Saturday, January 11, 2025
Trang chủBiển nóngCông khai "quyến rũ và tỏ tình" các nước Ả Rập, TQ...

Công khai “quyến rũ và tỏ tình” các nước Ả Rập, TQ đã cao tay hơn Mỹ – Nga?

Trung Quốc không làm như Mỹ và Nga hiện đang làm trong khi Mỹ và Nga lại không thể làm được những gì Trung Quốc hiện đang làm với các nước Ả Rập.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh cùng các đại diện khối Ả Rập. Ảnh: News.cn

Thúc đẩy hợp tác Trung Quốc – khu vực Ả Rập

Tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc vừa diễn ra lần thứ 8 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc – các nước Ả Rập (CASCF).

Khuôn khổ diễn đàn này thật ra đã có từ năm 2004 nhưng phải đến năm nay thì những suy tính lợi ích và định hướng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực của các nước Ả Rập mới bộc lộ rõ nét nhất và cụ thể nhất.

Ở diễn đàn lần này, có thể thấy Trung Quốc công khai “quyến rũ và tỏ tình” với các nước Ả Rập như thế nào. Trung Quốc dành 28 tỷ USD làm viện trợ tài chính và vốn vay cho các nước Ả Rập và dự tính cho tới năm 2025 sẽ tăng nhập khẩu từ các nước Ả Rập lên khối lượng giá trị 8.000 tỷ USD.

Một ngân hàng chung giữa Trung Quốc và các nước Ả Rập sẽ được thành lập với vốn ban đầu 3 tỷ USD để thực hiện gói tín dụng và viện trợ tài chính nói trên. Một kết quả đáng chú ý khác nữa là Trung Quốc hỗ trợ Palestin 15 triệu USD để phát triển kinh tế và có chương trình tương tự với 91 triệu USD cho Jordani, Lebanon, Syria và Yemen.

Trung Quốc không phải là đối tác bên ngoài đầu tiên thể hiện coi trọng thế giới Ả Rập. Xưa nay, khác với Mỹ, Nga hay EU, Trung Quốc luôn cân bằng quan hệ của mình với các nước Ả Rập, tức là không đứng ở phe này và đối lập phe kia trong thế giới Ả Rập.

Trong suốt thời gian dài, điều Trung Quốc quan tâm nhất ở khu vực của các nước Ả Rập không phải là cạnh tranh chiến lược địa chính trị mà ngăn cản không để các nước Ả Rập thiết lập và thúc đẩy quan hệ chính thức với Đài Loan.

Mục đích của Bắc Kinh

Bây giờ, Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới thế giới Ả Rập chủ yếu bởi ba lý do sau:

Thứ nhất, trong thế giới Ả Rập hiện đang có những chuyển biến rất sâu sắc và nhanh chóng cũng như bị phân hóa nội bộ rõ rệt bởi những ý đồ và mục tiêu chiến lược của Mỹ và Nga.

Mỹ chủ trương giảm bớt can dự trực tiếp nhưng lại tăng cường tập hợp lực lượng và thành lập những dạng liên minh hay liên quân mới ở khu vực này nhằm phục vụ cho mục đích và lợi ích của họ.

Nga đã trở lại khu vực và trở thành một trong những nhân tố quyết định nhất đối với chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế ở khu vực.

Mỹ và Nga đều có phe cánh của họ về chính trị cũng như quân sự. Trung Quốc nhằm vào tương lai của thế giới Ả Rập và là cường quốc duy nhất có thể quan hệ tốt hoặc ít nhất thì cũng không thù địch với tất cả các nước trong thế giới Ả Rập.

Trung Quốc phải nhảy vào cuộc chơi hiện tại ở khu vực thì mới có thể chắc phần được trong tương lai của khu vực.

Thứ hai, Trung Quốc muốn vươn kế hoạch “Vành đai – Con đường” ra xa hơn và khu vực của các nước Ả Rập không chỉ thích hợp mà còn rất cần thiết đối với Trung Quốc.

Vì không thể dùng kế hoạch này để lôi kéo các nước Ả Rập về phía mình nên Trung Quốc phải làm ngược lại, tức là tranh thủ thế giới Ả Rập để thực hiện kế hoạch “Vành đai – Con đường”, sau đó dùng kế hoạch này để ràng buộc các nước Ả Rập vào quan hệ với Trung Quốc.

Thứ ba, tham gia vào cuộc chơi chung ở khu vực các nước Ả Rập – mà còn có thể được gọi là cuộc cạnh tranh chiến lược – Trung Quốc sẽ gây dựng được thế và con chủ bài mới cho cuộc chơi với Mỹ và Nga ở những khu vực khác, đặc biệt ở khu vực Đông Bắc Á và khu vực Biển Đông.

Cuộc chơi thì chung, nhưng cách chơi của Trung Quốc lại rất khác so với Mỹ và Nga.

Mỹ dùng buôn bán vũ khí và viện trợ quân sự cũng như dùng Iran làm kẻ thù chung cho tập hợp lực lượng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở khu vực. Nga dùng cuộc chiến ở Syria và liên quân với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc dùng viện trợ và cho vay tín dụng, dùng hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại.

Trung Quốc cạnh tranh chiến lược với Mỹ và Nga trên lãnh địa không được hai nước kia quan tâm đến mà tất cả các nước Ả Rập đều cần.

Trung Quốc không dùng phe này đối địch phái kia mà thúc đẩy quan hệ hợp tác với tất cả các nước Ả Rập. Trung Quốc không làm như Mỹ và Nga hiện đang làm trong khi Mỹ và Nga lại không thể làm được những gì Trung Quốc hiện đang làm với các nước Ả Rập.

Cách chơi riêng này đã giúp Trung Quốc cho tới nay khá thành công trong không ít cuộc chơi chung ở nhiều nơi trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới