Đối với ASEN, là những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, song phản ứng của ASEAN còn rất khiêm tốn, thậm chí ASEAN còn rất hiếm khi đưa ra được các tuyên bố chung về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hệ thống nghi là thiết bị phá sóng được lắp đặt trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: DigitalGlobe/Wall Street Journal.
Lại thêm bằng chứng cho thấy Trung Quốc “nuốt lời”
Trang CNBC của Mỹ (6/7) dẫn nguồn tin tình báo Mỹ tiết lộ Trung Quốc đã bí mật triển khai các thiết bị tác chiến điện tử ở 03 cơ sở mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Các thiết bị tác chiến điện tử này được Trung Quốc triển khai trong vòng một tháng trở lại đây có chức năng gây nhiễu và vô hiệu hóa hệ thống truyền tin và radar của đối phương. Hồi đầu tháng 5, CNBC là cũng dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã lén lút triển khai hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không có tầm bắn hàng trăm hải lý trên 3 cơ sở thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, tất cả đều thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. Theo CNBC mô tả hệ thống tên lửa chống hạm mà Trung Quốc lén lút triển khai là YJ-12B cho phép tấn công các tàu trên mặt nước trong phạm vi 295 hải lý (gần 550 km). Trong khi đó, các tên lửa phòng không là HQ-9B, được tính toán có khả năng nhắm mục tiêu là máy bay, kể cả máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý (gần 300 km).
Trung Quốc đã nhiều lần cam kết sẽ không quân sự hóa ở Biển Đông, song đến nay đó vẫn chỉ là lời nói
Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 9/2015, giữa dư luận các nước đang chỉ trích mạnh mẽ hoạt động quân sự hóa, mở rộng đồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công khai cam kết rằng “Trung Quốc sẽ bảo vệ an ninh hàng hải qua Biển Đông và không quân sự hóa quần đảo Trường Sa”. Vào tháng 01/2017, trong cuộc gặp với Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục cam kết “sẽ không mang chiến tranh đến Biển Đông vì các tranh chấp chủ quyền”. Đến tháng 8/2017, phát biểu trước các nghị sĩ tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana, cho biết Philippines đã nhận được sự bảo đảm của Trung Quốc rằng “sẽ không chiếm thêm thực thể hay lãnh thổ tại Biển Đông” trong một thỏa thuận giữ “nguyên trạng” đàm phán với Manila. Và gần đây nhất, trong chuyến thăm Philippines của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (11/2017) một lần nữa khẳng định Trung Quốc tiếp tục khẳng định “tầm quan trọng của việc giữ gìn hòa bình ở Biển Đông và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực này” và tuyên bố đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Manila thống nhất quan điểm “không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực” trong tranh chấp.
Song thực tế không như những gì Trung Quốc tuyên bố
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn liên tục nuốt lời và không ngừng triển khai các hoạt động phi pháp này. Trong đó nghiêm trọng nhất vẫn là việc xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo, liên tục triển khai các thiết bị quân sự, vũ khí hiện đại tới các đảo nhằm biến những nơi này trở thành tiền đồn, căn cứ quân sự hay những “tàu sân bay không bao giờ chìm” của Trung Quốc. Thông tin do CNBC tiết lộ Trung Quốc đã bí mật triển khai các thiết bị tác chiến điện tử ở 03 cơ sở mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa tiếp tục làm dấy những lên những quan ngại và lại thêm một bằng chứng cụ thể nữa về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Là câu trả lời cho ngờ vực của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (9/1/2017) rằng “Chính phủ Trung Quốc từng nói rằng họ sẽ không quân sự hóa các đảo bồi lấp trên Biển Đông. Nếu chúng tôi (Philippines) có thể chứng minh họ đưa binh lính, thậm chí vũ khí lên đảo nhân tạo, đó sẽ là một sự vi phạm những gì họ nói”.
Cộng đồng quốc tế cần phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc
Các nước (Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia…) và cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi và yêu cầu Trung Quốc phải thực hiện cam kết mà nước này đưa ra về việc không quân sự hóa ở Biển Đông. Mỹ và các nước đã lên tiếng chỉ trích “hoạt động quân sự hóa liên tiếp của Trung Quốc tại các thực thể đang tranh chấp” ở Biển Đông. Sau khi có thông tin Trung Quốc lén lút triển khai là tên lửa chống hạm YJ-12B và phòng khôngHQ-9B ở Trường Sa, Mỹ đã quyết định rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế “Vành đai Thái Bình Dương” năm 2018 (RIMPAC). Bộ Quốc phòng Mỹ (23/5) tuyên bố hành vi của Trung Quốc không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận RIMPAC; đồng thời khẳng định Mỹ có bằng chứng rõ ràng về việc Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống hạm, hệ thống tên lửa phòng không và các thiết bị làm nhiễu điện tử đến các đảo ở Trường Sa.
Đối với ASEN, là những nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, song phản ứng của ASEAN còn rất khiêm tốn, thậm chí ASEAN còn rất hiếm khi đưa ra được các tuyên bố chung về việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông. Vì vậy, ASEAN cần thể hiện hơn nữa tinh thần đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, kiên trì giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; đồng thời lên án mạnh mẽ các hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc ở Biển Đông.