Trong bối cảnh Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng tăng cường hiện diện trong khu vực Biển Đông nhằm ngăn chặn hoạt động bá quyền của Trung Quốc, khiến Bắc Kinh phải tìm mọi biện pháp phá vỡ vòng vây của Mỹ và đồng minh. Lựa chọn duy nhất của Trung Quốc hiện nay để vươn ra những vùng biển xa là triển khai các căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ quân sự ở nước Cộng hòa Djibouti
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đang có 02 căn cứ quân sự ở nước ngoài. Căn cư đầu tiên được Trung Quốc (7/2017) xây dựng tại Cộng hòa Djibouti, nằm ở bờ biển phía Đông của châu Phi. Căn cứ thứ hai được Trung Quốc xây dựng tại bờ biển phía Nam Pakistan.
Trung Quốc tích cực tuyên truyền, biện minh cho việc thúc đẩy xây dựng các căn cứ quân sự ở nước ngoài:
Thứ nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên truyền rằng căn cứ quân sự ở nước ngoài là cơ sở để quân đội Trung Quốc mang lại hòa bình và an ninh cho khu vực bằng cách cung cấp phương tiện cho hoạt động chống hải tặc và hỗ trợ nhân đạo. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết có 3 lý do để xây dựng căn cứ hỗ trợ hậu cần ở nước ngoài: (1) Hỗ trợ hoạt động của hạm đội Trung Quốc trong khuôn khổ hoạt động tháp tùng các tàu tại vịnh Aden và bờ biển Somalia mà Liên Hợp Quốc cho phép; (2) Đảm bảo vận chuyển hàng nhân đạo; (3) Tăng cường hỗ trợ hòa bình và an ninh tại châu Phi và bên ngoài châu lục. Ngoài ra, các căn cứ này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của chính quyền nước sở tại, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc trung thành với “con đường phát triển hòa bình” và không xa rời học thuyết quân sự quốc phòng của mình.
Thứ hai, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực các hoạt động tuyên truyền rầm rộ về chủ trương, chính sách hòa bình của Bắc Kinh trong việc phát triển các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Tân Hoa Xã (11/7/2017) cho biết việc thành lập căn cứ trên là quyết định được hai quốc gia đưa ra sau “những cuộc đàm phán thân thiện và phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước”. Theo bản tin, căn cứ này sẽ “đảm bảo cho việc thực hiện các sứ mệnh của Trung Quốc như hộ tống, gìn giữ hòa bình và hỗ trợ nhân đạo ở châu Phi và Tây Á”. Cơ sở này cũng sẽ mang lại lợi ích cho các nhiệm vụ ở nước ngoài bao gồm hợp tác quân sự, tập trận chung, sơ tán và bảo vệ người Trung Quốc ở nước ngoài, và cứu hộ khẩn cấp, cũng như cùng duy trì an ninh tại các tuyến đường biển quốc tế chiến lược”. Tờ nhật báo Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc (trang mạng chính thống của quân đội Trung Quốc) cũng có bài bình luận trang nhất cho rằng căn cứ quân sự ở nước ngoài của Bắc Kinh là một bước đi mang tính đột phá trong việc tăng cường khả năng của Trung Quốc về đảm bảo hòa bình toàn cầu, nhất là khi nước này có nhiều binh sỹ gìn giữ hòa bình Liên hiệp quốc ở châu Phi và tham gia nhiêu vào các cuộc tuần tra chống cướp biển; khẳng đinh Trung Quốc không có mục đích bành trướng quân sự hay tham gia chạy đua vũ trang. Trong khi đó, Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận tuyên bố hùng hồn rằng việc Trung Quốc phát triển quân sự ở nước ngoài là “nhằm bảo vệ an ninh của chính mình, chứ không nhằm mục đích kiểm soát thế giới”; đồng thời tuyên truyền căn cứ ở Djibouti là căn cứ hậu cần hơn là một căn cứ quân sự đúng nghĩa, nhấn mạnh căn cứ này sẽ không được huy động để tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn hay để bố trí các phương tiện không quân.
Thứ ba, giới chuyên gia, học giả Trung Quốc cũng góp phần công sức không nhỏ trong việc tuyên truyền chủ trương của Bắc Kinh khi thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài, cho rằng: Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả hoạt động viện trợ nhân đạo ở châu Phi, Tây Á; tham gia tuần tra chống cướp biển ở vịnh Aden trong năm 2008; sơ tán công dân nước ngoài ra khỏi Libya và Yemen. Trong năm 2015, Trung Quốc tham gia tập trận hải quân chung lần đầu tiên với Nga ở Địa Trung Hải… song do không có căn cứ quân sự ở nước ngoài khiến Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi tiến hành các hoạt động trên. Tuy nhiên, nay đã khác trước, với căn cứ hải quân tại Djibouti sẽ tạo điều kiện tối ưu cho các hoạt động quân sự của Trung Quốc.
Để thiết lập được căn cứ quân sự ở nước ngoài, Trung Quốc đã triển khai tổng hợp nhiều biện pháp kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự.
Trung Quốc đã theo đuổi một hành trình liên tục mở rộng tăng cường ảnh hưởng về cả kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự đối với những “mục tiêu” được lựa chọn. Thông thường, Bắc Kinh sẽ chọn những nước chậm phát triển về kinh tế- xã hội, có trình độ khoa học kỹ thuật, quân sự lạc hậu ở những vùng xa xôi và đương nhiên, những nước này phải có vị trí địa chiến lược quan trọng, có thể hỗ trợ những bước phát triển chiến lược của Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện tại, khu vực Tây Á, châu Phi là những “miếng mồi” ngon mà Bắc Kinh đang nhắm đến. Để đạt được mục tiêu, Trung Quốc đã triển khai một loạt những biện pháp mua chuộc:
Về kinh tế, Trung Quốc không tiếc tiền đầu tư kinh tế, viện trợ nhân đạo, cho vay ưu đãi… nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại của nước sở tại, đồng thời tạo sự lệ thuộc về kinh tế của những nước trên đối với Trung Quốc. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016, kim nghạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đã đạt 149,1 tỷ USD và quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, trong đó có quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các quốc gia ở châu lục này. Trung Quốc đang trở thành động lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở nhiều quốc gia châu Phi hiện nay và trong tương lai. Theo các chuyên gia khu vực, quy mô đầu tư của Trung Quốc ước tính lên tới gần 3.000 dự án ở gần 60 quốc gia châu Phi với tổng số vốn đầu tư đạt khoảng 95 tỷ USD hiện nay. Các chương trình, dự án đầu tư của Bắc Kinh vào châu Phi tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng, nông nghiệp, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển cơ sở hạ tầng. Đáng chú ý, để được triển khai căn cứ quân sự ở Djibouti, các ngân hàng của Trung Quốc trở thành nhà cung cấp vốn chính của ít nhất 14 công trình hạ tầng cho Djibouti, tổng trị giá những công trình này là 14,4 tỷ USD, bao gồm một tuyến đường sắt rút ngắn một nửa thời gian đi lại giữa Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.
Về ngoại giao, Trung Quốc tích cực mua chuộc, lôi kéo giới chức lãnh đạo nước sở tại ủng hộ lập trường, chủ trương của Bắc Kinh. Với chiêu bài chi tiêu mua chuộc, đút lót và sử dụng ảnh hưởng chính trị, ngoại giao để mặc cả, gây sức ép, Trung Quốc đã thành công ở châu Phi và Tây Á. Đáng nể nhất là việc Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena thông qua quyết định sa thải Bộ trưởng Tư pháp Wijeyadasa Rajapakse sau khi ông này chỉ trích chính phủ Sri Lanka ký thỏa thuận bán 70% cổ phần cảng biển Hambantota chiến lược trị giá 1,5 tỉ USD cho Tập đoàn nhà nước China Merchant Port Holdings (CMPort) của Trung Quốc trong thời hạn 99 năm.
Về quân sự, quân đội Trung Quốc tích cực thông qua các hoạt động giao lưu quân sự, viện trợ trang thiết bị quân sự và hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật… để lấy lòng các nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động trên, Bắc Kinh cũng tuyên truyền về “mục đích hòa bình” khi Trung Quốc triển khai các cắn cứ quân sự ở nước sở tại. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri) công bố một báo cáo cho biết số lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho châu Phi đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức Chủ tịch vào năm 2013. Đáng chú ý trong số vũ khí này có loại súng giống AK-47 có giá rẻ hơn và đang được sử dụng tại một số khu vực căng thẳng như Cộng Hòa Dân Chủ Congo, Trung Phi và Nam Sudan.
Về chính trị, Trung Quốc đang tích cực tạo dựng ảnh hưởng đối với khu vực châu Phi. Về mặt chính sách, Trung Quốc vào năm 2006 đã công bố Chính sách châu Phi của mình, trong đó công bố chi tiết về quan hệ Trung Quốc-châu Phi trong nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, đến văn hóa, giáo dục, xã hội, và an ninh (tất nhiên điểm nhấn trong đó vẫn là kinh tế)… Các nguyên tắc chỉ đạo trong chính sách châu Phi bao gồm tôn trọng chủ quyền, bình đẳng, chân thành, cùng có lợi, học hỏi lẫn nhau và cùng phát triển. Đây cũng là cơ sở cho chính sách Trung Quốc “không can thiệp và không đặt điều kiện” trong quan hệ với các nước châu Phi. Quan điểm “không can thiệp” vào công việc nội bộ của các nước châu Phi đã giúp Trung Quốc chiếm được thiện cảm và niềm tin của các đối tác châu Phi, vốn từng chịu ách thực dân phương Tây trong nhiều năm và hiện vẫn bị phương Tây gây sức ép trên các phương diện mà phương Tây gọi là “nhân quyền” và “dân chủ”.
Về khoa học kỹ thuật, bên cạnh viện trợ tài chính và các chương trình cho vay, Trung Quốc còn đặc biệt coi trọng trợ giúp kỹ thuật để gây dựng ảnh hưởng trong khu vực, khiến nhiều nước châu Phi chịu lệ thuộc, chi phối vào Bắc Kinh.
Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân ở Djibouti là một tính toán chiến lược, thông minh của giới chức Bắc Kinh. Vì:
Thứ nhất, Djibouti, một đất nước không lớn về diện tích cũng như về dân số (chưa đến 1 triệu dân), nằm trên eo biển Bab-el-Mandeb, con đường huyết mạch trên biển nối liền châu Âu, châu Á và châu Phi. An toàn hàng hải tại đây và tại các vùng biển lân cận như Biển Đỏ và Biển Arab là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là những nước phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại thế giới.
Thứ hai, khu vực Đông Bắc Phi có vai trò quan trọng đối với Bắc Kinh, trước hết là về dầu mỏ. Trung Quốc mua dầu mỏ nhiều nhất từ Sudan và Nam Sudan, đồng thời đang tiến hành công tác thăm dò tại đây. Theo số liệu của Khartoum, khu vực này thu hút tới 75% đầu tư thế giới vào lĩnh vực khai thác dầu khí. Dầu lại được vận chuyển qua cảng Sudan trên Biển Đỏ và eo biển Bab-el-Mandeb.
Thứ ba, từ góc độ chiến lược quân sự, căn cứ quân sự của Pháp tại Djibouti được xây dựng từ thời thuộc địa, song đến những năm 2000 đã được chuyển giao cho Mỹ để xây dựng căn cứ đầu tiên của Lầu Năm Góc tại châu Phi. Hiện, tại Djibouti có 4.000 quân Mỹ, máy bay tiêm kích F-16 và máy bay tuần tra bờ biển P-3S đồn trú. Cạnh đó có một căn cứ nhỏ của Nhật Bản mà Tokyo tuyên bố sẽ mở rộng trong những năm tới.
Thứ tư, căn cứ tại Djibouti sẽ hỗ trợ các binh sĩ Trung Quốc tham gia các chiến dịch bảo vệ hòa bình tại các quốc gia châu Phi, cũng như hỗ trợ huấn luyện các quân đội châu Phi.
Thứ năm, do tốc độ tăng quá nhanh số người Trung Quốc định cư và làm việc tại châu Phi (hiện đã hơn 1 triệu người), Bắc Kinh đứng trước vấn đề cần phải có một kế hoạch hành động sơ tán những công dân của mình một cách nhanh chóng trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không hề tin vào những gì mà Trung Quốc tuyên truyền, đồng thời cảnh báo các nước cần thận trọng đối với âm mưu trên của Bắc Kinh.
Mục đích Trung Quốc triển khai các căn cứ quân sự ở nước ngoài là nhằm phá vỡ vòng vây chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai do Mỹ và các nước đồng minh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thiết lập. Trung Quốc tự thấy đang bị bao vây bởi các lực lượng “thù địch” như Ấn Độ ở phía Nam, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á về phía Đông, Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, việc thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti sẽ mở ra lối thoát cho Trung Quốc khi mướn vươn ra những vùng biển xa. Trang Stratfor Worldview (Mỹ) nhận định, việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa chiến lược “hải quân xanh”, dựa trên việc thiết lập một lượng hải quân toàn cầu, có khả năng triển khai các hoạt động trên khắp thế giới.
Báo cáo thường niên của Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho biết Trung Quốc có thể sẽ xây dựng thêm nhiều căn cứ quân sự ở nước ngoài, sau khi Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng cơ sở tại Djibouti. Lầu Năm Góc nhận định Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách mở thêm căn cứ tại những quốc gia có quan hệ gần gũi lâu dài và có cùng lợi ích chiến lược với nước này, điển hình như Pakistan, thị trường xuất khẩu vũ khí chính của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khi đó, truyền thông phương Tây cũng cho rằng Trung Quốc lập căn cứ tại Djibouti là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang “giở sang trang mới” trong chính sách đối ngoại và chuyển tập trung vào việc xây dựng các cơ cấu an ninh kiểu “lấy Mỹ làm trung tâm” trong khu vực. Theo quan điểm này, Trung Quốc sẽ nỗ lực thiết lập thế cân bằng và trong trường hợp cần thiết thì kiềm chế không chỉ Mỹ, Ấn Độ, bằng cách thiết lập một vòng vây các trạm, chốt hải quân trên lục địa châu Phi và các mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với Pakistan, Bangladesh, Myanmar và Sri Lanka.
Nhìn chung, việc Trung Quốc tìm cách thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài nhằm mục tiêu phá vỡ thế bao vây của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông, tìm cách vươn ra những vùng biển xa. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào hoa, phóng khoáng của Bắc Kinh là cả một vấn đề lớn, hậu quả của việc Trung Quốc đầu tư, viện trợ kinh tế là vô cùng thảm khốc. Đã có rất nhiều nước đang phải ân hận vị trót dại nhận đầu tư, viện trợ của Bắc Kinh để phải nhượng bộ những vấn đề mang tính sống còn của đất nước.