Thursday, January 9, 2025
Trang chủBiển nóng"Mắt xích yếu" trong Tứ giác Kim cương nhằm kiềm chế TQ...

“Mắt xích yếu” trong Tứ giác Kim cương nhằm kiềm chế TQ trên Biển Đông

Phát ngôn của ông Modi cho thấy rõ sự kết nối Trung – Ấn tại Vũ Hán và lập trường mềm đi rõ rệt của Ấn Độ về Bộ Tứ.

Ảnh: Reuters

Kể từ khi chính quyền Trump tuyên bố tìm kiếm một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, các nhà quan sát đã tốn nhiều giấy mực về sự trở lại của Diễn đàn An ninh Bốn bên, hay còn gọi là Tứ giác Kim cương (Bộ Tứ).

Tứ giác Kim cương – một cơ chế tham vấn không chính thức bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ – lặng lẽ phản đối động thái quân sự hóa trái phép và ý đồ kiểm soát khu vực đường thủy chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông.

Những cuộc gặp gần nhất của nhóm này là vào tháng 11 năm ngoái và tháng 6 năm nay, sau 10 năm im lặng. Dù vậy, số phận của Tứ giác Kim cương này vẫn khá mong manh.

Những nỗ lực đầu tiên của Bộ Tứ này không thành công bởi Thủ tướng Australia khi đó Kevin Rudd đã lùi bước, e sợ Bộ Tứ có thể gây thù chuốc oán với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi bùng phát lo ngại về tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, Australia đã quyết định dấn thân. Mỹ và Nhật Bản cũng vậy. Chỉ còn lại Ấn Độ. Và có vẻ New Delhi đang chần chừ.

Nước cờ ngoại giao khéo léo của ông Tập

Ấn Độ dường như đã bớt nhiệt tình về Bộ Tứ sau thượng đỉnh Vũ Hán. Hồi tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới Vũ Hán để tiến hành một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức. Quyết định của ông Tập cho thấy một nước cờ ngoại giao đặc biệt khéo léo.

Quan hệ song phương Trung – Ấn đã chạm đáy hồi 2017, chủ yếu là do tình trạng đối đầu quân sự nhiều tháng ở khu vực tranh chấp Doklam. Đây cũng có thể là nguyên nhân thúc đẩy Ấn Độ quay trở lại với Bộ Tứ.

Mặc dù hai lãnh đạo không ra thông cáo chung – động thái cho thấy khác biệt sâu sắc giữa họ – nhưng họ cũng nhất trí tìm cách hợp tác với nhau.

Ngay sau thượng đỉnh Vũ Hán, New Delhi quyết định khước từ yêu cầu tham gia tập trận Malabar của Australia – hoạt động diễn tập cùng Nhật Bản, Mỹ. Đây là năm thứ tư liên tiếp Ấn Độ từ chối nhưng vào thời điểm này, hành động ấy được cho là sự nhượng bộ đối với Bắc Kinh.

Dấu hiệu thứ hai cho thấy Ấn Độ khúc mắc khi tham gia vào Bộ Tứ là vào tháng 6, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore.

Ông Modi đã có bài phát biểu và mặc dù ông đề cập tới sự cần thiết trong việc đảm bảo một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, phù hợp với mục tiêu của Bộ Tứ, nhưng ông bỏ qua cơ hội nhắc tới cơ chế này, mà chỉ nói rằng “Ấn Độ không coi khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương là một chiến lược hoặc một nhóm hạn chế thành viên”.

Ông cũng tránh chỉ trích, thậm chí tránh đề cập tới động thái bành trướng quân sự của Trung Quốc và thể hiện sự quyết đoán trên Biển Đông. Phát ngôn của ông Modi đặc biệt tương phản với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, trong đó ông Mattis lên án hành động của Bắc Kinh.

Thay vào đó, ông Modi nói: “Hồi tháng 4, một cuộc họp thượng đỉnh không chính thức kéo dài 2 ngày với Chủ tịch Tập đã giúp chúng tôi củng cố hiểu biết rằng các mối quan hệ ổn định và vững chãi giữa 2 nước chúng tôi là nhân tố quan trọng cho hòa bình thế giới và sự phát triển”.

“Tôi tin chắc rằng châu Á và thế giới sẽ có một tương lai tươi đẹp hơn khi Ấn Độ, Trung Quốc hợp tác với nhau một cách tự tin và tín nhiệm, nhạy cảm trước lợi ích của nhau”.

Những lời nói này cho thấy rõ sự kết nối giữa hai bên tại Vũ Hán và lập trường mềm đi rõ rệt của Ấn Độ về Bộ Tứ.

“Vùng vẫy” trước tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc

Gần đây nhất, hồi đầu tháng 7 nổi lên thông tin rằng New Delhi định trao đổi với Trung Quốc và Nga về chính sách Ấn Độ – Thái Bình Dương của mình.

Ấn Độ đã tận dụng diễn đàn hàng hải thứ hai với Bắc Kinh để nói về tầm nhìn của mình ở khu vực. Theo đó, New Delhi cho rằng Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nên là trung tâm của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chứ không phải Bộ Tứ, cũng không phải một quốc gia đơn lẻ nào.

Những diễn biến mới này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tính bền vững cho Ấn Độ trong việc tham gia vào Bộ Tứ dù New Delhi có những lý lẽ để là một thành viên tích cực của nhóm.

Dù đã có những thỏa thuận đạt được ở Vũ Hán, nhưng thực tế là giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tồn tại những mối lo ngại nghiêm trọng về đối phương. New Delhi kiên quyết không tham gia vào Sáng kiến Vành đai – Con đường của ông Tập và phá vỡ sự nhất trí về vấn đề này tại SCO.

Ấn Độ tin rằng sáng kiến nhắm tới việc đầu tư, giao thương và hợp tác hạ tầng với các quốc gia Nam Á nhỏ bé, vốn nằm trong quỹ đạo địa chiến lược của Ấn Độ, như Nepal, Bangladesh, Maldives, Sri Lanka. Và New Delhi đã trì hoãn bằng cách thúc đẩy quan hệ với các quốc gia.

Ấn Độ đang tìm kiếm các thỏa thuận hợp tác phát triển, cũng như khả năng tiếp cận cầu cảng với các quốc gia ven biển để đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Đây được xem là chiến lược trước động thái thiết lập căn cứ quân sự tại Djibouti của Trung Quốc, cũng như ngăn cản Bắc Kinh tiếp cận với các cơ sở mới.

Chỉ trong năm ngoái, New Delhi đã nỗ lực đi đến các thỏa thuận tại nhiều khu vực đa dạng, gồm Duqm (Oman), đảo Assumption (Seychelles), Chabahar (Iran), cũng như Sabang (Indonesia). Tuy nhiên, các chiến dịch của Hải quân Ấn Độ trong mạng lưới này có thể chưa đủ để đảm bảo khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương được ổn định và hòa bình.

Nếu các thành viên Bộ Tứ có thể hỗ trợ cho hoạt động của Ấn Độ thông qua các cảng này thì có thể gia tăng tính răn đe.

Nhưng sau cùng, vẫn phải xem lập trường của Ấn Độ là như thế nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới