Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngPhilippines thất bại sau 2 năm gác lại Phán quyết

Philippines thất bại sau 2 năm gác lại Phán quyết

Philippines cần tìm cách gây áp lực ép Trung Quốc tuân thủ Phán quyết, tránh trở thành nạn nhân của chính sách cưỡng ép của Trung Quốc.

Tòa Trọng tài Thường trực (PCA)

Phán quyết Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines – Trung Quốc ngày 12/7/2016 là cột mốc quan trọng trong cuộc đấu pháp lý với Trung Quốc ở Biển Đông.

Phán quyết bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc, khẳng định đường này “không có cơ sở pháp lý” đối với bất cứ vùng nước hoặc tài nguyên nào ở Biển Đông. Trung Quốc không thể yêu sách vùng biển vượt quá quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Như vậy, Trung Quốc không thể yêu sách vùng đặc quyền kinh tế quá 200 hải lý và thềm lục địa quá 350 hải lý (tùy theo địa hình thực tế) từ bờ biển của nước này với giới hạn cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là cực Nam đảo Hải Nam. Các quốc gia ven Biển Đông khác, gồm Philippines, có đầy đủ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ đường cơ sở thẳng của mình theo UNCLOS 1982. Biển Đông cũng chừa ra khoảng 25% là vùng biển cả thuận lợi cho hợp tác quốc tế.

Phán quyết lần đầu tiên giải thích định nghĩa của đá, đảo và thực thể lúc nổi lúc chìm trong UNCLOS 1982. Theo đó, không cấu trúc địa lý nào ở Trường Sa được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Các cấu trúc địa lý trên mực nước biển được hưởng tối đa 12 hải lý lãnh hải gồm Gạc Ma, McKennan và Scarborough. Song, lãnh hải ở Scarborough là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines, Việt Nam và Trung Quốc, mở ra cơ hội ngư dân Philippines được quay lại đánh bắt ở khu vực này sau hơn 4 năm bị Trung Quốc phong tỏa và ngăn cản.

Các cấu trúc khác ở Trường Sa gồm Chữ Thập, Xu Bi là thực thể lúc nổi lúc chìm, không phải là đối tượng xác lập chủ quyền. Còn bãi Cỏ Rong là cấu trúc chìm nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, hiểu nôm na là Philippines có quyền chủ quyền với tài nguyên ở bãi Cỏ Rong.

Phán quyết cũng cho rằng Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, xây dựng đảo nhân tạo và không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này.

Ngoài ra, Phán quyết xét ảnh hưởng với môi trường biển của các hoạt động bồi đắp và xây dựng nhân tạo của Trung Quốc trên 7 cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa và cho rằng Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.

Tuy nhiên, chính quyền Duterte đã không thúc đẩy Phán quyết và không yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Phán quyết. Ngược lại, chính quyền này từ tháng 12/2016 đã đóng băng, gác lại Phán quyết để đổi lấy hợp tác kinh tế, vay vốn và đầu tư của Trung Quốc. Họ cũng tránh cách đàm phán song phương với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, tìm kiếm giải pháp tạm thời khai thác chung dầu khí, song đang tìm khuôn khổ pháp lý cho phù hợp. Bên cạnh đó, chính quyền Duterte hy vọng rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt chính sách quyết đoán ở Biển Đông với Philippines. Nhưng, chính quyền Duterte đã lầm. Gác lại Phán quyết là một sự thất bại đáng thẹn.

Truyền thông Philippines tháng 5/2018 đưa tin cho hay Trung Quốc vẫn ép Philippines trên thực địa. Điển hình là ngày 11/5, Trung Quốc điều tàu hải quân 3368 và tàu hải cảnh 549 cản trở tàu Philippines tiếp liệu cho binh sỹ nước này đóng trên con tàu cũ mắc cạn ở bãi Cỏ Mây. Tàu hải cảnh và tàu dân quân biển của Trung Quốc kiểm soát bãi Sandy 24/24h, ngăn chặn và xua đuổi tàu thuyền của Philippines tiếp cận với bãi cạn này kể từ tháng 8/2017. Ngư dân Philippines đánh bắt xung quanh Scarborough nhưng không được vào trong đầm phá, thậm chí còn bị hải cảnh của Trung Quốc tịch thu lượng cá có giá trị.

Vấn đề căng đến mức chính quyền Duterte nêu ra “lằn ranh đỏ” trên Biển Đông, gồmkhông cải tạo và xây dựng tại Scarborough, không ngăn cản Philippines cung cấp nhu yếu phẩm tại bãi Cỏ Mây, và không đơn phương khai thác tài nguyên. Thậm chí, Duterte còn cảnh báo có thể có chiến tranh nếu nước khác (ám chỉ Trung Quốc) đơn phương khai thác tài nguyên ở Biển Đông (nơi được cho là tranh chấp với Philippines). Tuy nhiên, giới quan sát không đặt nhiều hy vọng vào sự quyết đoán của chính quyền Duterte vì ngay sau đó các quan chức của Philippines đính chính rằng nước này không có vũ khí để gây chiến.

Thất bại của Philippines không chỉ dừng lại ở việc Trung Quốc càng lấn lướt và ép Philippines nhượng bộ. Chính quyền Duterte đã không thể hiện tích cực phản bác việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, mà còn tạo điều kiện để Trung Quốc nghiễm nhiên quân sự hóa. Họ hành xử như là ngầm ủng hộ Trung Quốc với những lời lẽ nhu nhược như “không làm gì được”, hoặc tên lửa của Trung Quốc “không nhắm vào Philippines”, hoặc đó là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc không liên can gì đến Philippines.

Trung Quốc thừa thế nhanh chóng quân sự hóa, đưa các loại vũ khí tiên tiến đến các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép trên Biển Đông như tên lửa, ra-đa cao tần, các hệ thống gây nhiễu sóng, máy bay chiến đấu, thiết bị do thám ngầm dưới biển, v.v.

Những hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc đáng ngại vì mục tiêu cuối cùng là độc chiếm Biển Đông và bá quyền khu vực. Với hệ thống đảo nhân tạo và vũ khí trên Biển Đông, Trung Quốc đã làm thay đổi cân bằng chiến lược ở khu vực theo hướng có lợi cho mình. Đồng thời, Trung Quốc sử dụng ngoại giao để hạn chế phản ứng từ các nước liên quan, như thúc đẩy đàm phán nội dung cụ thể COC nhưng vẫn không triển khai DOC.

Bên cạnh đó, việc Philippines gác lại Phán quyết làm khó cho các nước liên quan khác trong việc đẩy Phán quyết và dùng kết quả Phán quyết để phản bác các hoạt động gây bất ổn tình hình Biển Đông của Trung Quốc.

Việc Philippines gác lại Phán quyết là thất bại lớn, làm cho chính họ trở thành nạn nhân của chính sách cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông. Philippines cần tìm cách gây áp lực buộc Trung Quốc tuân thủ Phán quyết, tránh biến Biển Đông trở thành ao nhà của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới