Friday, November 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiLối thoát nào cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Lối thoát nào cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Cùng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động phi pháp ở Biển Đông như quân sự hóa, tăng cường kiểm soát trên thực địa, chia rẽ các nước ASEAN về lập trường chung liên quan việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, khiến tình hình trong khu vực tiếp tục bất ổn. Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đang được coi là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, COC vẫn còn là một ẩn số đối với tất cả các nước liên quan.

Trung Quốc và ASEAN họp về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)

COC được coi là ưu tiên quan trọng, góp phần hỗ trợ giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông:

Sau gần 4 năm đàm phán, thương lượng, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Trung Quốc (6/8/2017) đã chính thức thông qua Dự thảo Khung COC, trong đó quy định: (i) Các mục tiêu mà văn kiện này hướng tới là: (1). Thiết lập một khuôn khổ dựa trên các quy tắc bao gồm một loạt quy chuẩn chỉ đạo cách ứng xử của các bên và thúc đẩy hợp tác hàng hải trên Biển Đông; (2). Thúc đẩy lòng tin lẫn nhau, sự hợp tác và uy tín, ngăn ngừa các sự cố, giải quyết các sự cố nếu chúng xảy ra và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp; (3). Đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải, quyền tự do đi lại trên biển và trên không. (ii) Các nguyên tắc được Dự thảo xác định theo thứ tự: Thứ nhất, COC không phải là một công cụ để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hay các vấn đề về phân định ranh giới trên biển. Thứ hai, cam kết đối với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), 5 nguyên tắc chung sống hòa bình và các nguyên tắc khác của luật pháp quốc tế. Thứ ba, cam kết thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC. Thứ tư, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau phù hợp với luật pháp quốc tế và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. (iii) Các nghĩa vụ cơ bản, bao gồm các vấn đề về: nghĩa vụ hợp tác; thúc đẩy hợp tác hàng hải thiết thực; tự kiềm chế/thúc đẩy sự tin cậy và lòng tin; ngăn ngừa các sự cố; xử lý các sự cố; các nghĩa vụ khác phù hợp với luật pháp quốc tế để hoàn thành các mục tiêu và nguyên tắc của COC. (iv) Về các điều khoản cuối cùng, Dự thảo khung xác định: khuyến khích các nước khác tôn trọng các nguyên tắc của COC; các cơ chế cần thiết để giám sát việc thực thi; đánh giá COC; bản chất; hiệu lực thi hành.

Việc ASEAN và Trung Quốc thông qua Dự thảo khung này là cơ sở, tiền đề quan trọng cho tiến trình quản lý, giải quyết tranh chấp, xung đột ở Biển Đông để hướng tới hoàn tất một COC có hiệu lực và ràng buộc về pháp lý, góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Đây là điều mà nhiều quốc gia thành viên ASEAN mong muốn. Thông qua sự kiện quan trọng này, dư luận quốc tế bày tỏ sự ủng hộ một văn kiện COC mang tính ràng buộc về pháp lý và điều quan trọng là COC cần sớm được hoàn thành và có hiệu lực trong thực tế.

Tuy nhiên, COC chưa chắc đã là lựa chọn phù hợp để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ là nước bị mất nhiều nhất nếu COC thông qua. Tạp chí Forbes của Mỹ (27/4/2017) nhận định, Việt Nam muốn COC phải bao gồm cả Hoàng Sa nhưng Trung Quốc sẽ không chấp nhận vì hiện Trung Quốc đã kiểm soát toàn bộ 130 thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa kể từ năm 1974. Nếu COC được chấp thuận mà không đề cập đến tranh chấp quần đảo Hoàng Sa, sẽ giúp cho Trung Quốc cô lập được Việt Nam trong vấn đề tranh chấp biển đảo tại các cuộc thảo luận quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, không nước nào có khả năng đẩy được Trung Quốc ra khỏi quần đảo Hoàng Sa; vì vậy hy vọng lớn nhất của Việt Nam trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với Trung Quốc là đưa vấn đề ra kiện tại Tòa Án Quốc Tế tại The Hague, Hà Lan.

Thứ hai, COC không có tiến triển là do bất đồng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN về phạm vi hiệu lực của COC. Các nước ASEAN đưa ra COC là toàn bộ Biển Đông, trong khi Trung Quốc cho rằng Hoàng Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và chỉ đàm phán cho khu vực Trường Sa.

Thứ ba, COC sẽ chỉ là một văn bản luật phi thực tế nếu nội dung của nó không bao gồm và tuân thủ nghiêm minh luật pháp quốc tế, đặc biệt là các điều khoản trong UNCLOS và trong phán quyết của Tòa Trọng tài PCA về vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.

Thứ tư, chiến lược của Trung Quốc là thể hiện một bên có trách nhiệm, song không muốn bị ràng buộc vào các quy tắc có thể làm suy yếu vị thế địa chính trị của Bắc Kinh. Vì vậy, Trung Quốc chỉ muốn có COC tính chất biểu tượng nhằm tuyên truyền, chỉ trích các nước can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.

Cuối cùng, các nước thành viên ASEAN vẫn chưa thống nhất lập trường chung trong việc đàm phán COC với Trung Quốc.

Dư kiến về một số nội dung liên quan COC:

COC nên kế thừa và bổ sung các nguyên tắc đã được thông qua tại DOC; cần các biện pháp quản lý sự leo thang các tranh chấp và thúc đẩy tự kiềm chế; vấn đề tính ràng buộc của các điều khoản có thể đảm bảo tự kiềm chế, việc sử dụng các biện pháp xây dựng lòng tin và sự hợp tác; các cơ chế thích hợp để giải quyết tranh chấp, bao gồm các quy định về đường dây nóng, yêu cầu, tư vấn, và các phương tiện khác theo luật quốc tế; vấn đề có sự tham gia của các nước liên quan hưởng quyền tự do biển cả ở Biển Đông;

Chúng bao gồm không chỉ sự cư trú trên hòn đảo, rạn san hô, bãi cạn và các thực thể khác không phù hợp cho con người sinh sống đến nay. Các hoạt động khác cần được ngăn cấm hoặc hạn chế bao gồm các va chạm hàng hải nguy hiểm có chủ ý; đâm húc; sử dụng đèn pha, các súng phun nước cường độ lớn và các loa công suất cao; đánh chìm tàu cá; ngược đãi ngư dân bị giam giữ; cắt cáp; tịch thu các thiết bị của chính phủ và tư nhân mà không thông báo; đấu thầu dầu khí trên các khu vực tranh chấp ở thềm lục địa; đơn phương di chuyển giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác; đơn phương cấm đánh bắt cá; diễn tập quân sự gần vùng biển của các quốc gia khác.

Triển vọng về COC:

Đầu tiên, ít khả năng COC được thông qua nếu Trung Quốc vẫn giữ nguyên yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn” và các nước không chấp nhận bỏ những tranh chấp về chủ quyền sang một bên. Vì Công ước quốc tế về Luật biển đã quy định “nếu chấp nhận điều đó có nghĩa là các nước từ bỏ các quyền và lợi ích chính đáng đã quy định đối với vùng biển và thềm lục địa”.

Thứ hai, COC không nên đề cập yêu sách chủ quyền, chỉ nên tập trung vào những vấn đề như đánh cá, giao thông vận tải hàng không hàng hải và các tranh chấp dân sự, hình sự xảy ra trong khu vực.

Thứ ba, Trung Quốc không thực sự muốn thông qua COC, vì song song với quá trình đàm phán, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy các hoạt động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, như gia hạn lệnh cấm đánh bắt hàng năm, tiếp tục tổ chức du lịch biển đến các đảo tranh chấp, cải tạo mở rộng trên đảo Cây và đảo Bắc trong quần đảo Hoàng Sa, tìm cách xây dựng tiền đồn trên bãi cạn Scarborough, Tòa án Nhân dân Tối cao của Trung Quốc thông qua Tuyên bố về làm rõ cơ sở pháp lý cho quyền tài phán trên các vùng biển quốc gia…

Thứ tư, Trung Quốc chỉ thật sự thảo luận COC khi đã đặt được các căn cứ quân sự vững chắc để kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới