Các khu vực biên giới Việt – Trung có thể là nơi “trú ẩn” cho các công ty sản xuất hàng Trung Quốc nhưng “mác Việt Nam”, báo Hong Kong cho hay.
Tờ South China Morning Post cho hay, căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington là điều Trung Quốc không mong muốn, nhưng giới chức tỉnh Quảng Tây xem đấy là một cơ hội xúc tiến kế hoạch về bảy “khu vực phát triển kinh tế biên mậu” với Việt Nam.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: ai được lợi?
Biên giới Việt – Trung có thể đóng một vai trò trong cuộc chiến thương mại trong bốn thập niên tới.
Washington và Bắc Kinh hôm 6/7 đã “khai hỏa” cuộc chiến có chiều hướng leo thang, đánh thuế 25% lên hàng hóa trị giá 34 tỷ đôla của nhau.
Tại Quảng Tây, giới chức hiện đang thúc đẩy ý tưởng hình thành các khu “khu vực phát triển kinh tế biên mậu”, nơi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có thể lắp ráp sản phẩm và dán nhãn “made in Vietnam” để né thuế của Hoa Kỳ.
Đây là một phần của kế hoạch hợp tác rộng lớn hơn được ký kết giữa Bắc Kinh và Hà Nội năm ngoái, thuộc chiến lược đầy tham vọng “Vành đai, Con đường”.
Theo South China Morning Post, một trong các khu này nằm ở thị xã Bằng Tường, thành phố Sùng Tả của khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Lãnh đạo thành phố cho biết họ muốn tạo ra một khu hợp tác kinh tế với Việt Nam và có “nguồn vốn, vật liệu và nhân công tự do”.
‘VN: Thị trường chứng khoán sụt giảm do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung’
Các sản phẩm sản xuất tại khu vực này có thể dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.
Bí thư Bằng Tường cũng cho biết cuộc chiến thương mại với Washington “có thể là cơ hội” cho thị xã tăng tốc phát triển.
Theo giới chức này, các nhà xuất khẩu “sẽ gặp khó khăn khi gửi trực tiếp hàng “made in China” tới Mỹ nên một số sẽ chuyển qua ngả là các thành viên Asean”.
Từ đó, những khu tiếp giáp biên giới với Việt Nam như Bằng Tường có thể biến “thương mại vận chuyển” thành “gia công và sản xuất tại địa phương”.