Mỹ và đồng minh phối hợp phóng tên lửa, ngư lôi đánh chìm tàu chiến ngay trước mặt tàu do thám công nghệ cao của Trung Quốc.
Quân đội Mỹ, Nhật và Australia hôm 12/7 thực hiện bài tập đánh chìm tàu chiến (SINKEX) trong khuôn khổ diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018. Washington và đồng minh đã triển khai nhiều khí tài hiện đại trên không, trên mặt biển và dưới lòng đại dương để phát hiện và tiêu diệt mục tiêu. Giới chuyên gia đánh giá động thái phô diễn sức mạnh phối hợp này đã gửi thông điệp rất mạnh tới Trung Quốc, theo Defense News.
Theo kịch bản, máy bay chống ngầm P-3 Orion của Nhật phát hiện mục tiêu giả định là tàu đổ bộ USS Racine cách nơi tập kết của liên quân khoảng 100 km về phía bắc. Tuy nhiên, máy bay Nhật không thể hoàn thành việc truyền tin với trung tâm chỉ huy do gặp sự cố.
Một phi đội máy bay không người lái (UAV) Grey Eagle cùng một trực thăng tấn công AH-64 Apache được điều động hỗ trợ phi cơ Nhật xác định chính xác tọa độ mục tiêu.
Sau khi nhận thông tin về tọa độ mục tiêu do UAV gửi về, tên lửa chống hạm phóng từ đất liền NSM, pháo phản lực phóng loạt M142 HIMARS của Mỹ cùng tên lửa đất đối hải Type 12 của Nhật và trinh sát cơ P-8A Poseidon của Australia đồng loạt khai hỏa nhắm vào mục tiêu.
USS Racine bị hư hại nặng sau khi trúng loạt tên lửa phóng từ trên không và trên đất liền. Tàu ngầm USS Olympia của Mỹ sau đó phóng một tên lửa diệt hạm Harpoon và một ngư lôi Mk 48 để “kết liễu” mục tiêu, khiến nó gãy đôi và chìm xuống biển.
Chuyên gia quân sự David B. Larter nhận định việc SINKEX diễn ra ngay trước mặt tàu do thám công nghệ cao Type-815 của Trung Quốc đang hoạt động ở ngoài khơi Hawaii chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh có lý do để lo ngại.
NSM là mẫu tên lửa hành trình diệt hạm cận âm, có khả năng bay bám mặt biển với tầm bắn 160 km. Nó sử dụng cơ chế dẫn đường kết hợp giữa hệ thống định vị toàn cầu (GPS), dẫn đường quán tính và nhận dạng địa hình khi tiếp cận mục tiêu, giúp tên lửa vẫn hoạt động tốt trong trường hợp bị đối phương phá sóng GPS.
Ở giai đoạn cuối hành trình, NSM sẽ bật đầu dò ảnh hồng ngoại để dẫn đường tới mục tiêu. Nhờ kho dữ liệu nhận dạng từng loại tàu, nó có thể tự động phân biệt giữa mục tiêu dự kiến và các đối tượng khác, đảm bảo tấn công chính xác và tránh bị đối phương đánh chặn. Chuyên gia Larter cho rằng năng lực nhận dạng mục tiêu rất quan trọng bởi NSM sẽ không cần tàu chiến hoặc phi cơ liên tục dẫn bắn, giúp các bệ phóng duy trì khoảng cách an toàn với đối phương.
Larter nhận định màn phối hợp phóng tên lửa từ trên đất liền trong SINKEX cho thấy quân đội Mỹ và Nhật đang phát triển chiến lược “phòng thủ quần đảo” để bảo vệ lãnh thổ trên biển. Theo đó, lục quân sẽ được triển khai trên các chuỗi đảo ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sử dụng tên lửa chống hạm và phòng không để ngăn đối phương tiếp cận chiến trường.
Trong bối cảnh Trung Quốc nuôi tham vọng tăng cường quân sự hóa để kiểm soát Biển Hoa Đông và Biển Đông, giới phân tích đánh giá chiến lược này có thể khiến Bắc Kinh thay đổi toan tính.
“Mỹ cần ngăn đối thủ kiểm soát không phận và hải phận quanh chuỗi đảo thứ nhất, do quân đội Trung Quốc sẽ tìm cách thống trị hai chiến trường này để cô lập chuỗi đảo”, nhà phân tích Andrew Krepinevich từ Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CBSA), nhận định.
Tổ hợp Type-12 của Nhật khai hỏa tại RIMPAC 2018. Ảnh: US Navy. |
“Mỹ cần tích hợp các mạng lưới chiến đấu của đồng minh và tăng cường tiềm lực quân sự cho họ để cân bằng cán cân quân sự trong khu vực với Trung Quốc. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua lực lượng lục quân, vốn không thay thế mà sẽ tăng cường sức mạnh cho hải quân và không quân”, chuyên gia Krepinevich đánh giá.
Mỹ cũng đang cân nhắc sử dụng tổ hợp M142 HIMARS và pháo tự hành M109 Paladin để tấn công tàu chiến từ đất liền trong chiến lược đa dạng hóa hỏa lực, vốn đòi hỏi sự phối hợp, chia sẻ thông tin từ nhiều quân binh chủng khác nhau.
“Vai trò của lục quân trong việc đảm bảo khả năng tiếp cận và hoạt động tại các khu vực chung là điều Mỹ cùng đồng minh và đối tác đang giải quyết. Nếu mọi thứ đi đúng hướng, lục quân Mỹ có thể triệt hạ tận gốc mối đe dọa, thay vì đối phó với hỏa lực của nó”, đô đốc Harry Harris, cựu chỉ huy các lực lượng Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, nhấn mạnh.