, ông cho biết Trung Quốc đang tăng cường đưa thêm nhiều khí tài quân sự tới các đảo nhân tạo nước này xây dựng trên Biển Đông đồng thời tiếp tục khẳng định các yêu sách chủ quyền đối với các cấu trúc này. Mặt khác, ông cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng sự mơ hồ trong việc lưu trữ các bằng chứng và các căn cứ theo đúng luật pháp quốc tế để đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các vùng lãnh thổ nhằm áp đặt cái gọi là yêu sách lịch sử để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Bên cạnh đó, về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, ông cho rằng sự kéo dài của các cuộc đàm phán văn kiện này xuất phát từ sự thiếu thống nhất trong nội khối các nước ASEAN, do hiện đang có 3 nhóm quốc gia với những quan điểm và lập trường khác nhau về vấn đề Biển Đông. Liên quan đến nhóm “Bộ Tứ”, ông cho hay “có những khác biệt nhất định giữa các thành viên trong nhóm” trong cách nhìn của các nước thành viên trong nhóm về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, do đó cho rằng cần có một “kế hoạch tổng thể” rõ ràng về “nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích” đối với nhóm “Bộ Tứ” trong việc xây dựng cấu trúc khu vực.

Học giả Trung Quốc lớn tiếng phản đối sự hiện diện của tàu chiến Nhật Bản ở Biển Đông

Ngày 10/7, tờ Thời báo Hoàn cầu đăng bài viết “Các tàu chiến Nhật Bản sẽ khuấy đục nước Biển Đông” của Giáo sư Zhou Yongsheng thuộc Viện Quan hệ quốc tế, Đại học Ngoại giao Trung Quốc. Trong bài viết, Giáo sư Yongsheng lớn tiếng chỉ trích việc Nhật Bản sắp đưa các tàu chiến đi qua Biển Đông và Ấn Độ Dương trong tháng 9 tới “dù hai nước đang có quan hệ song phương nồng ấm”, nhất là sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua. Ông cáo buộc rằng việc Nhật Bản vẫn tiếp tục hiện diện ở Biển Đông xuất phát từ ba lý do: (i) Nhật Bản luôn “nhìn” Mỹ trong cách ứng xử của nước này với Trung Quốc, (ii) chiến lược lâu dài của Nhật Bản là duy trì sự hiện diện ở Biển Đông nhằm “kiềm chế” Trung Quốc và (iii) Nhật Bản cần gia tăng ảnh hưởng về quân sự ở khu vực để thúc đẩy vai trò của mình trong việc thúc đẩy chính sách hợp tác kinh tế của mình trong các Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và “lấy lòng” các nước ASEAN bởi các nước này có vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Ông Yongsheng tỏ ra bực tức khi Nhật Bản “chỉ biết đến lợi ích của mình” mà “dám bất chấp Trung Quốc, nước lớn nhất trong khu vực” để triển khai tàu hải quân tới Biển Đông. Không những thế, ông còn gay gắt chỉ trích “bất cứ hành động nào theo chân Mỹ nhằm củng cố cho các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông chính là sự khiêu khích nhằm vào Trung Quốc”. Ông Yongsheng ngang nhiên khẳng định “sự hiện diện quân sự nước ngoài ở khu vực là không cần thiết”, “bất cứ sự can thiệp nào của lực lượng bên ngoài dưới danh nghĩa tự do hàng hải đều là chiêu trò thiếu thiện chí nhằm làm phức tạp tình hình trên biển”. Kết thúc bài viết, ông yêu cầu “Nhật Bản cần suy nghĩ kỹ trước khi có những hành động vô nghĩa gây chia rẽ khu vực và làm leo thang căng thẳng”.

Tuy nhiên, những nội dung chỉ trích gay gắt và thiếu khách quan này được đưa ra hoàn toàn là nhằm lấp liếm một loạt các hành động đẩy mạnh quân sự nhằm củng cố các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc áp đặt lên gần như toàn bộ khu vực Biển Đông. Trong khi đó, dư luận quốc tế đều hiểu rằng việc Nhật Bản đưa tàu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương là một phần trong các nỗ lực của Nhật Bản nhằm thúc đẩy một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng tìm cách quân sự hoá và kiểm soát khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới