Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt do bị con người khai thác quá mức, việc tìm và khai thác nguồn năng lượng mới trở thành vấn đề cấp thiết, mang tính sống còn đối với các nước trên thế giới. Hiện nay, băng cháy đang trở thành hy vọng mới đối với tất cả chúng ta. Theo đánh giá, Biển Đông được đánh giá là một trong 5 khu vực có trữ lượng lớn nhất thế giới về băng cháy, đủ trữ lượng để thay thế bất cứ nguồn năng lượng nào trong tương lai.
Băng cháy là gì?
Băng cháy hay còn gọi là đá cháy, có tên khoa học là natural hydrate hoặc gas hydrate, hình thành từ các loại khí thiên nhiên như methane, ethane, propan và nước trong điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0°C). Về mặt kỹ thuật, băng cháy được biết đến là methane hydrate, có thể bị đốt cháy trong trạng thái đông lạnh. Băng cháy thường tồn tại ổn định trong điều kiện thềm biển sâu ít nhất từ 300m trở lên, các đảo ngầm đại dương và ở các vùng băng vĩnh cửu, dưới dạng thể rắn giống như những trái cầu tuyết nhỏ. Ước tính, cứ 1m3 băng cháy sẽ giải phóng khoảng 164 m3 methane, cao gấp 2 – 5 lần khí thiên nhiên. Do băng cháy là hydrate đông lạnh, ít tạp chất, nên khi đốt chát nó không gây ô nhiễm môi trường.
Băng cháy có nhiều màu khác nhau như trắng, vàng, nâu, đỏ, xám hay xanh da trời. Theo nghiên cứu, đây là một trong những nhiên liệu hóa thạch dồi dào nhất thế giới, có thể cung cấp cho con người nguồn năng lượng khổng lồ đủ cho con người sử dụng trong hàng ngàn năm nữa. Theo số liệu khảo sát ban đầu, có hơn 90 quốc gia trên thế giới có trữ lượng băng cháy. Các nước có trữ lượng băng cháy lớn nhất là Canada, Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới dao động từ 280 nghìn tỷ m3 lên đến 2,8 triệu tỷ m3, trong khi đó, tổng sản lượng khí tự nhiên trên toàn thế giới vào năm 2015 là 3,5 tỷ m3. Điều này có nghĩa là trữ lượng methane hydrate, hay băng cháy có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt toàn cầu từ 80 đến 800 năm với mức tiêu thụ hiện tại.
Tuy nhiên, công nghệ khai thác băng cháy đang còn là một ẩn số và thách thức đối với tất cả các nước. Nguyên nhân chủ yếu là do băng cháy được hình thành ở nhiệt độ và áp suất thấp, nên chỉ cần thay đổi áp suất hoặc nhiệt độ tăng lên khoảng từ 1°C-20°C có thể sẽ làm băng cháy phóng thích methane cực lớn. Quá trình này có thể gây nên thảm họa nhà kính toàn cầu, thậm chí gây ra hiện tượng sóng thần do các thềm lục địa sụp đổ.
Trung Quốc là nước đầu tiên khai thác thành công băng cháy ở Biển Đông
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, thăm dò nguôn băng cháy ở cả trên biển và trên đất liền. Để triển khai thành công kế hoạch trên, Bắc Kinh đã thành lập Trung tâm nghiên cứu Biển Đông ở dưới biển để phục vụ công cuộc khai phá thiên nhiên và tìm kiếm nguồn năng lượng mới; chế tạo và đưa vào sử dụng tàu Giao Long, tàu Hải Dương 6 lặn tham dò tìm kiếm và đánh giá trữ lượng băng cháy phía Bắc Biển Đông. Theo đánh giá của Cục Điều tra địa chất Trung Quốc, Bắc Kinh có 6 điểm giàu băng cháy trên biển và 9 điểm ở cao nguyên Nam Thanh Hải – Bắc Tây Tạng. Tại Biển Đông, Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc phát hiện mỏ băng cháy ở gần lòng chảo Châu Giang (khu vực bồn địa cửa sông Châu), có thể chứa 100 – 150 tỷ m3 khí thiên nhiên. Theo Liên hợp báo sáng (Singapore) nhận định vùng biện thuộc quyền quản hạt của TQ có tàng trữ tài nguyên băng cháy phong phú, dự kiến tổng trữ lượng băng cháy tương đương với trữ lượng dầu khí của Trung Quốc cộng lại.
Cục Khảo sát địa chất Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh lần đầu tiên khai thác thành công khí tự nhiên từ băng cháy tại khu vực biển Thần Hồ, phía Bắc Biển Đông (cách Hồng Công 287 km về phía Đông Nam); khối băng cháy đầu tiên được khai thác nằm ở độ sâu 1.266 m dưới mặt nước biển, bằng giàn khoan Lam Kình số 1. Việc khai thác thử băng cháy đã thực hiện cho sản lượng ổn định và băng cháy khai thác lên có hàm lượng Methane cao tới 99,5%. Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trung Quốc Giang Đại Minh cho biết, việc khai thác khí hydrate sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của Bắc Kinh. Dự kiến Trung Quốc sẽ khai thác thương mại băng cháy trước năm 2030, với sản lượng 16.000 m3/ngày.
Việc Trung Quốc khai thác thành công băng cháy ở Biển Đông có ý nghĩa chiến lược, sống còn đối với nước này
Băng cháy là nguồn năng lượng mới, nó sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm để thay thế các loại chất đốt thông thường như khí đốt tự nhiên hay dầu mỏ, có́ ý nghĩa quan trọng đối với an ninh năng lượng và phát triển kinh tế của Trung Quốc. Nhất là trong bối cảnh nguồn dầu mỏ, khí đốt ở Biển Đông đang ngày càng cạn kiệt, trong khi nhu cầu về năng lượng của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.
Không chỉ vậy, việc khai thác thành công băng cháy ở độ sâu 1.266m cho thấy Bắc Kinh đã đạt được thành công vượt bậc khi áp dụng lý thuyết và công nghệ vào lĩnh vực này để trở thành nước đầu tiên trên thế giới khai thác được băng cháy với trữ lượng lớn. Với việc nắm quyền chủ động về công nghệ khai thác băng cháy, Trung Quốc sẽ tạo được lợi thế trong việc triển khai các hoạt động khai thác, thăm dò phi pháp ở khhu vực Biển Đông.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng còn gặp nhiều khó khăn khi tiến hành khai thác băng cháy trên Biển Đông. Đầu tiên, chi phí khai thác băng cháy hiện còn quá cao. Theo các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, nguồn khí đốt mới có nhiều tiềm năng, song do giá thành cao, vấn đề về môi trường và các rào cản kỹ thuật gặp nhiều khó khăn khiến những sản phẩm thương mại chế xuất từ băng cháy có thể vẫn chưa xuất hiện trên thị trường tiêu thụ trong 3 năm tới. Thứ hai, Trung Quốc mới chỉ làm chủ được công nghệ khai thác băng cháy ở độ sâu 1.500m trở lại, vẫn chưa có khả năng khai thác nguồn năng lượng này ỡ những bồn chũng có độ sâu lớn. Ngoài ra, việc khai thác còn cần phải sử dụng một lượng lớn nước, hoặc CO2 nhằm làm ngập bể chứa methane hydrate để nhiên liệu có thể được giải phóng và đưa lên bề mặt, điều này hiện Trung Quốc chưa thể triển khai được ở Biển Đông. Thứ ba, Bắc Kinh cũng lo ngại trong quá trình khai thác không thể làm chủ công nghệ sẽ khiến methane hydrate bị rò rỉ trong quá trình chiết xuất, làm gia tăng biến đổi khí hậu.
Các nước lớn trên thế giới cũng đang tích cực chạy đua khai thác băng cháy
Băng cháy lần đầu được phát hiện ở phía Bắc nước Nga (năm 1960), song việc nghiên cứu khai thác chúng dưới đáy biển sâu chỉ bắt đầu khoảng 10-15 năm gần đây. Nhật Bản là nước tiên phong trong lĩnh vực khai thác băng cháy do thiếu tài nguyên thiên nhiên. Tháng 3/2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã tiến hành thử nghiệm sản xuất khí đốt từ băng cháy ở khu vực vịnh Nankai, chiết xuất thành công trung bình 20.000m3 khí đốt trong 6 ngày. Cơ quan Tài nguyên tự nhiên và Năng lượng Nhật Bản (ANRE) dự kiến Nhật Bản sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển nhằm khởi động các dự án thương mại hóa sản xuất khí đốt từ băng cháy vào khoảng giữa năm 2020.
Mỹ và Canada cũng đang nghiên cứu cách khai thác băng cháy dưới lớp băng vĩnh cửu ở khu vực phía Bắc Alaska và Canada. Đại học Texas ở Austin đã và đang chủ sự một chương trình nghiên cứu đa ngành về băng cháy ở Vịnh Mexico từ năm 2014-2020, với sự hỗ trợ của Bộ Năng lượng Mỹ. Khi bắt đầu chương trình vào năm 2014, Giáo sư Peter Flemings, Viện Nghiên cứu Địa vật lý thuộc Đại học Texas – một trong những nhà khoa học chính tham gia vào chương trình nói trên đã lưu ý: “Công việc chính của dự án này là lấy các mẫu nguyên vẹn, để chúng ta có thể hiểu rõ hơn cách tạo ra các lớp trầm tích này. Điều này cũng tương tự như cách chúng ta đã từng nghiên cứu về dầu và khí đá phiến 20, 30 năm trước. Khi đó, không ai trong chúng ta nghĩ rằng có thể sản xuất ra hydrocarbon từ đá phiến”.
Ngoài ra, Nga cũng đang khai thác mỏ băng cháy ở Siberi; Ấn Độ tích cực thúc đẩy nghiên cứu thăm dò băng cháy ở khu vực Ấn Độ Dương.
Việt Nam cũng là một trong những nước có trữ lượng lớn băng cháy ở Biển Đông
Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng hội Địa chất Việt Nam đánh giá vùng Biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam hội tụ đủ điều kiện hình thành băng cháy như độ sâu đáy biển, đặc điểm địa mạo, nhiệt độ đáy biển, trầm tích, nguồn khí, các dấu hiệu địa hóa, địa vật lý… Đặc biệt là cấu trúc địa chất, bối cảnh địa chất và một trong các điều kiện tiên quyết là sự xuất hiện của các bể chứa dầu khí Sông Hồng, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây, Nam Côn Sơn, các nhóm bể Hoàng Sa, Trường Sa. Theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam có 4 khu vực có trữ lượng băng cháy lớn, gồm: Quần đảo Hoàng Sa, Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây và quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên việc nghiên cứu băng cháy ở Việt Nam còn gặp rất khó khăn, đặc biệt về công nghệ khai thác. Vì vậy, khó có khả năng Việt Nam sẽ khai thác thành công băng cháy trong tương lai gần.