Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngKỳ vọng gì từ thượng đỉnh Mỹ - Nga?

Kỳ vọng gì từ thượng đỉnh Mỹ – Nga?

Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những thay đổi khả dĩ trong tư thế của hai nước ở châu Âu đang là những điểm nóng trước Thượng đỉnh Helsinki. Nhưng tính thực tế của nó là bao nhiêu?

Michael Isikoff, người đứng đầu bộ phận báo chí điều tra của Yahoo! News, mới đây cảnh báo các đồng nghiệp về tình trạng “quá nhiều suy đoán” trong câu chuyện giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Ông Isikoff, đồng tác giả cuốn sách best-seller Russian Roulette (Cò quay Nga), có lý khi nói về “cơn bão” thông tin rất dễ khiến người đọc đi lệch trọng tâm, khi ông Trump gặp ông Putin tại Helsinki (Phần Lan) hôm nay 16-7.

Quá nhiều điểm nóng

Ngay trước sự kiện Thượng đỉnh Helsinki này, Bộ Tư pháp Mỹ đã cáo buộc 12 quan chức tình báo Nga liên quan tới vụ tấn công máy chủ của Đảng Dân chủ trong thời gian diễn ra bầu cử Mỹ năm 2016, thời điểm ông Trump vượt qua bà Hillary Clinton.

 Vụ điều tra Nga càng đi xa, nghi án về việc ông Trump “thông đồng với Nga” để đắc cử càng được kéo lại gần. Giới quan sát chính trường Mỹ vì vậy xem đây là điểm nóng nhất, không thể không đề cập khi ông Trump gặp ông Putin. 

Trong cuộc họp báo của Nhà Trắng trước sự kiện, đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman khẳng định nghi án này sẽ được đề cập tại thượng đỉnh: “Chúng tôi sẵn sàng, về phía mình, buộc Nga phải có trách nhiệm với những gì họ phải có, dù đó là can thiệp bầu cử, các hành động gây hấn khắp châu Âu gồm vùng Balkan, Anh – Brexit, Pháp và Ý…”.

Điểm thứ hai là vai trò của Mỹ và Nga giữa bối cảnh quan hệ của Nga với phương Tây căng thẳng. Thượng đỉnh Helsinki được tổ chức ngay sau khi ông Trump dự Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nơi các đồng minh quân sự của Mỹ cần Washington đưa ra lập trường cụ thể đối với Nga. 

Được biết, nội dung xoay quanh Thượng đỉnh Helsinki cũng nhấn mạnh về việc đưa ra Hiệp ước hạn chế và cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giai đoạn mới, còn gọi là New START.

Bên cạnh đó, NATO hẳn cũng đứng ngồi không yên với viễn cảnh ông Trump dọa xé Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). 

Đây được xem là thỏa thuận lịch sử về việc hai bên hủy các hệ thống tên lửa tầm trung đặt tại châu Âu, ký năm 1987 giữa tổng thống Mỹ Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Nhưng thời gian qua, Mỹ đã tố Nga vi phạm INF và nếu Lầu Năm Góc rút khỏi INF, đó sẽ là thảm họa cho châu Âu.

Màn dạo đầu

Trong cuộc họp báo trước sự kiện của Nhà Trắng, đại sứ Mỹ tại Nga Huntsman và đại sứ Mỹ phụ trách NATO Kay Bailey Hutchison lặp đi lặp lại điều mà ông Trump hướng tới: xây dựng quan hệ với Nga vì đó là điều tốt cho tất cả. 

Và tựu trung, đây sẽ là một cuộc gặp được thiết kế để đối thoại, thăm dò trước. Dẫu tất cả các vấn đề nóng nhất đều được Nhà Trắng cam kết nhắc tới với phía Nga, nhưng sẽ ít khả năng đạt được bất kỳ thỏa thuận nào cụ thể.

“Các bạn nghe nhiều về những cuộc đàm phán, đọc về nghi án can thiệp bầu cử. Nhưng thực tế vấn đề là chúng ta chưa từng có những cuộc đối thoại như vậy, kiểu đối thoại trực diện về những vấn đề như can thiệp bầu cử hay các hoạt động gây hấn của Nga. Đối thoại phải được diễn ra. Và lần nữa, bạn không thể giải quyết vấn đề nếu không sẵn sàng nói về nó” – đại sứ Huntsman nói.

Thêm một lý do để tin rằng ông Trump sẽ không vội đàm phán cụ thể với ông Putin. Các thượng nghị sĩ Dân chủ hôm 14-7 đã viết bức thư kêu gọi ông Trump đừng nên gặp ông Putin một mình, với lo ngại rằng người thiếu kinh nghiệm chính trị như ông Trump sẽ sơ hở trước một cựu tình báo như ông Putin: “Ông Putin là tình báo KGB được đào tạo lâu năm, là người được chuẩn bị kỹ càng trước cuộc gặp này. Như Điện Kremlin phát biểu tuần trước, một cuộc gặp một đối một “chắc chắn phù hợp” với ông ta (Putin). Hẳn phải có thêm vài người Mỹ trong phòng họp”.

Còn với Nga, mọi thông tin và đánh giá đến giờ vẫn rất thận trọng, chủ yếu dẫn nguồn từ chuyên gia nước ngoài. Chẳng hạn, Hãng thông tấn Tass dẫn lời một chuyên gia Mỹ nói cuộc gặp Trump – Putin sẽ giảm nguy cơ từ vũ khí hạt nhân, hay như Sputnik mô tả các nỗ lực chuẩn bị của chủ nhà Phần Lan. Hai bên đang tung hỏa mù hay truyền thông đánh giá quá cao sự kiện?

Khe cửa hẹp cho báo chí

Khoảng 1.400 đại diện truyền thông từ 61 quốc gia đã lên kế hoạch đến Phần Lan để đưa tin về Thượng đỉnh Helsinki, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Nhưng trên thực tế, khả năng cánh báo chí tiếp cận sâu sát với sự kiện này rất thấp.

Cổng đăng ký thẻ tác nghiệp của đơn vị tổ chức Phần Lan chỉ mở đầu tháng này, tức hơn 10 ngày trước khi sự kiện chính thức diễn ra (16-7). Bằng cách ấy, truyền thông châu Á, những người không có hộ chiếu Schengen đi châu Âu, sẽ rất khó tiếp cận. Chưa kể quyết định công bố danh sách người đăng ký thành công chỉ được đưa ra ngày 14-7, tức chỉ hai ngày trước sự kiện và lại rơi vào cuối tuần. Kết quả là ngoài báo chí Mỹ, Nga và châu Âu chiếm phần lớn, chỉ một số phóng viên từ Đài Loan, Algeria và Philippines đến Phần Lan.

RELATED ARTICLES

Tin mới