Saturday, November 30, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam xuất khẩu hộ trái cây Thái Lan: Lo nhất là...

Việt Nam xuất khẩu hộ trái cây Thái Lan: Lo nhất là…

Khi doanh nghiệp Việt nhập trái cây nước thứ ba rồi xuất sang nước khác có thể gây nhầm lẫn về số liệu dẫn đến hoạch định chính sách sai.

Theo Bộ Công thương, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong nửa đầu năm nay ước đạt 2 tỉ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các thị trường xuất khẩu chính đều có kim ngạch tăng khá, dẫn đầu là Trung Quốc với 1,2 tỷ USD, chiếm 74,6% tỉ trọng và đứng thứ hai là thị trường Hoa Kỳ với trị giá 50,9 triệu USD.

Việt Nam cũng nhập khẩu khoảng 754 triệu USD rau quả, tăng 18,5%, chủ yếu từ Thái Lan (chiếm 45,7% tổng lượng nhập khẩu) và Trung Quốc chiếm 9%.

Dù vậy, theo báo Tuổi trẻ, chiếm phần lớn trong kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam là trái cây nhập khẩu rồi mượn đường Việt Nam để xuất khẩu.

Báo này dẫn  số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cung cấp cho thấy trong 5 tháng đầu năm qua, Việt Nam nhập 266 triệu USD trái cây Thái Lan và xuất sang Trung Quốc là 266 triệu USD. Trong đó có một số loại trái cây Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam được xuất 100% sang Trung Quốc, như nhãn tươi (92 triệu USD), sầu riêng (86 triệu USD), măng cụt (56 triệu USD) và nhãn khô (20 triệu USD).

Trao đổi với Đất Việt, một số chuyên gia cho rằng, việc doanh nghiệp Việt nhập khẩu trái cây ở nước thứ ba rồi lại xuất khẩu sang Trung Quốc là việc làm bình thường.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Công thương, trong hoạt động thương mại có hình thức tạm nhập, tái xuất và có chính sách của Nhà nước quản lý việc này.

“Doanh nghiệp hoàn toàn có quyền. Trong lúc bạn hàng đã quen, doanh nghiệp Việt lại không có đủ hàng hóa để đảm bảo tính liên tục của thị trường. Nếu không cung cấp được, Việt Nam sẽ mất thị trường. Chính vì thế, hình thức tạm nhập, tái xuất được coi là một cách để gỡ khó”, ông Thắng nói.

Vị chuyên gia cho biết, hàng tạm nhập tái xuất vẫn được tính vào giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Những hàng đó không tiêu dùng trong nước, thông qua hoạt động động xuất nhập khẩu doanh nghiệp Việt Nam có giao dịch với bạn hàng, có phần lợi nhuận trong đó, ít nhiều thì tùy theo từng lô hàng, từng mặt hàng.

Trước lo ngại nếu doanh nghiệp Việt Nam quá thiên về hình thức kinh doanh thương mại tạm nhập, tái xuất thì chẳng khác nào đang nuôi dưỡng cho trái cây nước ngoài, PGS.TS Phạm Tất Thắng khẳng định đây là những cú hích quan trọng đối với trái cây Việt Nam. Người nông dân sẽ nhìn vào đó mà thay đổi dần dần để chiếm lĩnh thị trường.

Tương tự, năng lực chế biến của Việt Nam trong quá trình phát triển luôn gia tăng, nhưng đến một lúc nào đó, năng lực đó không được sử dụng hết thì khi ấy phải nhập khẩu, chế biến  rồi xuất khẩu đi.

Chia sẻ quan điểm này, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, việc doanh nghiệp mua chỗ này, bán chỗ kia không phải là chuyện lạ và “doanh nghiệp Việt bây giờ toàn làm như vậy”.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hương lấy trường hợp của ngành dệt may, ngành điều làm ví dụ. Theo đó, ngành dệt may, ngành điều của Việt Nam cũng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, gia công, chế biến rồi xuất khẩu.

Phần giá trị gia tăng Việt Nam nhận được từ cách làm này, theo ông Đinh Văn Hương là “không được bao nhiêu”, bởi hàng Thái Lan không phải chịu thuế nhập khẩu.

“Doanh nghiệp Việt không làm cái gì không công, có lợi thì mới làm. Ít nhất họ cũng phải thay đổi bao bì, không ai dùng nguyên mác Thái Lan xuất đi. Lẽ ra doanh nghiệp phải bán sản phẩm của nông dân Việt Nam – việc này chắc chắn bị ảnh hưởng, nhưng thương trường là vậy, nước chảy chỗ trũng.

Cái khó là khi hải quan làm thủ tục hồ sơ, muốn phân biệt được sầu riêng Việt Nam với Thái Lan cũng khó”, ông Hương cho biết.

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam khẳng định, trong hoàn cảnh như vậy, doanh nghiệp Việt bắt buộc phải cạnh tranh bởi hàng giá rẻ, chất lượng tốt khách hàng mới mua.

Điều ông lo nhất là việc thống kê chung hàng Thái Lan vào số liệu xuất khẩu rau quả Việt Nam có thể khiến cho số liệu trở nên thiếu chính xác, từ đó ảnh hưởng tới việc Nhà nước hoạch định chính sách.

“Chính sách sẽ không chuẩn nếu số liệu cứ nói hàng hóa, rau quả xuất khẩu đều là của Việt Nam”, ông Hương nói.

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng khi phân tích thống kê phải có sự phân bổ rõ ràng để thấy rõ bản chất vấn đề bởi nhiều khi có sự mập mờ, sử dụng số liệu thống kê để thể hiện thành tích xuất khẩu là cực kỳ to lớn.

RELATED ARTICLES

Tin mới