Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mới"Donald Trump sẽ không lùi bước, TQ có thể gặp rắc rối...

“Donald Trump sẽ không lùi bước, TQ có thể gặp rắc rối to”

Đó là bình luận của cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon, trong khi căng thẳng thương mại Trung-Mỹ có thể được đưa ra hội nghị Bắc Đới Hà tuần tới.

Ông Tập Cận Bình bỗng nhiên im lặng

Nikkei Asian Review ngày 20/7 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bỗng dưng im lặng về vấn đề căng thẳng thương mại Trung – Mỹ trên truyền thông những tuần gần đây.

Nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc không còn xuất hiện trên trang đầu Nhân Dân nhật báo hay truyền hình quốc gia về các vấn đề thương mại giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ tháng này.

Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Larry Kudlow bình luận trên kênh CNBC tuần này rằng:

“Theo như chúng tôi biết, Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn tìm kiếm một thỏa thuận trong thời điểm này.

Phó Thủ tướng Lưu Hạc phụ trách các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ rất háo hức nói chuyện, nhưng tôi nghĩ ông Tập Cận Bình đang trì hoãn.”

Bình luận này lập tức vấp phải chỉ trích gay gắt từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

Nikkei Asian Review cho rằng, thời gian này ông Tập Cận Bình tránh bàn luận về căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất, nhì thế giới;

Người “cầm biểu ngữ thương mại tự do” lúc này là Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Thứ Hai tuần này ông kêu gọi Liên minh châu Âu cùng Trung Quốc thúc đẩy tự do hóa trong thương mại và đầu tư, chống chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc.

“Không bắt cá bằng cách tát cạn ao”

South China Morning Post ngày 20/7 đưa tin, căng thẳng thương mại Trung – Mỹ có thể sẽ là nội dung chính tại hội nghị Bắc Đới Hà năm nay.

Đây là một hoạt động không bao giờ có thông báo chính thức thường diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng Tám, quy tụ các lãnh đạo hàng đầu đương nhiệm cũng như đã nghỉ hưu để bàn chuyện “quốc gia, đại sự”.

Kỳ họp năm nay sẽ diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến công du Trung Đông, châu Phi về nước.

Sau hội nghị Bắc Đới Hà, ông Tập Cận Bình dự kiến sẽ tiếp Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tại Bắc Kinh ngày 13/8. 

Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay bị bao phủ bởi căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang, điều này có thể ảnh hưởng lớn đến chính trị và các chiến lược của Trung Quốc. [2]

Trước đó ngày 19/7 cũng South China Morning Post cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được nội bộ ủng hộ cách tiếp cận đối đầu với “cuộc chiến thương mại” do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát động.

Kế hoạch này dựa trên niềm tin của ông Tập Cận Bình vào mô hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Ông thường xuyên yêu cầu các quan chức nước này giữ “niềm tin chiến lược” và “tập trung chiến lược” trong đàm phán với Mỹ;

Các mối đe dọa từ Tổng thống Donald Trump có thể giúp Bắc Kinh tăng cường nội lực và sửa chữa các bất cập của nền kinh tế.

Mei Xinyu, một nhà nghiên cứu có mối liên hệ với Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng, Bắc Kinh có thể xem tranh chấp thương mại Trung – Mỹ là cơ hội “thử nghiệm áp lực” để phát hiện các liên kết yếu kém trong nền kinh tế và khắc phục chúng.

“Ví dụ Trung Quốc có thể cắt giảm thuế quy mô lớn, không bắt hết cá bằng cách tát cạn ao”, Mei Xinyu phát biểu trong một hội nghị chuyên đề tại Bắc Kinh tuần này.

Ông Tập Cận Bình đã phát hiện ra Trung Quốc “thiếu công nghệ cốt lõi” khi Hoa Kỳ quyết định trừng phạt công ty viễn thông ZTE vài tháng trước.

Quyết định trước đó của Washington cấm bán con chíp bán dẫn và hệ điều hành cho ZTE suýt nữa giết chết nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc, phơi bày “gót chân Achilles” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Mặc dù lệnh cấm này được dỡ bỏ sau khi ZTE nộp phạt 1 tỉ USD, ký quỹ 400 triệu USD và tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo, cho phép Mỹ cài người theo dõi, sự kiện này vẫn khiến ông Tập Cận Bình không yên tâm.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thúc giục các quan chức tìm cách phát triển các công nghệ cốt lõi tại hội nghị bộ chính trị thảo luận về các vấn đề kinh tế.

Chính quyền trung ương đang kiềm chế các địa phương đi vay, để kiểm soát nợ – nguồn rủi ro lớn cho sự ổn định tài chính và kinh tế Trung Quốc.

Liu Yuhui, một nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ đã phá vỡ kế hoạch ban đầu của Bắc Kinh.

Thắt lưng buộc bụng trong những năm tới sẽ là giải pháp chủ yếu, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác.

Đồng thời, thay vì trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ như nhiều người đã lo sợ, Bắc Kinh đang tìm cách quyến rũ họ bằng những lời hứa mở rộng thị trường và triển vọng lợi nhuận.

Larry Hu, chuyên gia trưởng của Macquarie Capital Hồng Kông về kinh tế Trung Quốc nhận định:

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã phải thừa nhận, đối đầu với Mỹ không phải là lựa chọn tốt. Họ buộc phải mở cửa.”

Tuy nhiên, tranh chấp thương mại Trung – Mỹ sẽ không làm thay đổi quan điểm của ông Tập Cận Bình rằng chính phủ Trung Quốc có quyền, thậm chí có trách nhiệm để hướng dẫn các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước phải phục vụ các mục tiêu này;

Việc cải cách mở cửa cũng như các giải pháp đối phó với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ là để thực hiện mục tiêu của Tập Cận Bình, chứ không phải làm thay đổi mô hình Trung Quốc sang mô hình phương Tây, ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cho biết.

Donald Trump sẽ không lùi bước

The New York Post ngày 18/7 dẫn lời cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steve Bannon cho biết, Donald Trump sẽ không lùi bước, và người Trung Quốc sẽ gặp rắc rối.

Ông Steve Bannon, ảnh: CNBC.

Ông Steve Bannon phát biểu tại một diễn đàn của CNBC về đầu tư:

“Tôi nghĩ rằng điều đầu tiên bạn sẽ thấy trong cuộc chiến thương mại này là sự định hướng lại chuỗi cung ứng hoàn chỉnh của Nhật Bản, Tây Âu, Hoa Kỳ và Đông Nam Á. Trung Quốc đang gặp rắc rối lớn.” [4]

Trong một động thái có liên quan, biên tập tờ South China Morning Post ngày 19/7 cho biết, sau khi nhắm mục tiêu 2 doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc là ZTE và Huawei, mục tiêu tiếp theo là công ty dịch vụ viễn thông China Mobile.

Hoa Kỳ đã từ chối đề nghị của China Mobile cho phép hãng này xây dựng mạng lưới viễn thông tại Mỹ vì mối đe dọa an ninh quốc gia.

China Mobile chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông di động, băng thông rộng và các dịch vụ viễn thông khác.

Đáng chú ý, Bắc Kinh hiện nay đang cảm thấy khó đánh giá ý đồ thực sự của Tổng thống Donald Trump khi chính sách thương mại của họ thay đổi liên tục, ví như suýt nữa Mỹ “giết” ZTE, nhưng rồi lại “phạt cho tồn tại”.

Điều này khiến China Mobile cũng hy vọng họ có thể “thương lượng lại” với Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

Tin mới