Friday, September 20, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong việc...

Nhìn lại sự tham gia của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Bước sang năm 2018, cộng đồng quốc tế và ASEAN đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore hôm 25-28/4/2018. Nguồn: ASEAN

Biển Đông liên tục được đề cập tại các diễn đàn khu vực và quốc tế

(1)Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Australia hôm 18/3, các nước ASEAN và Australia đã ra Tuyên bố chung, trong đó khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và sự cần thiết của việc tăng cường lòng tin lẫn nhau, cùng kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phức tạp tình hình. Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí Australia trước thềm Hội nghị ASEAN 32, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long hôm 15/3 cho biết Singapore và Australia đều mong muốn duy trì hòa bình và ổn định khu vực để thúc đẩy tự do thương mại, ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình các tranh chấp và đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng các nước không liên quan trực tiếp đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông có thể tham gia góp phần kiểm soát tình hình bằng việc đảm bảo luật pháp và quy chẩn quốc tế, tham gia vào việc xây dựng các quy tắc nhằm giảm thiểu nguy cơ va chạm hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông.

(2) Tại Hội nghị Điều phối Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN (ASCCO) lần thứ 10 diễn ra tại Jakarta, Indonesia hôm 22/3, các nước ASEAN đã tiếp tục khẳng định những nguyên tắc đã thỏa thuận về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ, hiều quả DOC và sớm đạt được COC.

(3) Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN lần thứ 32 (25-28/4), các nước tiếp tục quan tâm thảo luận về vấn đề Biển Đông, trong đó đã ra Tuyên bố Chủ tịch của Singapore tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi thực thi đầy đủ, hiệu quả DOC, tích cực đàm phán COC và ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng ghi nhận sự quan ngại của các nước ASEAN về hoạt động cải tạo và các hành động gây mất lòng tin, làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và không có hành động quân sự hóa.

(4) Tại Hội nghị Ngoại trưởng các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada hôm 27/4, các nước G7 đã ra Tuyên bố chung, trong đó cam kết hợp tác duy trì trật tự hàng hải quốc tế, phản đối các hành động đe dọa, sử dụng vũ lực, cũng như các hoạt động bồi đắp đảo, quân sự hóa làm gia tăng cẳng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.

(5) Tại Diễn đàn hợp tác ASEAN – Australia lần thứ 30 tại Canberra, Australia (22-23/5), các nước đã chia sẻ quan ngại về các hành động quân sự hóa gần đây ở Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định, đồng thời hy vọng các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đẩy mạnh đối thoại, hình thành các quy tắc, chuẩn mực ứng xử, trong đó có nỗ lực xây dựng COC.

(6) Tại các Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN + 3, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ở Singapore từ ngày 6-7/6 vừa qua, các nước đã đề cao vấn đề bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Một số nước cho rằng diễn biến trên Biển Đông gần đây đang tác động tiêu cực tới hòa bình, ổn định, lòng tin giữa các nước và tiến trình đám phán COC, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, thực thi đầy đủ DOC và sớm đạt được COC.

(7) Tại Diễn đàn ASEAN – Nhật Bản lần thứ 33 tổ chức tại Tokyo hôm 13/6, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, bày tỏ quan ngại trước những diễn biến trên thực địa gần đây, đồng thời cho rằng những diễn biến này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tiến trình đàm phán COC, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm đạt được COC mang tính ràng buộc.

Các nước đều chung tiếng nói lên án hành động quân sự hóa ở Biển Đông

(1) Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ D.Trump khi thăm Mỹ hôm 21/2, Thủ tướng Australia Turnbull khẳng định Australia luôn ủng hộ việc đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không trên thế giới và không loại trừ khả năng hải quân Australia sẽ tham gia các cuộc tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

(2) Ngày 2/4, Đại diện về chính sách an ninh Liên minh châu Âu (EU) Francois Rivasseau cho biết EU bày tỏ quan ngại đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông do đây là khu vực có ảnh hưởng quan trọng về kinh tế và cho biết không loại trừ khả năng hải quân EU sẽ tiến hành tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông.

(3) Ngày 16/5, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương Patrick Murphy cho biết những thông tin gần đây về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông cho thấy Trung Quốc đã vi phạm các cam kết trước đây, trong đó có cam kết riêng giữa Trung Quốc với Mỹ, cho rằng việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông đã gây ra mối quan ngại lớn đối với Mỹ. Mỹ kêu gọi các bên liên quan tranh chấp theo đuổi các biện pháp đối thoại hòa bình, tránh các hoạt động làm leo thang căng thẳng, dẫn tới xung đột.

(4) Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne (21/5) lên án hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, nhấn mạnh Chính phủ Australia quan ngại sâu sắc về tình trạng quân sự hóa tiếp tục diễn ra trên các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế các hành động có thể gây bất ổn, bao gồm cả việc triển khai các khí tài quân sự.

(5) Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Ondera hôm 22/5 cho rằng việc Trung Quốc bồi đắp quy mô lớn, đẩy nhanh xây dựng các căn cứ quân sự và gia tăng các hoạt động diễn tập quân sự ở Biển Đông gần đây là những bước đi đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và biến mọi việc thành “sự đã rồi”, kêu gọi quốc tế hợp tác để duy trì và củng cố trật tự trên biển một cách tự do, rộng mở dựa trên luật pháp.

(6) Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 17 (SLD 17), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mattis (2/6) đã chỉ trích Trung Quốc đang vi phạm chính cam kết “không quân sự hóa Biển Đông” mà Chủ tịch Tập Cận Bình từng đưa ra khi thăm Mỹ hồi năm 2015, cho rằng việc gia tăng hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông của Trung Quốc là nhằm “đe dọa, cưỡng ép” các nước láng giềng. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh Mỹ ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, trao đổi thương mại “tự do và công bằng”, tuân thủ các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; cam kết xây dựng khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và thịnh vượng.

(7) Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách châu Á – Thái Bình Dương Randy Schriver (17/7) cho biết Mỹ đang cân nhắc tăng cường các biện pháp phản ứng trước các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi Australia hợp tác chống ý đồ kiểm soát các tuyến hàng hải ở Biển Đông cũng như gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Thái Bình Dương của Trung Quốc.

Như vậy có thể thấy, ASEAN và các nước đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Mặc dù còn hạn chế khi các nước chưa đưa ra được các biện pháp cụ thể, chưa có hành động thực tế cứng rắn để lên án và ngăn chặn việc Trung Quốc quân sự hóa, bồi đắp đảo để hiện thực hóa ý đồ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông của Trung Quốc, song đã thể hiện tiếng nói chung của công luận quốc tế đối với các hành động đi ngược lại với lợi ích chung của nhân loại. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố, gia tăng sự hiện diện và mức độ kiểm soát ở Biển Đông, mặt khác sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp nhằm hạn chế, loại trừ sự tham gia của các nước bên ngoài, đồng thời để gây nghi kỵ, chia rẽ giữa các nước khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới