Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiBáo Mỹ tung bom thông tin: “Donald Trump là điệp viên nằm...

Báo Mỹ tung bom thông tin: “Donald Trump là điệp viên nằm vùng của Điện Kremlin”?

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Nga-Mỹ tại Helsinki ngày 16/7/2018, một số chính khách và báo chí Mỹ tung ra quả bom thông tin “Donald Trump là điệp viên nằm vùng của Điện Kremlin” nhằm ngăn cản chủ trương của Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn cải thiện quan hệ với Nga không chỉ vì lợi ích của cả hai nước mà còn vì lợi ích của cả thế giới.

Ngày 16/7, hai nhà lãnh đạo Vladimir Putin và Donald Trump sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh được cả thế giới chú ý

Thuyết âm mưu “Donald Trump là điệp viên nằm vùng của Điện Kremlin”

Chiến thắng của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016 theo cơ chế dân chủ mà chính Washington vẫn luôn cho rằng là “cơ chế minh bạch nhất thế giới”, là hoàn toàn thuyết phục, nhưng đến này các thế lực chống đối ông từ Đảng Dân chủ và ngay trong Đảng Cộng hòa vẫn cho rằng thắng lợi đó của ông Trump là do “Nga can thiệp vào bầu cử lần này”. Đã qua gần 2 năm trôi qua, các chuyên gia điều tra Mỹ vẫn chưa đưa ra được bất cứ bằng chứng nào có tính thuyết phục về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, kể từ khi nhậm chức ngày 20/1/2017 tới nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có nhiều quyết định, hành động và tuyên bố chứng tỏ ông là “cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với Điện Kremlin”. Có nhiều thí dụ điển hình đã chứng tỏ điều đó: Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần đưa ra quyết định tấn công Syria-đồng minh then chốt của Nga ở Trung Đông với cớ cáo buộc “chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học”; quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga với lý do “trừng phạt hành động của Matxcơva sử dụng vũ khí hóa học sát hại điệp viên hai mang Sergei Skripal ở Anh”; ký phê chuẩn Đạo luật HR-3364 xác định Nga là “quốc gia xâm lược”; ký ban hành Chiến lược an ninh quốc gia coi Nga là “kẻ phá hoại trật tự thế giới”; tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận Nga và quyết định cung cấp vũ khí nóng cho Ukraine-điều mà cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama không dám làm.  

Thế nhưng các thế lực chống đối Tổng thống Donald Trump vẫn không “buông tha” ông và vì thế mà câu chuyện cổ tích thế kỷ 21 về cái gọi là “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong năm 2016” vẫn đeo bám dai dẳng trong dư luận xã hội Mỹ. Lần này, ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, như một hành động đổ thêm dầu vào lửa, báo Mỹ New York Magazine tung ra giả thuyết gây sốc cho rằng Donald Trump bị cơ quan tình báo Nga tuyển mộ từ năm 1987 khi nhà tỷ phú này tới Matxcơva khảo sát môi trường kinh doanh bất động sản.  

New York Magazine cho rằng chuyến đi tới Matxcơva năm 1987 là mốc khởi đầu sự nghiệp chính trị của Donald Trump. Các nhà báo Mỹ chuyên viết về chủ đề “phóng sự điều tra” nhận thấy rằng, sau chuyến thăm Nga năm đó, nhà tỷ phú bất động sản Donald Trump bắt đầu quan tâm tới chính trị. Thậm chí, báo New York Magazine còn gọi Donald Trump là “điệp viên nằm vùng” hay là “điệp viên ảnh hưởng của Điện Kremlin” (!?).

Những người đưa ra giả thuyết gây sốc này không hề biết rằng vào thời điểm năm 1987, ban lãnh đạo ở Matxcơva đang ráo riết chuẩn bị kịch bản “bán rẻ Liên Xô cho Mỹ”, hoặc làm tan rã Liên Xô, nên chẳng còn ai trong Điện Kremlin còn quan tâm tới chuyện tuyển mộ nhà tỷ phủ bất động sản của Mỹ Donald Trump làm “điệp viên ảnh hưởng của Liên Xô”!

Chưa hết, để tăng thêm “tính chân thực” của giả thuyết “Donald Trump là “điệp viên nằm vùng của Điện Kremlin”, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/7/2018 tại Brussels (Bỉ) với sự tham dự của 54 đoàn chính thức đại diện cho 29 quốc gia thành viên, 20 quốc gia đối tác và đại diện của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng thế giới và Nghị viện NATO, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga, ông Michael McFaul-người được báo chí Mỹ gọi là “kẻ thù tư tưởng không đội trời chung với V.Putin”, lại đưa ra tuyên bố không kém gây sốc rằng chỉ trong thời gian rất ngắn kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây thiệt hai cho NATO hơn cả các nhà lãnh đạo Liên Xô trong 70 năm trong thời kỳ Chiến tranh lạnh! [3]. Cần nói thêm: nhiệm vụ duy nhất mà Tổng thống Mỹ Barack Obama giao cho Đại sứ Michael McFaul trong nhiệm kỳ hoạt động ở Matxcơva (22/2/2012-26/02/2014) là tổ chức cuộc “cách mạng màu” để lật đổ Tổng thống Nga V.Putin nhưng đã hoàn toàn thất bại.  

Nhận định này của cựu đại sứ Mỹ Michael McFaul được tung ra trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua diễn ra trong điều kiện Mỹ-quốc gia dẫn đầu Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, đang mâu thuẫn và bất đồng gay gắt với nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu và cũng là thành viên NATO trong nhiều vấn đề chính trị, an ninh và kinh tế-thương mại. Hội nghị lần này còn diễn ra trước thềm cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin, nên ông Michael McFaul lo ngại rằng chủ nhân Nhà Trắng sẽ gây chia rẽ NATO và coi đó như “món quá vô giá” tặng chủ nhân Điện Kremlin.

Bình luận về nhận định của cựu đại sứ Mỹ Michael McFaul về Tổng thống Mỹ Donald Trump, người phát ngôn chính thức của Bộ ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết, cách đây 18 năm, nghĩa là từ năm 2000, Donald Trump đã từng xuất bản cuốn sách, trong đó trình bày rất rõ quan điểm của ông cho rằng NATO là một liên minh quân sự đã lỗi thời. Ông Donald Trump từng viết trong cuốn sách này:“Cái giá của quân đội Mỹ hiện diện ở châu Âu sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh là quá lớn. Chi phí cho sự hiện diện vô ích này có thể được chi cho những việc mang lại nhiều lợi ích hơn cho nước Mỹ. Thế nhưng các đồng minh của chúng ta cũng không coi trọng sự hiện diện này của quân Mỹ ở châu Âu”.  

Bà Maria Zakharova còn lưu ý: trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, ứng cử viên Donald Trump cũng đã từng tuyên bố công khai quan điểm cho rằng “NATO là một tổ chức đã lỗi thời”. Ông Donald Trump còn cho biết Mỹ và Nga đều đứng trước một nguy cơ chung cần đối phó là chủ nghĩa khủng bố. Quan điểm này của Donald Trump đã nhận được sự ủng hộ của 63 triệu cử tri Mỹ và rõ ràng sự ủng hộ đó của các cử tri Mỹ là hoàn có cơ sở bởi sau Chiến tranh lạnh, trong điều kiện Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã cũng như Liên minh quân sự của Hiệp ước phòng thủ Warsava bị giải thể, thì NATO không còn bất kỳ lý do nào để tồn tại.  

Donald Trump không vì nước Nga, chỉ vì nước Mỹ

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO, báo chí Mỹ tung ra nhiều bài viết dự báo rằng hội nghị lần này sẽ diễn ra theo kịch bản của  Tổng thống Nga V.Putin và sẽ là “món quà” của Tổng thống Mỹ Donald Trump tặng Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc gặp ngày 16/7/2018.  Thực tế hoàn toàn ngược lại.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G-7 ở Canada đầu tháng 6/2018, khi được hỏi về đề xuất mời Nga trở lại G-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nói với các nhà báo: “Tôi không vì nước Nga. Tôi chỉ vì nước Mỹ. Chúng ta cần Nga để quản trị thế giới”. Là một doanh nhân rất thành đạt, để thực hiện chủ trương làm cho “nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump giải quyết mối quan hệ với các đồng minh và các đối tác dựa trên nguyên tắc lợi ích bình đẳng, hay là nguyên tắc có đi có lại, trong quan hệ giữa Mỹ với bất cứ quốc gia nào, dù đó là các đối tác cạnh tranh như Nga và Trung Quốc hay là các đồng minh then chốt của Mỹ.

Xuất phát từ nguyên tắc này, Tổng thống Donald Trump không chấp nhập sự thâm hụt thương mại khổng lồ trị giá gần 150 tỷ USD của Mỹ trong quan hệ thương mại với các nước châu Âu là thành viên NATO và ông tuyên bố rằng “các nước châu Âu không thể lợi dụng Mỹ mãi được”. Trong lĩnh vực an ninh, Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng việc Mỹ bảo đảm an ninh cho NATO là “dịch vụ phải được thanh toán” chứ không phải là “dịch vụ miễn phí”.

Trong buổi gặp Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Donald Trump lên tiếng mạnh mẽ phản đối Đức không tăng ngân sách cho quốc phòng mà chỉ duy trì ở mức 1,24 % GDP, trong khi con số này của Mỹ là 3,5 % GDP. Tổng thống Donald Trump cũng không hài lòng với nhiều nước thành viên NATO khác chưa đạt mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng. Thậm chí, ông Donald Trump còn đề nghị các nước thành viên NATO nâng mức đóng góp này lên 4%.

Trong quan hệ với Nga, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không hề “nượng nhẹ”. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông lớn tiếng tuyên bố rằng Nga đang dùng khí đốt như một thứ vũ khí địa chính trị để kiểm soát châu Âu trong vòng cương tỏa của Matxcơva. Vì thế, Tổng thống Donald Trump cho rằng nước Đức đã “sai lầm” khi đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khi đốt “Phương Bắc-2” trị giá 11 tỷ USD để nhập khẩu khí đốt từ Nga trong khi lại chậm đóng góp ngân sách quốc phòng cho NATO để đối phó “nguy cơ tấn công từ Nga”.

Trước ống kính các nhà báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không cần úp mở: “Chúng ta có mục tiêu chung là phải phòng vệ trước mối đe dọa từ Nga, trong khi đó nước Đức đang làm ngược lại là chi nhiều tỷ USD mỗi năm cho Nga”. Ý tứ của ông Donald Trump khi đưa ra tuyên bố này là chỉ trích chính phủ Đức đầu tư cho dự án đường ống nhập khẩu khí đốt từ Nga “Dòng chảy Phương Bắc-2”.

Vì thế, ông Donald Trump đe dọa sẽ trừng phạt các công ty châu Âu đầu tư tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt này. Toan tính chiến lược của ông Donald Trump là đẩy Nga ra khỏi thị trường năng lượng khổng lồ ở châu Âu đề cho Mỹ kiểm soát thị trường này khi ông đang thực hiện chủ trương biến Hoa Kỳ trở thành quốc gia sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Do đó, nhận định của báo chí Mỹ rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra theo “kịch bản của Vladimir Putin” chỉ là ảo tưởng.

Bởi vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga tại Helsinki ngày 16/7/2018 xuất phát từ nhu cầu bức thiết từ lợi ích của cả hai nước, trong đó Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin sẽ bàn thảo về nhiều vấn đề mà hai bên hiện chưa có tiếng nói chung như cuộc khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên và Iran, các hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí chiến lược giữa Mỹ và Nga. Dĩ nhiên, cả hai sẽ phải tìm ra sự dung hòa nhất định để đưa quan hệ Mỹ-Nga vào thế ổn định chiến lược. Một điều có thể nhận thấy lúc này là cuộc gặp lịch sử này sẽ chưa thể tạo ra sự chuyển biến mang tính đột phá theo hướng cải thiện quan hệ Mỹ-Nga.

RELATED ARTICLES

Tin mới