Friday, September 20, 2024
Trang chủĐiểm tinMột số nhìn nhận về chính sách Biển Đông của Tổng thống...

Một số nhìn nhận về chính sách Biển Đông của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn

Từ khi lên cầm quyền đến nay, Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có nhiều bước điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông nhằm tìm cách khẳng định “Đài Loan là một bên tranh chấp” và tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trong nước.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng phi pháp

Chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã có điều chỉnh chính sách trong vấn đề Biển Đông, thúc đảy đảm bảo tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình và tôn trong luật pháp quốc tế

Phát biểu sau khi chiến thắng bầu cử tại Đài Loan, Chủ tịch đảng Dân chủ tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn kêu gọi tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông và tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp. Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh 3 nguyên tắc: Các bên liên quan tranh chấp phải đưa ra lập trường và chủ trương trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); các nước đều có chung nghĩa vụ bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; các bên có yêu sách và chủ trương khác nhau ở Biển Đông nên thông qua đàm phán, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Đồng thời, bà Thái Anh Văn cũng khẳng định lập trường của DPP trong vấn đề Biển Đông không thay đổi, song cho biết, trước bầu cử DPP là đảng đối lập nên không có nhiều tài liệu chính thức về yêu sách “chủ quyền” lãnh thổ của Đài Loan ở Biển Đông.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, Chính quyền của Thái Anh Văn đưa ra tuyên bố phản đối, trong đó nhấn mạnh: (1) Đài Loan có “chủ quyền” đối với các đảo ở Biển Đông, được hưởng tất cả các quyền gắn liền với các quần đảo đó và các vùng nước theo luật quốc tế cũng như luật biển; (2) Tòa Trọng tài đã không mời phía Đài Loan tham gia vào các tiến trình hay tham vấn quan điểm của Đài Loan nên các quyết định của Tòa, vốn vi phạm tới lợi ích của Đài Loan và làm suy yếu quyền lợi của Đài Loan, đặc biệt là các quyền liên quan đến địa vị pháp lý của Ba Bình, đều không ràng buộc pháp lý đối với Đài Loan; (3) Đài Loan chủ trương các tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán đa phương và Đài Loan sẽ làm việc với tất cả các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng.

Tuy nhiên, sau đó Đài Loan đã thông qua một chính sách Biển Đông mới không trực tiếp thách thức quyết định của Tòa trọng tài. Chính sách này dựa trên 4 nguyên tắc: “giải quyết các tranh chấp một cách hoà bình theo UNCLOS, đưa Đài Loan tham gia vào các cơ chế đa phương, thực hiện tự do hàng hải và giám sát và tạm gác khác biệt để cùng phát triển”. Chính sách này cũng đưa ra 5 hành động: “Đảm bảo quyền và sự an toàn cho ngư dân Đài Loan, tăng cường đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời học giả quốc tế đến đảo Ba Bình (“Itu Aba” hay “đảo Thái Bình”) để tiến hành nghiên cứu khoa học, phát triển đảo này thành một cơ sở trợ giúp và cung cấp vật tư cho mục đích nhân đạo, và khuyến khích thêm nhiều người bản địa có tài theo học luật hàng hải”.

Giới chuyên gia, học giả quốc tế đánh giá không cao chính sách Biển Đông của bà Thái Anh Văn

Học giả Sử Hiểu Đông của Trung Quốc nhận định chính sách Biển Đông của bà Thái Anh Văn chỉ nhấn mạnh yêu sách “chủ quyền” đối với đảo Ba Bình, tránh đề cập đến “đường lưỡi bò” hay lập luận về “lãnh thổ cố hữu, chủ quyền lịch sử của Trung Hoa Dân quốc”; nhấn mạnh bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; phản đối, lên án Trung Quốc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Đáng chú ý, Cựu Phó Cục trưởng Cục An ninh quốc gia Đài Loan Trương Húc Thành và Nghị sỹ Lâm Úc Phương cho rằng bà Thái Anh Văn sẽ từ bỏ yêu sách “chủ quyền ở Biển Đông. Trong khi đó, Lưu Phục Quốc, cựu Ủy viên Ủy ban Nghiên cứu chính sách Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, phía Trung Quốc đe dọa sẽ sẵn sàng triển khai hành động “kiềm chế” nếu bà Thái Anh Văn từ bỏ lập trường ở Biển Đông và rằng việc Đài Loan thay đổi chính sách trong vấn đề Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến lòng tin quan hệ Hai bờ và “lợi ích quốc gia” của Đài Loan.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thay đổi chính sách và lập trường liên quan vấn đề Biển Đông

Thứ nhất, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông không chỉ phức tạp, mà nó còn liên quan đến nhiều mối quan hệ lợi ích đan xen. Đài Loan tuy là một bên liên quan tranh chấp, song không được thừa nhận một cách công khai. Vì Trung Quốc sử dụng sức ép kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự để ép các nước phải công nhận chính sách “Một Trung Quốc” và “Đài Loan là một bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc”.

Thứ hai, vấn đề Biển Đông liên quan trực tiếp tới mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Cả hai nước đều đang sử dụng “vấn đề Đài Loan” để cân bằng, mặc cả lợi ích trong khu vực.

Thứ ba, Mỹ cũng đang gây sức ép với Đài Loan về việc được quyền sử dụng đảo Ba Bình trong một số tình huống cụ thể, nhằm gia tăng sức mạnh quân sự để kiềm chế Trung Quốc.

Thứ tư, nếu Đài Loan tuyên bố từ bỏ “chủ quyền ở Biển Đông” thì TQ chắc chắn sẽ coi hành động này là “bán lãnh thổ TQ” và sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả cứng rắn, khiến quan hệ Hai bờ trở nên căng thẳng và tính ổn định trong cầm quyền của DPP sẽ không tồn tại. Hiện Trung Quốc đang triển khai nhiều biện pháp nhằm chống phá Nội các của DPP bằng cách “hối lộ và bắt nạt” một số ít quốc gia hiện còn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thu hẹp không gian của Đài Loan trong các tổ chức quốc tế. Riêng trong năm 2018, Burkina Faso và Cộng hòa Dominica đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để lấy lòng Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới