Trung Quốc đang xây dựng những chiến lược hợp tác quân sự mới để đảm bảo an toàn cho các lợi ích kinh tế và đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi.
Căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti
Tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong vai trò là nhà đầu tư và đối tác thương mại tiếp tục gia tăng tại châu Phi và những chiến lược mới đang được bàn thảo để bảo đảm sự an toàn cho các lợi ích kinh tế và đầu tư của Trung Quốc ở lục địa đen.
Để nhấn mạnh về mối quan tâm chiến lược của Bắc Kinh đến châu Phi, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã mời đại diện quân sự cấp cao từ 50 quốc gia châu Phi tham dự Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Trung Quốc – Châu Phi. Diễn đàn này bắt đầu từ ngày 26/6 và dự kiến kéo dài đến 10/7.
Chuyên gia về Trung Quốc công tác tại Viện Nam Phi về các vấn đề quốc tế, Cobus van Staden, nhận định:
“Nắm trong tay các tuyến đường thương mại có ý nghĩa quan trọng đối với Trung Quốc bởi đường bờ biển phía Đông Bắc của châu Phi chạy dài tới Kênh đào Suez là một khúc đoạn của con đường tơ lụa hàng hải mới và cũng là một phần trong Sáng kiến Con đường – Vành đai (BRI) của Trung Quốc.
BRI là một dự án phát triển và thương mại lớn mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng nhằm nối liền Trung Quốc với các thị trường Á – Âu.
Theo ông Staden, Trung Quốc có “một mối quan hệ ngày càng phức tạp với châu Phi” và có nhiều hoạt động đầu tư ở nhiều nước châu Phi. Nhiều người Trung Quốc sinh sống tại châu Phi và Trung Quốc có kinh nghiệm sơ tán công dân nước mình ra khỏi các khu vực khủng hoảng.
Một nơi kinh doanh đầy thách thức
Quân đội Trung Quốc học hỏi được ít nhiều kinh nghiệm ở các khu vực có xung đột ở châu Phi. Trong cuộc nội chiến Libya vào tháng 2/2011,Trung Quốc đã cử một tàu chiến “Xuzhou” (Từ Châu) đến bờ biển Libya để giám sát việc sơ tán 35.000 người Trung Quốc. Đây là hoạt động quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở lục địa châu Phi.
“Từ đó, Trung Quốc ngày càng nhận thức về độ phức tạp về hoà bình và an ninh ở châu Phi. Trung Quốc bắt đầu can dự nhiều hơn trong lĩnh vực này, ví dụ đưa ra sự hỗ trợ tài chính cho các đội quân gìn giữ hoà bình thuộc Liên minh châu Phi (AU) và tăng cường số lượng lính mũ nồi xanh.”
Trung Quốc muốn khai thác triệt để sự tham gia của mình trong các nhoạt động giữ gìn hoà bình của Liên Hiệp Quốc trên khắp châu Phi. Tuy nhiên, với chỉ có khoảng 2400 lính mũ nồi xanh đóng ở châu lục này, Trung Quốc không thuộc các nước đóng góp quân nhiều nhất như Ethiopia, Bangladesh và Ấn Độ.
Xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc tới châu Phi gia tăng
Theo số liệu củaViện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) trong thập kỷ qua, xuất khẩu vũ khí trở thành một phần không thể thiếu trong mối quan hệ hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và châu Phi. Xuất khẩu khí tài quân sự của Trung Quốc tới lục địa đen trong thời kỳ từ 2013 đến 2017 tăng 55% so với năm năm trước.
Thị phần xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh đến các nước cận Sahara ở châu Phi tăng từ 17 đến 27% trong cùng kỳ này. Sự tăng trưởng về xuất khẩu vũ khí tương xứng với tốc độ gia tăng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc, trong đó tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng từ khoảng 40 tỉ USD năm 2012 lên 90 tỉ USD vào năm 2016.
Nhìn chung, châu Phi đóng vai trò khá nhỏ trong cán cân nhập khẩu vũ khí toàn cầu, chỉ chiếm 7,2% trong giai đoạn từ 2013 đến 2017. Và trong số 40 nước nhập khẩu thiết bị quân sự lớn nhất thế giới, chỉ có hai nước thuộc châu Phi, đó là Ai Cập và Algeria.
Song Algeria lại đứng thứ ba sau Pakistan và Bangladesh trong danh sách các nước nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc. Trên thực tế, riêng Angeria chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, bao gồm ba tàu chiến hiện đại.
Vũ khí Trung Quốc: Nhỏ, không đắt và phổ dụng
Trung Quốc còn đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí trên địa bàn châu Phi với quy mô rộng lớn hơn các đối thủ cạnh tranh như Nga và Mỹ.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở đóng tại Washington, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đến châu Phi trong giai đoạn 2008 -17 đạt 3 tỉ USD.
Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Mỹ tới châu Phi đạt 4,9 tỉ USD, trong đó 87% đến Ai Cập và Morocco. Kim ngạch xuất khẩu của Nga đến lục địa đen trong cùng kỳ này đạt 12,4 tỉ USD, trong đó 84% là đến Algeria và Ai Cập.
Trung Quốc được xem là nguồn cung cấp vũ khí hiệu quả về chi phí như máy bay huấn huyện sẵn sàng chiến đầu chạy bằng động cơ phản lực K-8 đang chiếm lĩnh thị trường về loại máy bay này ở châu Phi. Trung Quốc còn củng cố vị thế của mình đối với các loại máy bay không người lái vì sự lưỡng lự của Mỹ xuất khẩu chủng loại này.
Làn sóng chỉ trích về hoạt động bán vũ khí Trung Quốc tới châu Phi nổi lên sau khi có các báo cáo cho thấy những vũ khí này được sử dụng trong các cuộc xung đột như Cộng hoà Dân chủ Congo, Bờ Biển Ngà, Sudan và Somalia.
Theo CSIS, năm 2014 công ty quốc doanh North Industries Corporation của Trung Quốc đã bàn giao 100 dàn tên lửa, trên 9000 súng tự động và 24 triệu băng đạn cho chính phủ Nam Sudan.
Giáo sư Trường đại học Clermont-Ferrand kiêm biên tập viên tạp chí Défense Nationale, Jerome Pellostrandi, cho hãng truyền thông quốc tế Đức (DW) biết rằng một số chính phủ châu Phi cảm thấy việc mua máy bay và các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc dễ dàng hơn từ các nhà chế tạo châu Âu.
Căn cứ quân sự Trung Quốc tại Djibouti
Vào tháng 8/2017, Trung Quốc chú trọng đến hoạt động quân sự tại châu Phi bằng cách mở căn cứ quân sự đầu tiên tại nước ngoài ở Djibouti nằm trên Vịnh Aden gần Biển Đỏ. Đất nước nhỏ bé này còn nắm giữ một căn cứ quân sự của Mỹ là Camp Lemmonier với 4000 lính và đội đặc nhiệm chống khủng bố. Pháp, Italy và Nhật cũng có căn cứ tại Djibouti.
Theo chuyên gia Staden, kể từ khi công bố các kế hoạch của mình, Trung Quốc cẩn trọng việc nêu tên đây là căn cứ quân sự. Truyền thông Trung Quốc mô tả dự án này là “một cơ sở hỗ trợ.” Kể từ năm 2008, Trung Quốc đã tham gia các hoạt động chống cướp biển quốc ở khu vực Sừng châu Phi và Vịnh Aden.
Gần đây, Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố Trung Quốc sẽ xây dựng một bến đậu khác ở cơ sở tại Djjbouti và cơ sở này cũng sẽ được dành để cho Kirgizstan khai thác. Với chiếu dài 450 m, bến đậu này có thể chứa các tàu cung cấp và khu trục của Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, các biện phúc này được áp dụng nhằm mục địch “hỗ trợ các nghĩa vụ quốc tế như các hoạt động chống cướp biển và đảm bảo hoà bình và ổn định ở châu Phi và thế giới.” Trung Quốc và Mỹ là hàng xóm cận kề ở Djjbouti, nơi Mỹ tập kết các tàu bay vận tải quân sự cỡ lớn như Hercules C130.
Vào tháng 5 vừa qua, Lầu Năm Góc đã cáo buộc Trung Quốc đã chĩa tia laser vào máy bay quân sự của Mỹ đang đỗ tại căn cứ này, còn Bắc Kinh phủ nhận lời buộc tội này.
Chuyên gia Staden chỉ trích lời quả quyết của Mỹ và coi đó như là biểu hiện về nỗi bất an của Washington về sự hiện diện của Trung Quốc ở Djibouti.