Việc Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng lên án hay không trục xuất các nhà ngoại giao Nga đã khiến phương Tây nổi giận.
Lời khuyên chân thành của Mỹ
Từ ngày 19-21/6, Nga đã tiến hành cuộc tập trận bắn tên lửa tại Iturup, một trong 4 đảo thuộc Quần đảo Nam Kuril (mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) đang tranh chấp.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản tuyên bố các cuộc tập trận này trái với lập trường của Nhật Bản và là điều đáng tiếc, nhưng phản ứng của Tokyo được cho là khá kiềm chế. Theo tờ The National Interest, điều này phù hợp với thái độ thờ ơ đáng ngạc nhiên của Nhật Bản trước hoạt động quân sự gia tăng của Nga.
Trong năm vừa qua, Nhật Bản đã 390 lần đưa máy bay phản lực để ngăn chặn máy bay của Nga, tăng 89 lần kể từ năm 2016. Sự hiện diện quân sự của Nga ở Quần đảo Kuril, do Nhật Bản kiểm soát đến năm 1945, cũng gia tăng.
Tháng 11/2016, ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Nhật Bản, Nga đã thông báo triển khai các tên lửa chống hạm mới ở các đảo Iturup và Kunashir.
Đầu năm nay, Moscow tuyên bố các máy may chiến đấu có thể được triển khai tới Iturup.
Nga cũng bắt đầu tiến hành xây dựng trên căn cứ hải quân ở đảo Matua ở phía Bắc Quần đảo Kuril, tại địa điểm của một căn cứ cũ của Nhật Bản.
Tờ báo Mỹ cho rằng năng lực quân sự ngày càng mạnh và hành động “gây bất ổn” của Moscow đã khiến Mỹ xác định Nga là mối đe dọa an ninh lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản không chia sẻ những lo ngại của đồng minh.
Ngoài việc miễn cưỡng chỉ trích hoạt động quân sự của Nga trong khu vực, Chính phủ Nhật Bản khẳng định cam kết đẩy mạnh các mối quan hệ song phương. Những nỗ lực này bao gồm 21 cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Putin, cũng như việc theo đuổi một kế hoạch hợp tác kinh tế 8 điểm.
Nhật Bản cũng đang tích cực tham gia phát triển hợp tác an ninh với Nga. Mục tiêu này được nêu trong Sách xanh Ngoại giao mới nhất của Nhật Bản. Trong khi mô tả quan hệ Nhật-Nga là “mối quan hệ song phương có tiềm năng lớn nhất”, tài liệu này của Nhật Bản nêu rõ: “Xây dựng quan hệ đối tác phù hợp với Nga trong khu vực sẽ góp phần vào lợi ích quốc gia của Nhật Bản và hòa bình, thịnh vượng trong khu vực”.
Nhật Bản cũng khá kiềm chế khi Nga tuyên bố triển khai tên lửa đối ham tối tân tới Kuril hồi năm 2016 |
The National Interest nhấn mạnh động thái của Nhật Bản đã khiến phương Tây hoang mang và tức giận, trong đó có việc Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng lên án Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine, vụ rơi máy bay MH17 và vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.
Thủ tướng Abe nói rằng ông muốn duy trì các quan hệ tích cực với Nga để theo đuổi một bước đột phá trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cho rằng đây chỉ là một phần của lập luận, nhất là vì ông Abe phải nhận ra rằng không có triển vọng thực sự nào về việc 4 hòn đảo sẽ được trao trả cho Nhật Bản.
Trách Nhật không đoàn kết
Một lời giải thích cơ bản hơn là chính sách của Tokyo với Nga được định hướng bởi tình hình an ninh ngày càng xấu đi của Nhật Bản và những nỗ lực của giới lãnh đạo nước này trong việc lên kế hoạch đối phó với một cuộc khủng hoảng khu vực trong tương lai.
Cuối năm 2017, Thủ tướng Abe đã cảnh báo rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với “môi trường an ninh nghiêm trọng nhất chưa từng thấy” trong kỷ nguyên hậu chiến. Điều này bao gồm một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân, và một nước Mỹ mà cam kết với các đồng minh thường xuyên bị hoài nghi dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Trong bối cảnh đó, giới lãnh đạo Nhật Bản nhận thấy cần phải có cách tiếp cận chủ động hơn đối với an ninh. Do đó, chính quyền của Thủ tướng Abe hướng tới mục tiêu phát triển năng lực quân sự của Nhật Bản và nới lỏng những hạn chế trong việc sử dụng năng lực này.
Tokyo cũng đang tìm cách đa dạng hóa các đối tác an ninh của Nhật Bản, chủ yếu bằng cách làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc phòng với Australia, Ấn Độ, và một số cường quốc châu Âu.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev trong một lần thị sát Kuril |
Theo The National Interest, khi nói đến Nga, mục tiêu của Nhật Bản càng cụ thể hơn. Các nhà chiến lược Nhật Bản coi Nga là một quốc gia sẽ suy yếu lâu dài với viễn cảnh kinh tế không thuận lợi. Do đó, nước Nga sẽ không đặt ra mối đe dọa đối với hiện trạng ở khu vực Đông Á.
Mối lo ngại của Nhật Bản là việc các nước phương Tây cô lập Nga kể từ sau vụ sáp nhập Crimea đã khiến Moscow ngày càng ngả về Bắc Kinh. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng khu vực, chẳng hạn như các cuộc đụng độ ở quần đảo tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), cơn ác mộng của Tokyo là họ sẽ phải đương đầu với một mặt trận thống nhất Trung-Nga, trong khi sự trợ giúp từ Mỹ không chắc chắn.
Để vô hiệu hóa mối nguy hiểm này, lãnh đạo Nhật Bản đã tìm cách tránh gây thù địch với Nga và cố gắng dùng hợp tác để khuyến khích ban lãnh đạo Nga giảm bớt sự thân thiết với Trung Quốc.
Theo giới phân tích Mỹ, tình huống này là sự lặp lại các động cơ của Nhật Bản khi ký Hiệp ước trung lập với Liên Xô tháng 4/1941. Vào thời điểm đó, mục đích là bảo vệ biên giới phía Bắc của Nhật Bản để có thể tập trung vào những vấn đề an ninh cấp bách hơn.
Hiệp ước năm 1941 cũng liên quan đến Trung Quốc vì nó được dự định như một cách ngăn chặn Moscow cung cấp viện trợ quân sự của Trung Quốc trong chiến tranh Trung-Nhật.
Thủ tướng Nhật Bản S. Abe (trái) và Tổng thống Nga V. Putin |
The National Interest cảnh báo, chính sách an ninh của Nhật Bản đối với Nga là rõ ràng nhưng không chắc có hiệu quả. Đầu tiên, quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh tiếp tục trở nên thân thiết hơn. Điều này đã được tái khẳng định khi Tổng thống Nga Putin gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng 6 vừa qua, và nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ca ngợi mối quan hệ Trung-Nga là “quan hệ cấp cao nhất, sâu sắc nhất và có ý nghĩa nhất về mặt chiến lược giữa các nước lớn trên thế giới”.
Giới phân tích Mỹ cho rằng mối quan hệ này không phát triển thành một liên minh đầy đủ không phải do những nỗ lực của Nhật Bản mà là vì hiện không bên nào thấy cần thiết phải dính líu quá sâu vào các vấn đề quốc tế của bên kia.
Nỗ lực của Nhật Bản trong việc thúc đẩy quan hệ quan hệ an ninh với Moscow đã không dẫn đến việc giảm bớt hoạt động quân sự của Nga ở biên giới phía Bắc Nhật Bản.
The National Interest cũng tỏ rõ ý “khiển trách” Nhật Bản khi gợi lại câu chuyện Nhật Bản là thành viên duy nhất của G7 không trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong vụ Skripal.
Tờ báo Mỹ gọi coi đây là thái độ “thờ ơ”, là hành động “nhắm mắt làm ngơ” của Tokyo trước “sự hung hăng” của Nga và không thể hiện tình đoàn kết với phương Tây.